Hội nghị Cấp cao ASEAN 46 thông qua Khung Phát triển bền vững kinh tế sáng tạo

NDO - Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 diễn ra tại Malaysia trong hai ngày 26, 27/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng trong đó có Khung Phát triển bền vững kinh tế sáng tạo ASEAN. 
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 diễn ra tại Malaysia.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 diễn ra tại Malaysia.

Với vai trò là cơ quan đầu mối phụ trách hợp tác ASEAN trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đồng thời chủ trì lĩnh vực kinh tế/công nghiệp sáng tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên ngành của ASEAN để xây dựng Khung Phát triển bền vững kinh tế sáng tạo ASEAN, cụ thể hóa các cam kết của lãnh đạo ASEAN trong lĩnh vực văn hóa và phát triển sáng tạo.

Khung Phát triển bền vững kinh tế sáng tạo ASEAN được thiết kế phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trên nền tảng lấy văn hóa làm trung tâm cho các chính sách phát triển công nghiệp sáng tạo. Khung tạo tiền đề định hình một cách tiếp cận chung của ASEAN trong xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, bảo đảm hài hòa các yếu tố xã hội, văn hóa, kinh tế và môi trường.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 46 thông qua Khung Phát triển bền vững kinh tế sáng tạo ảnh 1
Hội nghị Cấp cao ASEAN 46 thông qua Khung Phát triển bền vững kinh tế sáng tạo.

Khung Phát triển bền vững kinh tế sáng tạo ASEAN đề ra 13 ưu tiên chiến lược, phản ánh toàn diện các lĩnh vực cần thúc đẩy với nhiều sáng kiến cụ thể: Đo lường và đánh giá dựa trên dữ liệu; nâng cao nhận thức; giáo dục sáng tạo; du lịch văn hóa/di sản bền vững; cách tiếp cận chung về sở hữu trí tuệ; tăng cường kỹ năng kinh doanh (đặc biệt cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa); hợp tác giáo dục-doanh nghiệp; đóng góp vào kinh tế tuần hoàn; tăng cường tiếp cận tài chính; tăng cường tiếp cận thị trường quốc tế; tăng cường công nghệ số; phát triển tiêu chuẩn năng lực và công nhận lẫn nhau; tăng cường bảo trợ xã hội cho lao động thời vụ.

Trên cơ sở những nhóm ưu tiên nêu trên, Khung Phát triển bền vững kinh tế sáng tạo ASEAN xác định 4 kết quả chiến lược hướng tới sự cân bằng giữa các mục tiêu phát triển gồm: Xã hội (gắn kết, bao trùm, công bằng); Văn hóa (bản sắc ASEAN, giá trị chung); Kinh tế (hệ thống thông tin điều khiển là nguồn lực cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, kỹ năng); Môi trường (chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn).

Việc triển khai Khung Phát triển bền vững kinh tế sáng tạo ASEAN là cơ sở để lồng ghép kinh tế sáng tạo vào hoạt động của các cơ quan chuyên ngành ASEAN, từ đó đóng góp thiết thực vào Tầm nhìn 2045 của ASEAN. Đây cũng là động lực thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong nước, tạo thêm việc làm, đặc biệt cho thanh niên và phụ nữ; nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp văn hóa; thúc đẩy du lịch văn hóa bền vững… góp phần gắn kết xã hội và phát triển bao trùm.

Việc ASEAN thông qua Khung Phát triển bền vững kinh tế sáng tạo ASEAN khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác ASEAN. Đây là đóng góp cụ thể vào nỗ lực củng cố quan hệ tình hữu nghị, hợp tác với các nước thành viên, đặc biệt là nước chủ nhà Malaysia trong năm 2025.