Từ nhiều năm qua, việc giảng dạy tiếng Anh trong các trường công lập tại thành phố được triển khai với nhiều hình thức như chương trình tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các nội dung dạy học tăng cường… với sự kết hợp của các đơn vị, tổ chức được tham gia giảng dạy tiếng Anh trên địa bàn thành phố.
Các chương trình này có ưu điểm là giúp học sinh làm quen và phát triển bốn kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Khi hoàn thành chương trình các cấp học, học sinh sẽ đạt được các trình độ tương ứng theo Khung năng lực ngoại ngữ theo quy định (Khung năng lực 6 bậc của Bộ Giáo dục và Ðào tạo: Học sinh lớp 5 sẽ đạt trình độ bậc 2; học sinh lớp 9 sẽ đạt trình độ bậc 3; học sinh lớp 11 sẽ đạt trình độ bậc 3+).
Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Sở đã triển khai chương trình ngoại ngữ và các chương trình tăng cường ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, cũng như của thành phố.
Sở cũng tiếp tục tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ, chú trọng tuyển dụng giáo viên tiếng Anh và các ngoại ngữ khác có trình độ cao; chú trọng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ các cấp học theo khung năng lực ngoại ngữ; xây dựng các phòng dạy học ngoại ngữ, phòng nghe nhìn và phòng học đa phương tiện cho các cấp học.
Ðáng chú ý, thành phố tiên phong triển khai Ðề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” (Chương trình tiếng Anh tích hợp-Ðề án 5695) mang lại những kết quả tích cực trong dạy và học tiếng Anh ở các trường công lập.
Thầy Trịnh Ðình Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Trần Ðại Nghĩa khẳng định: Việc triển khai Ðề án 5695 thật sự cần thiết, giúp học sinh sớm định hướng, nhận thức và hình thành khả năng sử dụng tiếng Anh phục vụ cho các hoạt động học tập, nghiên cứu, làm nền tảng cho quá trình học và tự học sau này.
Ðồng thời, đề án tiếp cận với các tri thức, công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới một cách chủ động, kịp thời; tạo cơ hội cho học sinh sử dụng tiếng Anh trong nhiều hoàn cảnh, phục vụ cho nhiều mục đích, khiến cho việc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 được hình thành một cách tự nhiên và thuận lợi.
Chương trình tiếng Anh tích hợp theo Quyết định số 5695/QÐ-UBND ngày 20/11/2014 ban đầu được triển khai tại một số trường ở một số quận trung tâm của thành phố. Từ những kết quả tích cực đạt được ở các đơn vị được triển khai đầu tiên, nhu cầu cha mẹ học sinh tăng cao, Sở Giáo dục và Ðào tạo, Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã mở rộng ra nhiều trường khác.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Bảo Quốc cho biết: Từ năm 2014-2024, số lượng học sinh tham gia Chương trình tiếng Anh tích hợp tăng dần qua các năm. Nếu năm 2014 có 18 trường với khoảng 600 học sinh theo học thì đến nay có hơn 160 trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 30.000 học sinh theo học. Ðiều này cho thấy, nhu cầu học tiếng Anh, kết hợp với các môn kiến thức khoa học, ngày càng tăng cao.
Cũng theo Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, các chương trình dạy tiếng Anh trên đã giúp học sinh tiếp xúc với tiếng Anh một cách tự nhiên và thường xuyên thông qua các môn học. Ðiều này không chỉ cải thiện khả năng giao tiếp, đọc hiểu, viết, mà còn giúp học sinh phát triển tư duy logic, kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề.
Học tiếng Anh qua các môn Toán và Khoa học còn mở rộng cơ hội học tập và làm việc trong môi trường quốc tế. Hiệu quả từ các chương trình dạy tiếng Anh, nhất là dạy và học tiếng Anh theo Ðề án 5695, sẽ là nền tảng thuận lợi để thành phố đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.
Ðể làm được điều này, thời gian tới, ngành giáo dục thành phố sẽ triển khai Ðề án 5695 không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học, giáo dục, mà còn thực hiện các giải pháp định hướng theo Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Ðồng thời, thành phố cũng đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế để cập nhật chương trình giảng dạy, tiếp cận với phương pháp giáo dục tiên tiến; tạo cơ hội cho học sinh tham gia các kỳ thi, hội thảo, trao đổi học tập quốc tế trên nền tảng số, giao lưu học tập thực tế ở nước ngoài...