Năm 2024, tỉnh Tuyên Quang đã trồng được hơn 11.780 ha rừng vượt hơn 12% kế hoạch. Khai thác rừng trồng diện tích hơn 10.600 ha, sản lượng hơn 1,2 triệu m3, đạt 102,8% kế hoạch. Thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, toàn tỉnh đã trồng được hơn 6,5 triệu cây xanh, đạt hơn 108% kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và hoàn thành kế hoạch trước một năm.
Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Dương Văn Xy cho biết: Tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 440 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 46.499 ha rừng đặc dụng, hơn 120.700 ha rừng phòng hộ, hơn 272.755 ha rừng sản xuất. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phát triển rừng. Hoàn thành quy hoạch phân ba loại rừng và tích hợp vào quy hoạch phát triển lâm nghiệp quốc gia.
Không những vậy, tỉnh tiếp tục thực hiện mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) lên 83.231 ha, đạt 92,4% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Từ đó hình thành vùng rừng nguyên liệu với gần 200 nghìn ha; tốc độ tăng trưởng ngành lâm nghiệp đạt 9%/năm. Cùng với đó, đã có nhiều chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao để trồng rừng, củng cố hệ thống vườn ươm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu cây giống trồng rừng. Đến nay, tỉnh đã có hơn 85 nghìn ha rừng trồng gỗ lớn, bảo đảm nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2024 đạt hơn 1.900 tỷ đồng.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như phát triển, bảo vệ rừng, nhiều năm qua, tỉnh đã thực hiện mô hình liên doanh, liên kết trồng rừng giữa các công ty lâm nghiệp, nhà máy chế biến với người dân. Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho các bên, mà còn góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Cùng với đó, các công ty lâm nghiệp cũng như các doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện một số hình thức liên doanh, liên kết trồng rừng như: Liên kết giữa các công ty lâm nghiệp với các hộ dân; liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến với các hộ dân; liên kết giữa các công ty chế biến với nhóm hộ trong quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; liên kết giữa các công ty lâm nghiệp của tỉnh với công ty chế biến...
Từ khi thực hiện liên kết, các doanh nghiệp đã chủ động về nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến; tạo thành chuỗi giá trị khép kín từ trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm và luôn bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa các bên nhằm phát huy tối đa hiệu quả của rừng, góp thêm động lực để người dân gắn bó lâu dài, bền vững với rừng.
Ngay từ đầu năm, các địa phương và các chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép phong trào Tết trồng cây, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Công tác chuẩn bị cây giống được chú trọng, trong đó các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn đã chuẩn bị khoảng 30 triệu cây giống chất lượng cao phục vụ nhu cầu người dân. Năm 2025, tỉnh phấn đấu trồng mới hơn 10.100 ha rừng.
Cùng với đó, hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ 2025, tỉnh đã tổ chức 143 điểm phát động tại các huyện, thành phố để trồng hơn 144 nghìn cây keo và cây bản địa, với diện tích hơn 122 ha. Hiện nay, các chủ rừng đã hoàn tất việc chuẩn bị giống, vật tư phân bón, đón mưa xuống là đồng loạt tiến hành trồng rừng. Thời điểm tập trung trồng rừng nhiều nhất sẽ từ tháng 3 đến tháng 7.
Những ngày này, người dân thôn Chản, xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa đang phát dọn thực bì, cuốc hố để chuẩn bị trồng 20 ha rừng vụ xuân năm 2025. Đây cũng là một trong ba thôn có diện tích đất rừng nhiều nhất xã. Gia đình ông Nguyễn Tá Khải, thôn Chản có 10 ha rừng sản xuất, năm 2025 gia đình trồng lại 3 ha vừa khai thác. Ông Khải cho biết: Gia đình tôi đã đào hố, đón mưa xuống là tiến hành trồng ngay, nguồn cây giống đã đặt sẵn ở vườn ươm trên địa bàn huyện.
Chủ tịch UBND xã Nhân Lý, Hoàng Văn Thắng cho biết, trồng rừng sản xuất đã được người dân nhận thức đúng đắn cho nên bắt đầu từ cuối năm trước, người dân chuẩn bị các điều kiện như làm sẵn thực bì, đăng ký hỗ trợ cây giống theo Nghị quyết 03 để khi có mưa xuân là bắt đầu trồng cây. Trung bình, mỗi năm, xã trồng mới được 70 ha rừng chủ yếu là các loại cây, như: Keo, bồ đề...
Riêng huyện Hàm Yên có tổng diện tích đất rừng sản xuất hơn 48.097 ha. Mỗi năm huyện thực hiện trồng 2.750 ha. Năm 2024, huyện đã tổ chức trồng rừng và cấp cây giống theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh được 1.000,4 ha, đạt 100% kế hoạch và rà soát báo cáo nhu cầu hỗ trợ cây giống lâm nghiệp năm 2025 theo đúng quy định.
Trạm trưởng Kiểm lâm Hàm Yên Vương Văn Ninh khẳng định, việc người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh là chính sách hiệu quả góp phần thúc đẩy trồng rừng sản xuất ở nhiều thôn, bản đặc biệt khó khăn. Từ việc có cây giống tốt lại giảm chi phí ban đầu sẽ giúp người dân có thêm nguồn lực chăm cây, phát triển rừng bền vững.