Địa hình đồi núi là những trở ngại lớn nhất về tự nhiên đối với sự hình thành và phát triển loại hình giao thông vận tải đường sắt. Mặc dù vậy, việc xây dựng tuyến đường sắt từ Tháp Chàm lên Đà Lạt đã được bắt đầu từ khá sớm. Trở lại với lịch sử, trong cùng thời gian bắt đầu xây những chặng đầu tiên của tuyến đường sắt xuyên Đông Dương, từ Sài Gòn đến Nha Trang, từ Đà Nẵng đến Đông Hà, và từ Vinh đến Hà Nội, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương Paul Doumer đã chỉ thị tiến hành nghiên cứu mở tuyến đường sắt nối vùng đồng bằng ven biển lên cao nguyên Lang Bian.
Với đạo luật ban hành ngày 25-12-1898, Chính phủ Pháp chấp thuận cho Chính phủ thuộc địa vay một ngân khoản 200 triệu phờ-răng và Toàn quyền Paul Doumer đã sử dụng số tiền này để tân trang có quy mô hệ thống đường xe lửa ở Đông Dương, trong đó tuyến Sài Gòn - Nha Trang lập một tuyến nhánh rẽ lên đô thị miền cao Đà Lạt. Sau cuộc tân trang này, đến tận năm 1917, khách đi xe lửa cũng mới chỉ đến được chân đèo K’Rông Pha tại ga Xóm Gòn và muốn lên Đà Lạt phải đi kiệu hoặc đi bộ qua núi…
Năm 1922, Toàn quyền Long - người thay thế Paul Doumer cai trị Đông Dương mới giao cho Công ty thầu khoán Châu Á do kỹ sư Porte chỉ huy nghiên cứu và xây dựng một con đường sắt với những đoạn có răng cưa nối chân đèo K’Rông Pha với Đà Lạt. Công việc nghiên cứu và xây dựng hết sức vất vả vì địa hình hiểm trở với nhiều cầu và hầm phức tạp. Theo nghị định ngày 29-1-1927 của Toàn quyền Đông Dương, việc khai thác tuyến đường sắt từ K’Rông Pha đã được quyết định chính thức và đến ngày 10-2-1927 bắt đầu thi công, hoàn thành xong chặng nào là đưa vào sử dụng ngay.
Đến năm 1932 thì tuyến đường sắt leo núi từ Tháp Chàm lên Đà Lạt hoàn thành thông tuyến và chính thức đưa vào khai thác. Tuyến đường có chiều dài tổng cộng 84km, trong đó có tới 34km đường răng cưa và phải đi qua 4 hầm dài tổng cộng gần 1.000m. Từ sau ngày giải phóng, tuyến đường sắt này gần như bị hủy bỏ, chỉ còn đoạn từ ga Đà Lạt đến Trại Mát dài 8km được ngành đường sắt phục hồi để khai thác du lịch. Theo một thông tin từ cuối năm 2007 từ Cục Đường sắt, Chính phủ đã cho phép khôi phục lại tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt với vốn đầu tư khoảng 320 triệu USD theo hình thức BOT…
Du khảo tuyến đường sắt độc đáo K’Rông Pha - Đà Lạt, chúng tôi đang tìm về với không gian hoài niệm về những ngày xa xưa khi biết bao máu xương đã đổ cho sự hình thành những nhà ga, cho sự rộn rã của những chuyến tàu. Trong ký ức của người dân địa phương, đường sắt này chưa bao giờ “chết”. Nhưng giờ đây, chúng tôi đang cùng họ đối thoại với hoang phế.
Nhà ga K’Rông Pha hoang phế hiện tại.
Một đoạn đường ray răng cưa người dân còn giữ được.
Ga Tram Hanh là một ngôi nhà mục nát.
Đường sắt 1 Dấu tích còn sót lại của đường xe lửa xưa.
Cụ già này nhiều lần đã đi tàu hỏa Phan Rang-Đà Lạt
bên đoạn ray răng cưa.