Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó biến động thị trường, hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.
Việc áp thuế đối ứng 10% sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ giảm, lượng tồn kho gia tăng. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả doanh nghiệp, các đơn vị đã đẩy nhanh tiến độ sản xuất và giao hàng. Đồng thời, tập trung đàm phán với khách hàng trên tinh thần chia sẻ hữu nghị, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị, sản xuất, kinh doanh. Có thể thấy, đây là giai đoạn đặc biệt, với diễn biến khó lường về thuế quan đang tác động tiêu cực tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, thị trường biến động, thuế suất cao không phải mới xảy ra với dệt may Việt Nam khi trong quá khứ, ngành công nghiệp này đã trải qua nhiều sóng gió nhưng vẫn vững vàng vượt qua, khẳng định được vị trí xuất khẩu thứ hai thế giới. Từ sau đại dịch Covid-19, ngành dệt may Việt Nam liên tục duy trì mức tăng trưởng khá, với kim ngạch xuất khẩu đạt 40,3 tỷ USD năm 2023 và tăng lên 44 tỷ USD năm 2024. Ngành bứt phá về thị trường và mặt hàng khi có 36 mặt hàng, sản phẩm các loại xuất khẩu tới 104 thị trường các nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ đạt 16,7 tỷ USD; chiếm tỷ trọng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Tiếp đến là thị trường Nhật Bản đạt 4,57 tỷ USD; EU 4,3 tỷ USD; Hàn Quốc 3,93 tỷ USD… Theo dự báo, tổng cầu dệt may thế giới sẽ đạt 850 tỷ USD trong năm 2025, tăng khoảng 9% so với năm 2024, là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng tốc xuất khẩu hàng hóa nhằm sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Các doanh nghiệp dệt may hiện có đơn hàng đến hết tháng 6. Một số có đơn hàng đến tháng 9, thậm chí đến hết năm. Tuy nhiên, đơn giá hiện vẫn ở mức thấp, nhiều đơn hàng giảm đến 35-50% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Trước sự biến động khó lường của thị trường, yêu cầu đơn hàng có xu hướng ngày càng nhỏ, đòi hỏi kỹ thuật cao, thời gian sản xuất ngắn, giao hàng nhanh…, doanh nghiệp cần chủ động nguồn lực cũng như không ngừng nâng cao trình độ tay nghề của người lao động, chú trọng quản trị, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của các đối tác, khách hàng. Đồng thời, phát triển, mở rộng các thị trường mới, tiềm năng như Trung Quốc, ASEAN, Nga, Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ,… nhằm nâng cao giá trị cũng như tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống.
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng xanh hóa; cũng cần thành lập các hiệp hội, trung tâm thời trang để tạo môi trường cho các nhà thiết kế sáng tạo phát triển mẫu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Các cơ quan nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng, đa dạng hóa và mở rộng thị trường còn nhiều dư địa cũng như hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thông tin, chính sách xuất nhập khẩu, thanh toán,… nhằm hạn chế rủi ro, giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Nhà nước nghiên cứu, đầu tư các khu, cụm công nghiệp để hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng; có các cơ chế chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế, phí, đất đai,… nhằm thúc đẩy ngành phát triển ổn định, bền vững.