Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ

Đoàn đại biểu nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên tham quan Bảo tàng Phòng không - Không quân.
Đoàn đại biểu nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên tham quan Bảo tàng Phòng không - Không quân.

Hơn một tháng mở cửa, Bảo tàng Phòng không - Không quân (PKKQ) đã đón tiếp gần 100 đoàn đại biểu trong nước và nước ngoài, với hơn 100 nghìn lượt người đến tham quan. Trong chuyến thăm hữu nghị Việt Nam, Ðoàn đại biểu quân sự cấp cao Indonesia do Ðại tướng Herman Prayitno dẫn đầu, đã đến tham quan Bảo tàng PKKQ. Trong cuốn Sổ vàng lưu niệm của bảo tàng, Ðại tướng ghi: "Tôi rất cảm phục tinh thần Anh hùng của dân tộc Việt Nam. Bảo tàng này là một biểu tượng chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Chúc các bạn luôn chiến thắng mạnh mẽ trên bầu trời". Ðáp ứng nguyện vọng của Bộ đội PKKQ, được Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam đồng ý, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng PKKQ tổ chức xây dựng mới Bảo tàng của quân chủng. Thượng tá Nguyễn Hữu Ðạc, Giám đốc Bảo tàng PKKQ đưa chúng tôi tham quan và giới thiệu những hình ảnh, hiện vật, sa bàn... thể hiện quá trình hơn 40 năm chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của Bộ đội PKKQ trong sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Bảo tàng PKKQ được xây dựng trong khuôn viên rộng 18 nghìn m2, hài hòa kiến trúc dân tộc và hiện đại. Khu trưng bày nội thất gồm ba tầng, diện tích sàn 2.620 m2. Khu vực tầng 1 dùng vào việc bố trí các phòng làm việc của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên bảo tàng, là nơi tiếp khách và là không gian nghỉ của khách tham quan.

Khu vực tầng 2 có diện tích mặt sàn 864 m2. Các hiện vật, tài liệu, hình ảnh trưng bày tập trung tái hiện hình ảnh người chiến sĩ Phòng không trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu của Trung đoàn 367; quá trình hình thành và phát triển của Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân; sự hình thành và phát triển của Binh chủng ra-đa và Quân chủng PKKQ trong những ngày đầu đến thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (năm 1972).

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân đã đặt nền móng đầu tiên xây dựng lực lượng PKKQ Việt Nam. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Người đã 17 lần đến thăm Bộ đội PKKQ. Mỗi lẵng hoa, mỗi huy hiệu của Người tặng, mỗi lời Người khen, đều là những phần thưởng cao quý, nguồn động viên khích lệ đối với cán bộ, chiến sĩ PKKQ.

Năm 1967, trong buổi làm việc với Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng PKKQ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Ðúng như lời tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để cứu vãn cuộc chiến tranh xâm lược và bè lũ tay sai ngụy quyền, cuối tháng 12-1972, đế quốc Mỹ cho máy bay B52 đánh phá hủy diệt Thủ đô Hà Nội. Ở tầng 3, bảo tàng, trên diện tích mặt sàn 824 m2, cùng với trưng bày tái hiện lịch sử, vai trò của Bộ đội PKKQ từ năm 1972 đến ngày 30-4-1975; cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế và làm nhiệm vụ trong thời bình, là sa bàn chiến dịch "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không" tháng 12-1972. Sa bàn được thiết kế và lắp đặt trong khán phòng biệt lập hoàn toàn với các gian trưng bày khác.

Một nửa gian được bài trí, tái hiện nguyên khung cảnh của Thủ đô Hà Nội và các vùng phụ cận vào thời điểm tháng 12-1972. Một vòm trời cao rộng bằng vật liệu tổng hợp, trên đó thể hiện nhiều đường bay nhằm tái hiện chi tiết những trận đánh then chốt, quyết định của các lực lượng PKKQ Việt Nam.

Ðặc biệt, những khu vực như: Sân bay, trận địa cao xạ, trận địa tên lửa và các sở chỉ huy; những nơi, những đường phố bị máy bay B52 của đế quốc Mỹ oanh tạc và cả những địa điểm B52 bị lực lượng PKKQ Việt Nam bắn rơi tại chỗ... đều được thiết kế kèm theo những điểm nhấn bằng đèn điện tử được lập trình theo diễn biến của sa bàn và hệ thống âm thanh cùng phim tài liệu minh họa.

Trên trần sa bàn thể hiện những đường bay xuất kích của Không quân Việt Nam, hướng những tốp máy bay B52 của địch và những thời điểm chúng bị bắn rơi cũng được thiết kế điện tử tạo hiệu ứng ánh sáng... Tất cả được tái hiện kết hợp nhiều yếu tố, từ hình ảnh chuyển động cùng với âm thanh, ánh sáng, phim tư liệu minh họa... làm sống lại những gì đã diễn ra trên bầu trời Hà Nội của 35 năm trước.

Chiến thắng 12 ngày đêm tháng 12-1972 đã làm nên một "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không" buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, vào ngày 27-1-1973, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam đi đến toàn thắng bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc.

Khu trưng bày ngoài trời, các hiện vật khối lớn như: máy bay, pháo cao xạ, đài ra-đa, bệ tên lửa được xếp đặt theo lịch trình tự thiết kế. Ðể bổ sung những hiện vật khối lớn, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của Bảo tàng đã dày công sưu tầm và tìm mọi biện pháp để đưa được hơn 60 hiện vật đại diện cho các lực lượng PKKQ trong các giai đoạn lịch sử về với bảo tàng.

Phần trưng bày nội thất và ngoài trời, về cơ bản trung thành với lịch sử và cách bài trí của hai bảo tàng trước đây, song có sự liên kết, kết nối đan xen giữa các đề mục của hai Bảo tàng Phòng không và Không quân. Tất cả những lời giới thiệu, mô tả hình ảnh, hiện vật được dịch và thể hiện bằng Anh ngữ để phục vụ khách nước ngoài.

Là một công trình ở Thủ đô Hà Nội, Bảo tàng PKKQ không chỉ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho Bộ đội PKKQ, nhất là thế hệ cán bộ, chiến sĩ trẻ, mà còn là địa chỉ văn hóa hấp dẫn thu hút đông đảo nhân dân trong nước và khách nước ngoài tới tham quan, tìm hiểu.