Cách thị trấn Nguyên Bình 20km, xóm Hoài Khao (xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) với gần 40 hộ dân nằm biệt lập trong một thung lũng nhỏ xanh mát, không khí trong lành. Một trong những nét văn hóa đặc sắc ở Hoài Khao đó chính là nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong được lưu truyền qua nhiều thế hệ, vẫn tiếp tục được gìn giữ đến hôm nay.

Bà con ở xóm Hoài Khao đều là người dân tộc Dao Tiền nên ý thức gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, từ kiến trúc nhà cửa, đời sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, trang phục, tiếng nói… luôn được đề cao. Đặc biệt các bà, các chị trong xóm thường xuyên quan tâm truyền dậy nghề in hoa văn bằng sáp ong cho con cháu mình, như một nét văn hóa độc đáo và cũng là niềm tự hào của dân tộc Dao Tiền.

Nghề in hoa văn bằng sáp ong - nét văn hóa độc đáo của dân tộc Dao Tiền

Chị Bàn Thị Liên (sinh năm 1984), Tổ trưởng Tổ thêu in hoa văn sáp ong xóm Hoài Khao cho biết: Sau khi dệt xong tấm vải trắng từ sợi bông, phụ nữ Dao Tiền dùng miếng đá phẳng, mịn cả 2 mặt để mài cho nhẵn và láng bóng, sau đó chia tấm vải thành nhiều ô, cột bằng nhau. Công việc này được thực hiện bằng tay, theo đó chị em tiến hành chấm các điểm cân đối thành hàng cho đến hết khổ vải.

Vật dụng để in hoa văn lên các tấm vải cũng rất đơn giản, gồm các ống tre, trúc có đường kính to nhỏ khác nhau (từ 1,5cm- 2cm) để in những hình tròn. Các que vót mỏng uốn hình tam giác cân dùng để in các đoạn thẳng và góc. Lá chít ép phẳng dùng làm cữ.

Chị Bàn Thị Liên đun nóng sáp ong trước khi in. (Ảnh: THI PHONG)

Chị Bàn Thị Liên đun nóng sáp ong trước khi in. (Ảnh: THI PHONG)

Sáp ong đem đun cho tan chảy, sau đó lọc bỏ tạp chất. Trước khi thực hiện in sáp ong lên vải, các miếng sáp ong được đặt trong khay và đun trên than hồng nhằm tạo độ nóng để sáp in thật ăn vải và rõ nét các hoa văn. Tùy theo các mẫu hoa văn, phụ nữ Dao Tiền sẽ dùng các dụng cụ chấm vào sáp ong rồi tạo hình trên mặt vải. Việc in ấn được làm liên tục khi nào hết khổ vải mới thôi.

Khi sáp ong khô thì đem tấm vải nhuộm chàm nhiều lần (từ 15-20 lần), cứ ngày đem phơi nắng, đêm ngâm chàm. Tấm vải khi ngâm phải luôn ngập nước chàm, dùng chân đạp kỹ cho vải thấm đều màu chàm để không bị loang lổ. Sau khi nhuộm được màu chàm như ý, tấm vải sẽ được nhúng vào nước sôi, lúc này sáp ong bị nóng sẽ tan ra và hiện lên các hoa văn trên nền chàm. Những tấm vải in hoa văn sáp ong được phụ nữ Dao Tiền sử dụng chủ yếu để khâu váy, làm trang phục mặc hằng ngày.

Trước khi thực hiện in sáp ong lên vải, các miếng sáp ong được đặt trong khay và đun trên than hồng nhằm tạo độ nóng để sáp in thật ăn vải và rõ nét các hoa văn.

Công đoạn chuẩn bị vải trước khi in sáp ong.

Khi sáp ong khô thì đem tấm vải nhuộm chàm nhiều lần (từ 15-20 lần), cứ ngày đem phơi nắng, đêm ngâm chàm.

Tấm vải khi ngâm phải luôn ngập nước chàm, dùng chân đạp kỹ cho vải thấm đều màu chàm để không bị loang lổ.

Sau khi nhuộm được màu chàm như ý, tấm vải sẽ được nhúng vào nước sôi, lúc này sáp ong bị nóng sẽ tan ra và hiện lên các hoa văn trên nền chàm. Những tấm vải in hoa văn sáp ong được phụ nữ Dao Tiền sử dụng chủ yếu để khâu váy, làm trang phục mặc hằng ngày.

Tác dụng từ sử dụng sáp ong để in hoa văn trên vải trắng sau khi nhuộm chàm giúp giữ lại màu trắng của vải. Việc tạo ra những nét hoa văn độc đáo của người Dao Tiền tạo thành các hình tượng chấm in sáp ong tạo nét riêng biệt cũng là cách để nhận biết dân tộc Dao Tiền với các dân tộc khác.

Việc khai thác sáp ong được người Hoài Khao thực hiện như một nghi lễ

Ông Lý Hữu Tăng (sinh năm 1976), Trưởng xóm Hoài Khao chia sẻ: Bà con trong xóm rất tự hào về nghề thêu và in hoa văn sáp ong của dân tộc mình. Bên cạnh việc giúp tôn vinh những nét văn hóa khác biệt, độc đáo của bà con Dao Tiền thì sử dụng sáp ong để tạo hoa văn trên trang phục của người Dao Tiền cũng là cách bà con nơi đây bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thể hiện bằng việc giữ cây rừng thu hút ong về làm tổ.

Ông Lý Hữu Tăng giới thiệu các sản phẩm với khách du lịch. (Ảnh: THI PHONG)

Ông Lý Hữu Tăng giới thiệu các sản phẩm với khách du lịch. (Ảnh: THI PHONG)

Hiện nay người dân Hoài Khao rất chú trọng bảo vệ các tổ ong trên 2 vòm hang đá trong làng là Hang Chán Vềnh và hang Tà Lạc. Dân làng không tùy tiện lấy mật ong mà bảo vệ đàn ong để khi ong rời đi mới vào lấy vỏ tổ ong, từ đó lọc lấy sáp ong.

Theo bà con Hoài Khao, trên vòm, vách đá của hai hang, mỗi năm thường có đến 25 đến 30 tổ ong khổng lồ, với hàng nghìn con ong vây quanh tổ. Mỗi tổ sẽ làm ra khoảng 37 lít mật một năm. Bên ngoài tổ là hàng nghìn con, bám theo từng lớp. Do đó bà con Hoài Khao gọi nơi đây là hang Ong Đá và coi những tổ ong trong hang là tài sản chung của cộng đồng nên được bảo vệ, giữ giữ rất nghiêm ngặt.

Việc lấy mật phải được sự thống nhất trong cả xóm, người ngoài không được tự ý vào khai thác. Người dân Hoài Khao cho rằng luôn có một sự gắn kết và mối quan hệ hòa hợp giữa bầy ong và dân làng Hoài Khao hàng trăm năm qua, bởi vậy người dân bảo vệ tuyệt đối để loài ong sinh tồn và đến thời điểm đàn ong di cư. Bà con quan niệm đàn ong để lại cho dân làng hàng chục tổ sáp ong như là cách đàn ong trả ơn loài người đã bảo vệ mình.

Việc thu hoạch sáp ong được tiến hành vào thời điểm chớm thu (thường là trước rằm tháng 7), đây cũng là lúc đàn ong bay đi để tránh rét để lại xác tổ ong. Việc khai thác sáp ong được người Hoài Khao thực hiện như một nghi lễ: Sau khi chọn được ngày tốt, từ sáng sớm trưởng xóm sẽ phân công nhau, mỗi người một việc, nhóm được phân công làm đồ lễ để thầy mo đi cúng, nhóm đi lấy củi, nhóm đi lấy sáp ong, nhóm nấu sáp ong… Mâm cúng gồm 3 con gà, 6 nắm cơm tẻ, rượu, hương, giấy bản. Nghi lễ cúng thần ong, thần rừng, cầu các vị thần phù hộ cho cả đoàn đi lấy sáp ong gặp may mắn và cầu cho năm sau ong quay về nhiều hơn.

Muốn lấy được sáp ong, bà con phải đi chặt những cây mai, cây vầu dài, buộc đấu nối theo những thân cây to gần sát vòm hang để tạo thành cái thang, sau đó mới có thể leo lên trên cao, dùng sào chọc lấy tổ ong khoái. Việc leo lên thang cao dùng sào để chọc xác tổ ong xuống từ độ cao 2,3 chục mét khá nguy hiểm, vì vậy dân làng sẽ cử những người đàn ông khỏe mạnh và có tính cẩn thận để thực hiện công việc này. Các chị em có nhiệm vụ nhặt và buộc sáp ong đem về.

Ngày lấy sáp ong thực sự như một ngày hội của dân làng, mọi người đoàn kết thực hiện các nhiệm vụ của mình và khi kết thúc công việc, họ cùng nhau ăn uống vui vẻ sau một mùa sáp ong bội thu.

Chị em phụ nữ Dao Tiền ở Hoài Khao luôn đề cao ý thức giữ gìn nghề dệt và in sáp ong truyền thống của dân tộc. (Ảnh: THI PHONG)

Chị em phụ nữ Dao Tiền ở Hoài Khao luôn đề cao ý thức giữ gìn nghề dệt và in sáp ong truyền thống của dân tộc. (Ảnh: THI PHONG)

Vỏ tổ ong sau khi thu hoạch về được bẻ nhỏ, cho vào chảo gang đun với nước. Khi nước sôi bà con vớt những vỉa tổ ong cho vào giỏ tre rồi kẹp để ép nước sáp ong nguyên chất chảy xuống chảo nước lạnh. Sáp ong gặp nước lạnh sẽ kết tinh, tạo thành từng vỉa vàng óng nổi lên mặt nước.

Sau đó, vỏ sáp ong được vớt lên rửa sạch và bóp cho ra hết nước, cuối cùng là công đoạn cho vào chảo cô sáp ong thành từng miếng to.

Khi hoàn thành sáp ong sẽ được cân chia đều cho các gia đình trong làng.

Tự hào về nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong của dân tộc mình, chị Bàn Thị Liên mong muốn trong tương lai các sản phẩm do chị em Hoài Khao tạo nên sẽ được nhiều người biết đến, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Dao Tiền.

Thu hút khách du lịch từ nghề truyền thống

Xuất phát điểm là một xã nghèo của huyện, hiện tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Hoài Khao chiếm xấp xỉ 80%. Đời sống của bà con nơi đây chủ yếu trông chờ vào những nương ngô. Gặp thời điểm hạn hán, mất mùa, cuộc sống của bà con càng thêm cơ cực.

Với mong muốn tìm ra cơ hội giúp bà con có thêm sinh kế, tạo được công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, năm 2018, Ủy ban nhân dân huyện Nguyên Bình đã phê duyệt chủ trương xây dựng làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao. Sau hai năm triển khai, đến năm 2020 dự án chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động.

Trở thành làng du lịch cộng đồng, bộ mặt của xóm Hoài Khao đã có những thay đổi đáng kể. Nhờ có sự hỗ trợ, đầu tư từ Ủy ban nhân dân huyện trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đường vào xã cũng như hệ thống các ngõ xóm, ngõ nhà được nâng cấp, điện được kéo đến từng nhà. Đồng thời, các điểm trải nghiệm cho khách du lịch trên địa bàn xóm Hoài Khao cũng đã mọc lên khang trang, hiện đại khiến bà con vô cùng phấn khởi.

Trở thành làng du lịch cộng đồng, bộ mặt của xóm Hoài Khao đã có những thay đổi đáng kể. Nhờ có sự hỗ trợ, đầu tư từ Ủy ban nhân dân huyện trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đường vào xã cũng như hệ thống các ngõ xóm, ngõ nhà được nâng cấp, điện được kéo đến từng nhà. Đồng thời, các điểm trải nghiệm cho khách du lịch trên địa bàn xóm Hoài Khao cũng đã mọc lên khang trang, hiện đại khiến bà con vô cùng phấn khởi.

Khung cảnh thanh bình tại xóm Hoài Khao. (Ảnh: THI PHONG)

Khung cảnh thanh bình tại xóm Hoài Khao. (Ảnh: THI PHONG)

Nhờ sự hướng dẫn tận tình của người dân đã giúp Hải Anh thực hiện việc in sáp ong lên vải một cách khá thành thạo. (Ảnh: THI PHONG)

Nhờ sự hướng dẫn tận tình của người dân đã giúp Hải Anh thực hiện việc in sáp ong lên vải một cách khá thành thạo. (Ảnh: THI PHONG)

Cùng với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, trữ tình, con người thân thiện, thì một trong những điểm thu hút khách tìm đến với Hoài Khao thời gian qua chính là nhờ bản sắc văn hóa độc đáo, nhất là nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong. Khách đến với Hoài Khao, sau những giờ phút thong dong tản bộ ngắm cảnh đẹp trong làng, thưởng thức các món ăn đậm đà bản sắc của đồng bào Dao Tiền thì còn được trải nghiệm cùng bà con công đoạn in sáp ong lên vải.

Lần đầu đến với làng du lịch cộng đồng Hoài Khao, cô gái Công Hải Anh, 21 tuổi, sinh viên năm thứ ba trường Đại học Công đoàn, hiện đang sống tại Tây Hồ, Hà Nội đã bị lôi cuốn trước vẻ đẹp nguyên sơ, thanh bình của vùng đất này.

Hải Anh cũng đã có những trải nghiệm thật khó quên khi được các chị em trong Tổ thêu in hoa văn sáp ong trong làng hướng dẫn nhiệt tình để tạo ra một mảnh vải thực hiện kỹ thuật in sáp ong truyền thống của đồng bào Dao Tiền.

Hướng dẫn khách du lịch thực hiện việc in sáp ong lên vải(Ảnh: THI PHONG)

Hướng dẫn khách du lịch thực hiện việc in sáp ong lên vải(Ảnh: THI PHONG)

Khi được hỏi vì sao chọn điểm đến Hoài Khao để trải nghiệm trong dịp nghỉ hè năm nay, Hải Anh thổ lộ: Nhờ tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin Hải Anh được biết ở đây có nghề truyền thống in hoa văn sáp ong rất độc đáo nên muốn được thực tế trải nghiệm, cũng như muốn được hòa mình vào phong cảnh trữ tình nơi đây.

Hải Anh cho biết lúc đầu quan sát việc in hoa văn sáp ong lên hoa văn thấy rất khó, nhưng qua hướng dẫn tận tình của người dân đã giúp Hải Anh cũng có thể thực hiện một cách khá thành thạo. Bài học kinh nghiệm quý giá đối với cô là phải có sự tỉ mỉ, cẩn thận trong lúc thực hiện việc in hoa văn lên mặt vải, tránh không bị xô lệch, và phải giữ tỷ lệ cân đối.

Hải Anh tiết lộ nếu có cơ hội cô vẫn sẽ quay trở lại vùng đất đáng yêu và thân thiện này.

Những khó khăn cần được tháo gỡ

Hiện xóm Hoài Khao có 7 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ homestay, mỗi nhà có thể đón tiếp khoảng 10 khách đến lưu trú tại xóm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dù bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2020, song chỉ khoảng 2 năm trở lại đây, mới bắt đầu có khách tìm đến, trong đó có cả khách nước ngoài. Tuy nhiên lượng khách đến Hoài Khao vẫn còn khá khiêm tốn, ước tính trung bình mỗi năm xấp xỉ 400 khách.

Làng du lịch Hoài Khao chọn biểu tượng là đôi trâu trắng. (Ảnh: THI PHONG)

Làng du lịch Hoài Khao chọn biểu tượng là đôi trâu trắng. (Ảnh: THI PHONG)

Theo ông Nông Quốc Chấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quang Thành, dù được ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên và lợi thế về bản sắc văn hóa độc đáo song hiện nay công tác giới thiệu, quảng bá về làng du lịch cộng đồng Hoài Khao vẫn còn khiêm tốn, chưa hiệu quả nên còn ít người biết đến. Bên cạnh đó, do bà con mới tiếp cận hoạt động du lịch cộng đồng nên các kỹ năng, kinh nghiệm đón tiếp, phục vụ du khách vẫn còn nhiều bỡ ngỡ.

Ông Nông Quốc Chấn cho rằng việc tuyên truyền, vận động giúp bà con thay đổi nhận thức đối với các hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn xã là rất quan trọng. Đồng thời truyền thống in hoa văn sáp ong được bà con bảo tồn từ xưa đến nay là nét đẹp truyền thống góp phần khẳng định, tôn vinh giá trị văn hóa của đồng bào Dao Tiền cần là điểm nhấn giúp thu hút khách du lịch.

Nhờ làm du lịch, đường vào xã cũng như hệ thống các ngõ xóm, ngõ nhà ở Hoài Khao được nâng cấp. (Ảnh: THI PHONG)

Nhờ làm du lịch, đường vào xã cũng như hệ thống các ngõ xóm, ngõ nhà ở Hoài Khao được nâng cấp. (Ảnh: THI PHONG)

Để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của bà con Dao Tiền nơi đây, thời gian Ủy ban nhân dân huyện Nguyên Bình đã chỉ đạo phòng văn hóa huyện phối hợp với trung tâm văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thông tin tỉnh mở những lớp tập huấn về truyền dạy in hoa văn sáp ong cho các chị em trong xóm và các xóm lân cận tham gia. Nhờ đó ngày càng có nhiều chị em biết thực hành các kỹ thuật in thêu truyền thống đặc sắc của dân tộc Dao Tiền.

Họa tiết in hoa văn sáp ong sau khi hoàn thiện. (Ảnh: THI PHONG)

Họa tiết in hoa văn sáp ong sau khi hoàn thiện. (Ảnh: THI PHONG)

Tuy nhiên thực tế cho thấy để nghề truyền thống thực sự tạo sinh kế cho người dân tại Hoài Khao nói riêng và Nguyên Bình nói chung đòi hỏi các sản phẩm phải đa dạng hơn. Quan sát gian giới thiệu sản phẩm của bà con hiện nay các mặt hàng vẫn khá khiêm tốn, chủ yếu là túi, khăn, váy.

Một hạn chế khác khiến sản phẩm in sáp ong của Hoài Khao chưa được dùng rộng rãi đó là do giá thành khá cao vì được làm hoàn toàn thủ công, tốn mất nhiều công đoạn và thời gian mới có thể tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.

Chị Bàn Thị Liên cho biết để hoàn thiện một bộ váy áo in sáp ong của phụ nữ Dao Tiền thời gian nhanh nhất cũng phải mất 1 tháng, giá thành hơn 10 triệu đồng. Số tiền này không phải ai cũng có điều kiện để mua sắm. Do đó để hướng ra thị trường, các sản phẩm dệt in sáp ong cần phải đa dạng hơn về mẫu mã, cải tiến quy trình giúp hạ giá thành sản phẩm. Như vậy sẽ vừa giúp bảo tồn nghề truyền thống của đồng bào Dao Tiền, vừa tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm và sử dụng các sản phẩm này và tiếp tục lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, góp phần quảng bá ra toàn quốc, giúp bà con từng bước xóa đói giảm nghèo.

Item 1 of 3

Ngày xuất bản: 5/7/2024
Nội dung: THI PHONG
Trình bày: BẢO MINH