Gần dân, sát cơ sở
Hợp tác xã Đồng Tâm (nay là thị trấn Đoan Hùng), huyện Đoan Hùng, vinh dự được đón Bác Hồ về thăm ngày 21/3/1961. Nói chuyện với hàng trăm cán bộ, xã viên, Bác đã khen ngợi đảng viên, đoàn viên và bà con tích cực khai hoang, mở rộng diện tích, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất. Địa phương này là điểm sáng nông nghiệp của miền bắc, đi đầu trong phong trào “phá xiềng 3 sào” và có thành tích bước đầu về tổ chức sản xuất, khai phá đồi trọc…
Khắc sâu lời Bác dặn, 64 năm qua, cùng với quyết tâm của toàn huyện, Ðảng bộ và nhân dân thị trấn Đoan Hùng đoàn kết, vượt khó, thi đua sản xuất, phát huy mọi nguồn lực đầu tư phát triển.
Mấy năm qua, kinh tế thị trấn Đoan Hùng tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Thu ngân sách trên địa bàn hằng năm tăng 15,5% (mục tiêu tăng từ 15% trở lên). Thị trấn hiện có 85 công ty, doanh nghiệp (tăng 16 đơn vị so năm 2020), thu hút hơn 4.250 lao động, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn còn 1,9%, hộ cận nghèo còn 1,48%.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Đoan Hùng Phạm Chí Hà chia sẻ, mấy năm qua, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Thu ngân sách trên địa bàn hằng năm tăng 15,5% (mục tiêu tăng từ 15% trở lên). Thị trấn hiện có 85 công ty, doanh nghiệp (tăng 16 đơn vị so năm 2020), thu hút hơn 4.250 lao động, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn còn 1,9%, hộ cận nghèo còn 1,48%. Nhiệm kỳ 2020-2025, qua đánh giá, thị trấn Đoan Hùng đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn đề ra.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đoan Hùng Nguyễn Văn Vấn cho biết, không riêng thị trấn, kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở huyện Đoan Hùng trước kia tuy có bước phát triển nhưng nhìn chung còn nhỏ lẻ, chủ yếu là kinh tế hộ, sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa rõ nét, hàm lượng khoa học-công nghệ, năng suất lao động xã hội, thu nhập của người dân còn thấp.
Nguyên nhân là do cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thật sự quyết liệt, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sản xuất; hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế...
Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy cụ thể hóa nghị quyết để thúc đẩy cơ cấu lại lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bằng việc khẩn trương xây dựng, triển khai các nhiệm vụ và nhóm giải pháp; chỉ đạo quyết liệt đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là liên kết doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Quá trình này được huyện chủ trương gắn với xây dựng, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Một giải pháp quan trọng được các cấp ủy của huyện Đoan Hùng thực hiện có hiệu quả là đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trên cơ sở phân công nhiệm vụ và địa bàn phụ trách.
Bí thư Huyện ủy Đoan Hùng Phạm Văn Quang thông tin: Cán bộ lãnh đạo, quản lý dành nhiều thời gian đi cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia của người dân và doanh nghiệp.
Nắm rõ và bám sát cơ sở giúp cấp ủy, chính quyền có thêm căn cứ xác đáng để tham mưu cho tỉnh Phú Thọ ban hành cơ chế, có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất; phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị thông qua hợp đồng kinh tế giữa nông dân với doanh nghiệp; phát triển mạnh mô hình thuê gom, tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa tập trung.
Điển hình là việc phát triển cây bưởi ở Đoan Hùng. Sản phẩm này đã và đang khẳng định được thương hiệu, giá trị, có hiệu quả kinh tế cao, đóng góp quan trọng vào phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Những năm qua, huyện đã huy động nhiều nguồn vốn trong nhân dân để đầu tư mở rộng diện tích trồng bưởi; có nhiều cơ chế khuyến khích việc chuyển nhượng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể và các hộ dồn điền đổi thửa để có diện tích lớn, tập trung trồng...
Đến nay, đã hình thành 95 vùng sản xuất tập trung với tổng diện tích 1.350ha; có một hiệp hội sản xuất bưởi, 15 hợp tác xã, một tổ hợp tác, một chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần tiêu thụ khoảng 2.700 tấn/năm. Toàn huyện hiện có gần 326ha được cấp chứng nhận VietGAP và có 49 vùng trồng bưởi được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 1.000ha. Bưởi Đoan Hùng đã có hai sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao và 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Đề cao trách nhiệm với nhân dân
Tỉnh ủy Phú Thọ xác định, gần dân, nắm chắc tình hình cơ sở để cùng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao đời sống nhân dân là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; là giải pháp quan trọng để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Đồng chí Phạm Lam Hồng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Phú Thọ chia sẻ, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng nghiêm túc thực hiện các nội dung, chuyên đề toàn khóa và hằng năm.
Các địa phương, đơn vị đều đưa nội dung học và làm theo Bác vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Ở huyện Cẩm Khê, Nhật Tiến là xã mới thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã là Chương Xá, Phú Lạc, Văn Khúc cuối năm 2024. Tại đây, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Ðảng ủy xã cụ thể hóa và quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức thực hiện với phương châm việc gì có lợi cho dân thì dù khó khăn đến mấy cũng phải làm bằng được.
Bí thư Đảng ủy xã Nhật Tiến Nguyễn Chí Vĩnh cho biết, mặc dù mới thành lập nhưng với những kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới giai đoạn trước của các xã khi chưa sáp nhập, Nhật Tiến quyết tâm trở thành xã nông thôn mới nâng cao trong năm nay.
Trong quá trình triển khai, Đảng ủy thực hiện nghiêm việc phân công từng đồng chí trong ban thường vụ, cấp ủy viên theo dõi, phụ trách địa bàn, lấy hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy và cấp ủy viên.
Ở mỗi khu dân cư, nội dung này là trọng tâm trong sinh hoạt chi bộ. Chi bộ xây dựng kế hoạch, phân công, giao nhiệm vụ cho từng đảng viên phụ trách khu dân cư, nhóm gia đình, tổ liên gia; đồng thời phối hợp chặt chẽ Ban công tác Mặt trận làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; tiến độ của các phần việc xây dựng nông thôn mới nâng cao vì thế được thông suốt, đạt chất lượng.
Phú Thọ học và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, phát huy tính năng động, sáng tạo nỗ lực đưa quê hương đất Tổ ngày càng phát triển, tiến những bước vững chắc để trở thành tỉnh tiên tiến của cả nước.