Hiệu quả từ thủy lợi ở vùng đất khô hạn Tịnh Biên

NDO-Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh An Giang rất quan tâm và đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất của đồng bào dân tộc thuộc huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên như : đầu tư xây dựng các hồ chứa, trạm bơm, hệ thống thủy lợi sau hồ…, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân Khmer canh tác lúa trên xã An Cư
Nông dân Khmer canh tác lúa trên xã An Cư

Những năm trước, đồng bào dân tộc Khmer vùng núi thị xã Tịnh Biên trồng lúa, rau củ quả gặp nhiều khó khăn do thiếu nước tưới. Nhưng từ ngày được đầu tư hệ thống thủy lợi, bà con yên tâm sản xuất quanh năm, nhờ đó đời sống cũng khá lên.

Chúng tôi đi xuyên qua các cánh đồng thuộc xã An Cư thuộc thị xã Tịnh Biên một nơi từng được gọi là “tiểu sa mạc” vì nóng bức quanh năm. Vào mùa mưa, những cánh đồng xã An Cư còn mát mẽ nhưng vào mùa khô, An Cư như “chảo lửa” với sức nóng hầm hập tỏa ra từ các núi đá.

Hiệu quả từ thủy lợi ở vùng đất khô hạn Tịnh Biên ảnh 1
Trạm bơm 3/2 xuyên qua các cánh đồng An Cư mang nước tưới tiêu

Đi qua cánh đồng qua các ấp Tô Pi, Soài Chếk, Chơn Cô đồng lúa luôn xanh mướt thay cho khô cằn, xơ xác một màu nắng cát trước đây. Những nông dân ấp Chơn Cô cho biết, ngày xưa vùng này xem như “tiểu sa mạc” vì mùa khô đất đai khô khốc, thiếu nước tưới chỉ trông chờ vào nước mưa nên trồng cây gì cũng khó. Bà con mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ, năng suất thấp chỉ khoảng 4,7 – 4,9 tấn/ha.

Thế rồi, từ ngày có trạm bơm 3/2 với khả năng bơm tưới cho khoảng 1.500 ha đất thì mọi thứ thay đổi. Hệ thống thủy lợi vùng cao được đầu tư và đưa vào sử dụng đã giúp nông dân Khmer chủ động được nước tưới, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ.

Do tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bà con đã tăng canh tác từ 2 đến 3 vụ với công thức luân canh: 2 lúa – 1 màu hoặc 2 màu - 1 lúa, tỷ lệ các giống lúa có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, trong cơ cấu các giống lúa đạt năng suất cao khoảng 5,4 – 7,3 tấn/ha.

Hiệu quả từ thủy lợi ở vùng đất khô hạn Tịnh Biên ảnh 2

Hệ thống tưới tiêu xây dựng ở Tịnh Biên cung cấp nước quanh năm

Chạy dọc theo đường dẫn của trạm bơm 3/2 xuyên qua các cánh đồng, nương rẫy là một màu xanh bạt ngàn của lúa non, đậu phộng đang trổ. Anh Chau Út, ngụ xã An Cư bộc bạch, những năm trước, làm nông nghiệp cực lắm bởi vào mùa khô thiếu nước nhưng từ khi có trạm bơm nước thì việc làm nương rẫy, trồng lúa không còn lo nước tưới nữa. Ông Chau Rươn, ngụ xã An Cư kể, gia đình có 10 công đất, lúc trước làm được 1 vụ lúa nên cuộc sống khó khăn nhưng từ ngày có trạm bơm cung cấp nước, ông chuyển qua làm mỗi năm 2 vụ lúa nên kinh tế khá lên.

Cùng với đồng đất xã An Cư, các đồng đất xã Văn Giáo, Vĩnh Trung cũng từng bước thay đổi dần, hệ thống thủy lợi kéo về đã đẩy đi khô hạn nên bà con nông dân Khmer sản xuất không còn lo ngại thiếu nước tưới.

Theo Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên Phạm Thành Nhơn, trong những năm qua, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ các điều kiện để nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn như việc đầu tư xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm...

Song song đó, hướng dẫn người dân đồng bào Khmer áp dụng có hiệu quả mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: mô hình nhà lưới, chăn nuôi, tưới tiết kiệm cho cây ăn trái… Cùng với đó nhiều hoạt động khuyến nông, khuyến lâm được quan tâm tổ chức trên địa bàn.

Hiệu quả từ thủy lợi ở vùng đất khô hạn Tịnh Biên ảnh 3

Đồng bào Khmer xã An Cư thu hoạch rau củ quả

Cụ thể với mỗi mô hình được triển khai thực hiện sẽ tổ chức 1 buổi hội thảo để tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, từ đó cũng đã giúp đồng bào dân tộc có thêm kiến thức ứng dụng vào phát triển sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Đến nay các mô hình đều mang lại hiệu quả giảm được chi phí sản xuất cho người dân, thu lại lợi nhuận cao hơn, làm tăng giá trị kinh tế, có nhiều mô hình mang lại lợi nhuận 50 – 60 triệu đồng/năm.

Có thể nói, đặc thù khu vực miền núi, đời sống kinh tế người dân chủ yếu dựa vào lĩnh vực nông nghiệp. Với sự nỗ lực của địa phương và các dự án, chương trình hỗ trợ đã được thị xã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Nhờ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc Khmer, nâng cao đời sống của người dân, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.