Khởi nghiệp với nón lá
Sau khi tốt nghiệp Khoa Đồ họa - Trường đại học Nghệ thuật Huế, anh Thảo bắt đầu khởi nghiệp bằng việc vẽ tranh bằng bút lửa tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây anh nhận thấy những sản phẩm lưu niệm bị bão hòa, du khách khó chọn được cho mình những sản phẩm đặc trưng mỗi khi đến Huế. Từ đó, anh nuôi ý tưởng tạo nên món quà mà chỉ cần nhắc đến ai nấy đều biết là của vùng đất cố đô. “Sen gắn liền trong đời sống của người dân Huế, từ nghệ thuật, ẩm thực. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng để mình tạo ra những sản phẩm từ sen, bắt đầu là nón lá sen”, anh Thảo chia sẻ.
Thế nhưng làm thế nào để biến lá sen thành nón lá là bài toán khó đối với anh Thảo khi chưa từng một lần thử đến công việc này. Vậy là anh đi tìm hiểu khắp nơi, từ làng nghề đan nón, gặp các thợ chằm (đan) chuyên nghiệp đến việc lấy ý kiến của chuyên gia hóa học để tìm ra công thức hoàn hảo nhất giữ mầu cho chiếc nón lá sen. Sau 2 năm cùng với những giọt mồ hôi trong chuỗi ngày tìm tòi và nhiều đêm thức trắng “vò đầu, bứt tóc”, chiếc nón lá sen đầu tiên ra đời trong niềm vui sướng của anh Thảo.
Nhiều du khách cho biết họ bị cuốn hút bởi nét độc đáo của chiếc nón lá sen, mầu sắc tươi xanh tự nhiên cùng những đường gân lá hiện rõ mang đến cảm giác gần gũi như được cầm trên tay chiếc lá sen vừa hái dưới đầm. Một số khác cho rằng, đội chiếc nón này trên đầu có cảm giác cái nắng rát bỏng của mùa hè xứ Huế cũng phải dịu đi trước mầu xanh mát của nón.
Anh Thảo không ngần ngại chia sẻ về công thức để làm ra nón lá sen dù phải mất một thời gian rất dài nghiên cứu tốn kém từ công sức đến tiền của. Quá trình làm ra một chiếc nón lá sen không đơn giản, đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ trong từng công đoạn. Trước tiên phải chọn những chiếc lá sen tươi, có độ già vừa phải, không bị thủng và mầu sắc tươi sáng. Lá mang về được lau qua, đem ủ bằng nước javel rồi phơi khô, ủi thẳng. Lá sen thành phẩm sau đó được thợ cắt gọt sao cho giữ được đường gân lá rồi kết dọc theo chiều khung nón. Lúc này những người thợ nón làng Đốc Sơ sẽ xếp lá lên vành, chằm và công đoạn cuối cùng là sơn bóng để giữ được mầu xanh tự nhiên của lá.
Để lá sen đi xa hơn nữa
Anh Thảo cho biết, những ngày đầu khi nón lá và những sản phẩm từ sen đến với thị trường, anh tưởng chừng thất bại một lần nữa. “Tôi mang nón đến từng khu chợ trong thành phố để chào bán nhưng nhận lại là những cái lắc đầu. Hồi đó các tiểu thương cho rằng, nón lá sen giá thành quá đắt (hơn 200 nghìn đồng) nhưng không bền và không chịu được thời tiết mưa nắng như nón lá truyền thống (chỉ 30 nghìn đồng), sợ khó bán nên họ không nhận”, anh Thảo bùi ngùi kể lại.
Tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019, lần đầu tiên nón lá sen và nhiều sản phẩm khác từ sen đã được ra mắt. Nhiều người nhận ra rằng, nón lá sen không những chịu được nắng mưa, độ bền cao mà còn có tính thẩm mỹ. Chiếc nón thành phẩm có mầu xanh của lá sen, phảng phất mùi lá khô thiên nhiên hòa cùng mùi sơn bóng. Người họa sĩ có thể điểm xuyến lên đó những hoa văn theo chủ đề mong muốn nhưng vẫn giữ được dáng vẻ thanh tao, mộc mạc của chiếc nón lá Huế. Đây là cơ hội để chiếc nón lá sen vươn xa hơn và được nhiều người quan tâm.
Sau khi nón lá sen nhận được sự yêu mến của người dân xứ Huế cũng như du khách thập phương, anh Thảo bắt đầu tìm tòi sáng tạo từ nguồn cảm hứng lá sen có sẵn kết hợp cùng với một số chất liệu khác trên các loại sản phẩm đang sản xuất. Không chỉ là nón đội, những sản phẩm khác từ lá sen như tranh, túi xách, quạt, đèn ngủ cũng được anh lần lượt cho ra đời. Những sản phẩm này vừa thân thiện với môi trường, vừa độc đáo khiến nhiều du khách ưa thích khi nhìn thấy. “Hiện tại tôi vẫn đang cố gắng phát triển hơn nữa những sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác làm từ lá sen để xuất khẩu với mong muốn đây là món quà kỷ niệm ý nghĩa mang về từ Huế đối với du khách trong và nước”, anh Thảo tiết lộ.