Chúng tôi về xã Cao Ðức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, vào thời điểm cuối vụ, trên đồng bãi hàng trăm héc-ta là những ruộng cà-rốt đang được thu hoạch theo kiểu xôi đỗ. Chen giữa mầu xanh thẫm của những ruộng cà-rốt chưa thu hoạch là những vạt đất mới được vỡ.
Ngậm ngùi “vị đắng” cà-rốt
Trên cánh đồng đất bãi ở thôn Trại Than, gia đình anh Hạp Tiến Viên, xã Cao Ðức, huyện Gia Bình đang thu hoạch những vạt cà-rốt đã quá lứa. Anh Hạp Tiến Viên chia sẻ: “Cuối tháng 9/2024, ngay khi lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) vừa rút, gia đình tôi xuống giống cà-rốt, bù lại cho những ruộng dưa lê chưa kịp thu hoạch đã chìm trong nước lũ.
Vụ đông này gia đình trồng hơn năm mẫu cà-rốt, đã bán được hơn hai mẫu trước Tết cho thương lái, còn gần ba mẫu ngoài đất bãi, do thời điểm thu hoạch bị muộn so với các năm trước cho nên rớt giá”. Mọi năm, mỗi sào cà-rốt cho năng suất hơn hai tấn, thu về khoảng từ 9 triệu-12 triệu đồng, có năm giá giảm cũng được chừng 8 triệu đồng/sào.
Thực tế, mỗi sào cà-rốt, tiền thuê đất, máy móc, nhân công, phân bón… nông dân phải đầu tư từ 3 triệu-4,5 triệu đồng. Tuy nhiên, từ Tết ra đến nay, dù cà-rốt mẫu mã đẹp, nhưng thương lái chỉ trả từ 3 triệu-5 triệu đồng/sào, thu không đủ chi, đó là chưa tính tới công sức chăm sóc trong vòng 5 tháng.
Bà Phạm Thị Khuy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cao Ðức, huyện Gia Bình cho biết: Cà-rốt là cây vụ đông chủ lực của xã. Vụ đông năm 2024, toàn xã trồng hơn 300 ha rau màu, trong đó có 260 ha cà-rốt (115 ha sớm và 145 ha cà-rốt trung muộn).
Toàn bộ diện tích cà rốt sớm đã thu hoạch xong, diện tích muộn còn khoảng 90 ha đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do giá thu mua thấp. Chính quyền địa phương cũng đang vận động các hộ nhổ bỏ những diện tích cà-rốt bị quá lứa, sâu, già để kịp giải phóng đất cho vụ dưa hấu xuân hè.
Thời gian qua, địa phương đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm và hỗ trợ nông dân huyện, Phòng Nông nghiệp huyện tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác và hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều hộ canh tác theo lối truyền thống vẫn tự tìm đầu ra từ những thương lái truyền thống cho nên câu chuyện “được mùa mất giá” “được giá, mất mùa”,“nay trồng mai chặt” là khó tránh khỏi.
Tại huyện Lương Tài, tình hình cũng không khả quan hơn khi cà-rốt và nhiều rau màu khác, như: bắp cải, su hào đều bị rớt giá sau Tết. Ông Dương Ðình Toản, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lương Tài thông tin: Vụ đông 2024, toàn huyện gieo trồng hơn 1.200 ha cây trồng các loại, chủ lực là cây cà-rốt, hành, tỏi, bí xanh, bí đỏ.
Trong khi phần lớn các cây rau màu khác đã thu hoạch xong thì đến trung tuần tháng 2, cà-rốt mới chỉ thu hoạch được hơn 360/700 ha do giá xuống thấp. Tình trạng nông sản mất giá, theo đánh giá của ông Dương Ðình Toản là do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như lệch khung thời vụ, nông dân sản xuất ồ ạt và do sức tiêu thụ của thị trường thấp, không ổn định…
Chú trọng nâng cao giá trị nông sản
Vụ đông năm 2024, nông dân tỉnh Bắc Ninh trồng khoảng 6.000 ha cây màu các loại, tập trung chủ yếu là khoai tây, cà-rốt, hành, tỏi, bí xanh và rau các loại, trong đó, diện tích trồng cà-rốt là hơn 1.500 ha, tập trung chủ yếu tại hai huyện Gia Bình và Lương Tài.
Từ sau Tết đến nay, do sức mua kém, giá thấp, thị trường bão hòa, không ít người dân đã phải ngậm ngùi phá bỏ diện tích trồng cà-rốt để kịp cho vụ xuân. Cũng có gia đình vì chờ giá lên đã bỏ mặc cây ngoài đồng, nếu không vận động làm đất sớm sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn trồng muộn, thu hoạch trễ như vụ cà-rốt đông.
Tính đến ngày 17/2, diện tích lúa cấy và gieo thẳng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được hơn 12.000 ha, đạt 43,2% kế hoạch; sản xuất rau màu vụ xuân hơn 1.000 ha, đạt 33% kế hoạch, chủ yếu là diện tích trồng ngô, lạc, rau xanh các loại.
Trực tiếp kiểm tra tiến độ sản xuất nông nghiệp vụ xuân 2025 tại huyện Gia Bình và Lương Tài, chia sẻ khó khăn với nông dân trước thực trạng “được mùa, rớt giá”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi yêu cầu ngành nông nghiệp, các địa phương trước mắt, tập trung sản xuất cây vụ xuân bảo đảm khung thời vụ và kế hoạch sản xuất đề ra. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách của tỉnh trong quy hoạch vùng, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh trong sản xuất.
Tỉnh sẽ chú trọng đẩy mạnh chuỗi liên kết ba nhà “nhà nông, doanh nghiệp và Nhà nước” thông qua việc làm tốt khâu thị trường, tổ chức lại sản xuất rồi tiến hành xây dựng, củng cố thương hiệu nông sản, hướng dẫn, khuyến khích nông dân sản xuất những cây có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh chuỗi liên kết để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, khắc phục cách làm manh mún, nhỏ lẻ. Ðồng thời vận động, tuyên truyền để người dân không vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ quy hoạch, dẫn đến cung vượt cầu.
Cuối năm 2024, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Gia Bình, Lương Tài đến năm 2030. Theo đó, Bắc Ninh sẽ hình thành vùng sản xuất cà-rốt với quy mô 300 ha tại huyện Gia Bình, Lương Tài gắn với sơ chế, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa cao.
Quy hoạch và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và thu hút các dự án đầu tư trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản…
Bắc Ninh đã từng có kinh nghiệm xây dựng thành công thương hiệu cây khoai tây Quế Võ. Từ loại cây truyền thống vụ đông trồng nhỏ lẻ của nông dân địa phương, bằng việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, tập trung sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, khoai tây Quế Võ đến nay đã là một sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Ninh, được cấp nhãn hiệu tập thể, bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Có diện tích gieo trồng khoảng 1.800 ha, cây khoai tây đã mang lại giá trị khoảng 250 tỷ đồng mỗi năm, là cây làm giàu cho bà con nông dân Quế Võ. Chính vì vậy, người dân rất mong những cây trái vùng đất bãi ven sông như cà-rốt, dưa lê, bắp cải cũng sẽ sớm định hình và xây dựng được nhãn hiệu tập thể.
“Ðược mùa, rớt giá” là câu chuyện không mới nhưng vẫn đầy tính thời sự, đã và đang làm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống người nông dân. Ðến hẹn lại lên, câu chuyện giải cứu nông sản đã trở nên quen thuộc, nhưng để nông sản nói chung, cây vụ đông nói riêng trở thành hàng hóa, đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao thì không thể dùng mãi giải pháp “thị trường tình thương”.