Duyên làng trong phố…

Trong tâm thức người vùng Kẻ Bưởi xưa vẫn âm thầm lưu giữ nét duyên của làng, dù đang sống giữa ồn ào phố thị. Với họ, ranh giới giữa làng và phố thật mong manh, đến nỗi người gốc Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) ngày nay mỗi lần nghe nhắc đến làng xưa lại bỗng chốc nhớ tiếc nhiều điều…

Cổng làng An Thái (Cổng Giếng) ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Cổng làng An Thái (Cổng Giếng) ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

1. Kết nối điện thoại với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vũ Kiêm Ninh, người quê gốc ở Bưởi, đang sống tại khu tập thể Nam Đồng, để hẹn lịch gặp gỡ, tìm hiểu về nét duyên vùng đất bên bờ hồ Tây, ông bảo: “Nhưng mai tôi không về làng”. Câu nói giản dị nhưng chất chứa niềm riêng của người có nỗi đau đáu thường trực gìn giữ nếp làng. Làng của ông dù đã mấy mươi năm lên phố, lên phường, nhưng mỗi khi nghĩ về vùng đất ấy, ông vẫn gọi nó là làng với ân tình sâu nặng. Và ông đặc biệt nhớ những cái cổng làng. Gia tộc gốc gác ở Bưởi, sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa đặc sắc vừa chân chất làng quê vừa tích tụ tinh túy đất kinh kỳ, lại say mê nghiên cứu văn hóa dân gian, ông như thuộc hết tích đất, tích nghề. Ông kể, Bưởi là địa danh chung cho các làng từ thuở xa xưa sinh sống dọc bờ sông Tô Lịch, là một cụm sáu làng trong cùng một tổng (tổng Trung ở vùng ngoại ô thành Thăng Long). Vùng này được định danh trong ca dao cổ, rằng: Ngoại ô những tổng vân vân/sáu phường chung tổng : Bái Ân, Trích Sài/Thụy Chương, Hồ Khẩu dọc dài/Võng Thị, Yên Thái vừa đầy tổng Trung. Còn phường Bưởi nay bao gồm sáu làng cổ An Thái, An Thọ, Đông Xã, Hồ Khẩu, Trích Sài, Võng Thị. Nhà đã có số, đường có tên, có ngõ nhưng ở đây, dù già hay trẻ đều chỉ nói đến hai tiếng “làng tôi” khi giới thiệu với khách thăm làng.

2. Vùng Bưởi xưa nổi tiếng tinh hoa với nhiều nghề truyền thống, trong đó, làm giấy dó (Yên Thái, Đông Xã, Hồ Khẩu) và dệt lĩnh (Trích Sài) là nức tiếng hơn cả. Mỗi khi nhắc nhớ nghề cũ một thuở của cha ông, người cao niên trong làng như còn vẳng nghe trên sóng nước hồ Tây "nhịp chày Yên Thái”. Duyên kỳ ngộ, không hẹn mà gặp, khi thăm đình Đông Xã, chùa Mật Dụng, chúng tôi gặp các thành viên Ban quản lý di tích làng Đông Xã đang bàn kế hoạch tổ chức hội làng vào ngày mùng 2 tháng chạp. Họ đều đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, cùng sinh ra và lớn lên trong tiếng thậm thịch giã dó của làng. Và nay lại chung những khát khao được phục dựng nghề, dù chỉ là mô hình cho khách tham quan du lịch. Bởi vậy, được hỏi về nghề như chạm vào vùng ký ức mà không phải lúc nào họ cũng nói ra được. Ông Hàn Tiến Nhâm hồi tưởng, trước đây, cảnh làng bình yên lắm. Bước qua cổng vào làng, bên trái có ao chùa, bên phải có một cây trám cọ cạnh giếng nước cả làng cùng dùng lấy nước ăn. Hình ảnh đó đã đi vào thơ Đầu làng Đông có cây trám cọ/đầu làng Thọ có cái cổng Canh, tiếc là nay đã bị lấp cả. May là chùa Mật Dụng, đình Đông Xã và khoảng sân rộng, yên tĩnh, cùng cái cổng làng có dòng chữ “An Đông chính lộ” là còn nguyên vẹn. Đình làng có khán thờ ông tổ nghề giấy dó.

Duyên làng trong phố… ảnh 1

Nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Kiêm Ninh với nhiều ấn phẩm nghiên cứu về cổng làng.

Sinh nghề cũng khổ với nghề, bởi làm giấy dó có nhiều công đoạn từ bóc tách, ngâm dó, đãi bìa, đánh bột, seo giấy… công đoạn nào cũng vô cùng vất vả. Nếu giã dó, đánh bột là khâu mất sức , thì việc đãi bìa cũng không kém kỳ công. Dầm chân dưới nước liên tục. Nước nông quá hay sâu quá đều không đãi được, phải luôn ở mức ngang đùi. Đãi xong mẻ dó, ai nấy tê bại sống lưng. Ngày ấy, một dải sông Tô Lịch là cảnh tượng như trong câu ca: Ai ơi đứng lại mà trông/Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa. Seo giấy là việc của phần đông những người phụ nữ. Họ đứng vuông góc với tầu seo, múc nước bột giấy đổ lên khuôn rồi làm các động tác rung, quay, lột giấy… Hai cánh tay luôn phải tỳ lên thành tàu, lâu dần chai sạn, thâm đen. Bởi thế, phụ nữ vùng Bưởi xưa thường ra đường không mặc áo cộc tay. Mùa đông, hai tay họ dầm nước cả ngày, lạnh cóng, nên thỉnh thoảng để chống đỡ cái giá buốt, họ nhúng hẳn bàn tay vào nồi nước nóng cũng không thấy bỏng.

Theo nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh, những năm đầu thế kỷ 20, hai chục làng quanh hồ Tây thường mất ngủ vì nhịp chày giã dó thậm thịch suốt đêm. Âm thanh âm âm, trầm trầm làm rung mặt nước Tây Hồ lan sang các làng bên kia. Những dịp cận Tết, các chợ quanh vùng nhộn nhịp bán mua các loại giấy làm từ dó: giấy dó lụa, giấy ngòi pháo, giấy bản, giấy phèn, giấy moi, giấy xề, giấy quỳ. Trong đó, giấy dó lụa là sản phẩm hạng nhất, được làm từ lớp giữa của vỏ dó, rất mỏng và dai. Giấy mịn, trắng, dùng viết và in văn bản quý như công văn, lệnh chỉ, lâu dần bà con quen gọi là giấy lệnh.

Người làng Bưởi tự hào vì giấy dó lụa đã được Trung ương chọn in Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sinh thời, Người đã về thăm, động viên bà con làm giấy.

The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng/Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên - ấy là câu ca về những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng của các vùng quanh kinh thành Thăng Long. Ngày xưa, áo the, quần lĩnh đã tôn thêm dáng vẻ đài các cho các thiếu nữ Hà thành. Lĩnh Bưởi nức tiếng gần xa bởi người làm ra lĩnh có sự tinh tế, trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ. Nếu dệt lụa chỉ cần hai chuyên đòn thì dệt lĩnh cần tới năm. Ngay từ khi còn nghề, không phải ai cũng có thể dệt lĩnh. Lĩnh Bưởi có độ nhẹ, bay, độ rủ lóng lánh, mềm mượt, và đặc biệt có thể nhìn rõ cả mắt đan của lĩnh. Nghệ nhân dệt lĩnh Bưởi duy nhất hiện còn sống ở làng là cụ Phùng Văn Thiêm, đã sang tuổi 95. Theo lời con trai cụ - ông Phùng Văn Tâm, thì tấm lĩnh cuối cùng mà cụ Thiêm dệt được có lẽ cũng đến hơn nửa thế kỷ rồi. Ông Tâm kể, dệt lĩnh hội tụ những tinh hoa bậc nhất của nghề dệt. Tơ dệt lĩnh là loại tơ đặc biệt nhất. Thời kỳ vàng son của nghề, cụ Thiêm chỉ cần dệt một tuần là đủ nuôi cả nhà trong một tháng. 50 năm đã qua, cụ Thiêm luôn đau đáu nỗi niềm bởi nghề dần mai một. Con cháu trong nhà cũng không ai theo được nghề dệt lĩnh. Ấy vậy mà, cách đây mấy năm, có người phụ nữ từ xa đến xin học dệt, cụ vô cùng hạnh phúc, bao nhiêu tinh túy trong nghề còn tích giữ được, cụ truyền hết cho cô. Sau năm lần bảy lượt mang sản phẩm đến báo cáo, cụ đều không ưng. Kiên trì học hỏi, thử nghiệm, cuối cùng, chị cũng đã nhận được lời khen: đúng là lĩnh Bưởi! Cửa hàng thời trang của chị hiện nay trên phố Thụy Khuê, Hà Nội, có lẽ là địa chỉ duy nhất có sản phẩm đặc sắc lĩnh Bưởi, cũng là địa chỉ quen thuộc cho những khách hàng yêu thời trang tinh hoa truyền thống.

3. Phường Bưởi đang đô thị hóa mạnh mẽ, đất làng đã thành phố xá, giới hạn bởi đường Thụy Khuê, Lạc Long Quân vòng qua phố Trích Sài ven hồ Tây lộng gió. Ao làng ngày xưa có cả chục cái, bây giờ đã thay bằng nhà nhà san sát, ngõ ngách nhỏ hẹp. Nhiều ngôi nhà vườn cổ cũng không còn. Dù tiếc nuối nhiều nhưng cuộc sống vốn là như thế, người có tâm cũng đành bất lực. Nhưng người làng Bưởi vẫn giữ nếp sống ở làng, hào phóng và thân thiện. Dẫn tôi tham quan quanh làng, Minh Anh, một cán bộ văn hóa phường cũng người gốc ở đây, luôn miệng chào hỏi người làng. Và vui hơn khi được hỏi về vùng quê của họ, đều nhận được niềm tự hào tỏ rõ về mảnh đất giàu truyền thống này. Họ nói rằng, hiếm có nơi nào trong lòng phố mà vẫn giữ được đầy đủ các loại hình thiết chế văn hóa tâm linh với 21 di tích đình, chùa, am, miếu, đền, văn chỉ và nhiều sắc phong như ở Bưởi. Trong đó có những di tích gắn với lịch sử cả nghìn năm, từ triều đại nhà Lý như chùa Thiên Niên, đình Trích Sài, am Gia Hội… Vẫn còn con đường làng lát gạch nghiêng, dẫn ra cổng Giếng, làng An Thái. Và đặc biệt, phường Bưởi vẫn giữ được sáu cái cổng làng: cổng Giếng, cổng Hầu, cổng Xanh (Canh), cổng An Đông, cổng Giáp Bắc và cổng Giáp Đông, đều nằm trên phố Thụy Khuê. Có cái nguyên bản, có cái phục dựng, nhưng đều mang những nét độc đáo riêng.

Như “duyên trời định”, ông Vũ Kiêm Ninh luôn có tình cảm đặc biệt với những cổng làng, và bắt nguồn chính từ cổng làng mình. Ông bảo, quan niệm từ xưa, có dân cư tập trung là có làng. Mỗi làng đều có cổng. Cổng làng là nơi gặp gỡ, đón đưa người thân, bạn bè, là chốn nhớ về mỗi khi đi xa. Những nét hoa văn, câu đối được chạm khắc trên mỗi cổng đều là nét văn hóa đặc trưng, là mong mỏi, gửi gắm của người làng. Như cổng làng An Thái hiện nay vẫn còn đôi câu đối, nhưng một số chữ đã không còn đọc rõ: Môn lư cao đại, khả dung tứ mã an xa/Đống vũ phồn đa… Khai thái vận (Đại ý: cổng làng cao rộng, xe tứ mã đi qua bình an/ Đất làng phồn thịnh… mở ra vận thái). Giọng ông nao nao: “cổng làng gắn bó với đời là thế, nhưng cuộc sống thời nay khiến ta thường vô tình đi qua, vô tình không để ý, chỉ tới khi đi xa hoặc bỗng chốc cổng làng bị phá bỏ, mới chợt giật mình, hụt hẫng, nao nao. Nơi ấy như tình yêu của ta gửi lại mà sao nỡ vô tình…”.