Sự so sánh về nội dung các Hiệp định sẽ cho thấy từng bước đi lên của cuộc đấu tranh ngoại giao gắn liền với đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự của cách mạng nước nhà trong suốt ba mươi năm đấu tranh gian khổ (1945 – 1975).
1. Vấn đề chủ quyền là vấn đề quan trọng nhất được đặt ra trong tất cả các cuộc đàm phán và đó cũng là điều mà đối phương tìm cách lảng tránh.
Mục tiêu cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ giải phóng dân tộc là độc lập và thống nhất. Nhưng trong năm đầu của nền Cộng hoà Dân chủ, cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ là một thách thức vô cùng khắc nghiệt. Trong Hiệp định sơ bộ 1946, thực dân Pháp chỉ muốn coi Việt Nam như một xứ tự trị, phía ta kiên trì đòi độc lập, cuối cùng hai bên đi đến thoả thuận: “Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam là một quốc gia tự do có Chính phủ, Nghị viện, quân đội và tài chính của mình, và là một phần trong Liên bang Đông Dương ở trong khối Liên Hiệp Pháp”.
Đành rằng “chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính của mình” nói lên bốn yếu tố cơ bản của một nhà nước độc lập, nhưng trên văn bản chính thức vẫn không có từ “Độc lập” và vẫn còn bị ràng buộc vào cái gọi là Liên bang Đông Dương, sản phẩm của thời kỳ thuộc địa. Dẫu chúng ta chưa đạt được ngay cái đích cuối cùng, song sự nhân nhượng đó là cần thiết với ý nghĩa của sách lược “Hoà để tiến”, nhằm giành thời gian chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài.
Sau chín năm kháng chiến kiên cường, thế và lực của ta đã đổi khác. Chính phủ Hồ Chí Minh được sự ủng hộ của toàn dân cùng đội quân cách mạng trưởng thành đã đánh thắng địch trên nhiều chiến trường, cuối cùng đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sự thực hùng hồn đó đã được thừa nhận. Bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneve năm 1954 đã khẳng định: “Trong quan hệ của mình với Campuchia, Lào và Việt Nam, mỗi thành viên của Hội nghị Geneve cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia nói trên và kiềm chế không có bất kỳ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của họ” (điều 12).
Và riêng nước Pháp, đối thủ chính trong cuộc chiến thì cam kết “Chính phủ Pháp xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, Lào và Việt Nam” (điều 11).
Như vậy, trong văn kiện này, từ “Độc lập” kèm theo “chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” đã được ghi nhận một cách hiển nhiên, thay thế cho từ “Quốc gia tự do” của chín năm về trước.
Tuy thế trong bản Tuyên bố riêng rẽ, Chính phủ Hoa Kỳ không chịu sự ràng buộc của Hiệp định, trên thực tế là không công nhận điều khoản cơ bản này, mở đường cho việc trực tiếp đưa quân vào xâm lược Việt Nam. Để rồi gần 20 năm sau - năm 1973, điều 1 của Hiệp định Paris đã ghi nhận: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneve năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.
Thế là trên suốt chặng đường gần 30 năm, nhân dân Việt Nam đã đạt được mục tiêu của mình trên các văn bản quốc tế là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Bằng tinh thần yêu nước sâu sắc của toàn dân và sự hy sinh xương máu của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, cuối cùng, nền độc lập của Việt Nam đã được quốc tế công nhận.
2. Về mặt quân sự, ba bản Hiệp định phản ánh khá rõ nét từng bước đi lên của cuộc đấu tranh gìn giữ nền độc lập và thống nhất đất nước.
Hiệp định sơ bộ cho phép 15000 quân Pháp được vào đóng ở phía bắc vĩ tuyến 16 thay thế 200.000 quân Tưởng. Đây là một bài toán khó khi miền Bắc đất nước lại phải mở cửa cho một đạo quân thực dân trở lại.
Nhưng với chủ trương tránh không để trong cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, Đảng và Chính phủ đã dũng cảm với quyết sách để quân Pháp vào thay quân Tưởng mà không ẩn chứa bất cứ một ảo tưởng nào. Công việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến vẫn khẩn trương bên cạnh những cuộc đàm phán kéo dài ở Đà Lạt, ở Fontainebleau.
Nhưng sau 9 năm chiến tranh, với những thất bại liên tiếp, thực dân Pháp phải chấp nhận ngừng bắn với điều kiện rút quân, trước mắt là rút khỏi miền Bắc vĩ tuyến 17, sau đó là rút khỏi nước ta. Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneve xác nhận: “Hội nghị lưu ý về tuyên bố của Chính phủ Pháp có ý nghĩa rằng Pháp sẵn sàng rút quân đội của mình khỏi lãnh thổ Campuchia, Lào và Việt Nam theo yêu cầu của các chính phủ liên quan và trong thời hạn sẽ được khẳng định bởi hiệp định giữa các bên ...” (điểm 10).
Đến Hiệp định Paris, vấn đề này được đề cập rất chi tiết trong 6 điều thuộc chương II, bao gồm việc ngừng bắn và Hoa Kỳ phải chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam bằng các lực lượng trên bộ, trên biển, trên không, bất cứ từ đâu tới; Hoa Kỳ phải rút quân hoàn toàn trong thời hạn 60 ngày và huỷ bỏ tất cả các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam, cam kết không dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, nhận trách nhiệm tháo gỡ, làm mất hiệu lực hoàn toàn bom mìn mà Mỹ đã thả ở vùng biển, cảng và sông ngòi miền Bắc...
Nội dung ngừng bắn, chấm dứt chiến sự được nhấn mạnh trong Hiệp định là “vững chắc và không thời hạn”. Như vậy, với hơn nửa triệu quân xâm lược miền Nam và lực lượng không quân đánh phá miền Bắc, cuối cùng, Hoa Kỳ đã phải ngừng bắn và rút quân để nhân dân Việt Nam tự quyết định công việc của mình. Đó là thuận lợi cơ bản để quân dân ta tiếp tục đánh cho nguỵ nhào, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng.
3. Về vấn đề thống nhất đất nước, chỉ ba tuần lễ sau khi nước VNDCCH tuyên bố thành lập, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn với mưu đồ chia cắt đất nước, khôi phục ách thống trị thực dân. Trong Hiệp định sơ bộ, Pháp phải đưa vào văn bản điều cam đoan sẽ thừa nhận những quyết định của nhân dân trực tiếp phán quyết về việc hợp nhất ba “kỳ”. Ký thì như vậy nhưng ai cũng hiểu rằng đối phương sẽ tìm cách phá hoại nền thống nhất của Việt Nam.
Đến hội nghị Geneve, do tương quan lực lượng trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, vĩ tuyến 17 được xác định làm ranh giới tạm thời chia thành hai vùng tập kết với thời hạn hai năm sau sẽ tổng tuyển cử bầu ra một quốc hội thống nhất. Bản Tuyên bố cuối cùng xác nhận rằng “đường phân chia giới tuyến sẽ không được giải thích theo bất cứ cách nào như là sự tạo nên đường biên giới chính trị hay biên giới lãnh thổ” (điểm 6), nghĩa là nền thống nhất của Việt Nam được các bên tôn trọng.
Nhưng cuộc chiến tranh xâm lược của đề quốc Mỹ đã cố tình phá hoại sự thống nhất này. Nhân dân hai miền Nam Bắc quyết tâm tiến hành cuộc chiến tranh kiên cường và gian khổ nhằm mục tiêu độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Cho đến Hiệp định Paris, vấn đề thống nhất vẫn chưa được giải quyết, song đối phương đã phải chấp nhận trên thực tế ở miền Nam có vùng giải phóng với sự hiện diện của lực lượng cách mạng cùng chính quyền và quân đội Giải phóng. Hiệp định xác định quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và các giải pháp để hai bên ở miền Nam (Chính phủ Cách mạng lâm thời và chính quyền Sài Gòn) tiến hành theo tinh thần của Hiệp định. Vấn đề quan trọng là Hoa Kỳ phải cam kết tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, việc giải quyết các vấn đề của miền Nam sẽ không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó chính là tiền đề thuận lợi để hai năm sau, quân dân ta đã hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mục tiêu đấu tranh cách mạng của nhân dân ta cuối cùng đã thành công rực rỡ.
Cuộc đấu tranh ngoại giao xuyên suốt ba mươi năm kháng chiến (1945-1975), thể hiện trong ba bản Hiệp định, đánh dấu bước phát triển theo chiều hướng đi lên của cách mạng Việt Nam mà đỉnh cao là Hiệp định Paris năm 1973.
Tình hình ngày nay đã có nhiều đổi khác song những bài học của cuộc đấu tranh ngoại giao trong thời kháng chiến vẫn mang ý nghĩa thiết thực.
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy trong bất kỳ tình huống nào, việc bảo vệ độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mãi mãi là nguyên tắc bất di bất dịch.
Trước nhiệm vụ bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế, sự phát huy nội lực có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hoạt động ngoại giao. Nói về nội lực, trước hết phải là sự đồng thuận trong toàn dân tộc, sự nhất trí từ lãnh đạo đến người dân về nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ Đổi mới. Có sự đồng thuận cao thì kinh tế mới giữ được tính tự chủ, văn hóa mới phát triển, quốc phòng mới hùng mạnh, hoạt động ngoại giao mới nâng cao vị thế của dân tộc, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế, đem lại hiệu quả vững chắc, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam.
Tháng 1-201