Đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý các trường chính trị theo hướng hiện đại

NDO - Sáng 19/5, tại Trường Chính trị Tô Hiệu (thành phố Hải Phòng), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Thành ủy Hải Phòng tổ chức hội thảo khoa học Công tác đào tạo, bồi dưỡng các trường chính trị cấp tỉnh trong bối cảnh mới.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo. (Ảnh: PHẠM CƯỜNG)
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo. (Ảnh: PHẠM CƯỜNG)

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị cấp tỉnh vinh dự được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị. Trong đó, các trường chính trị cấp tỉnh giữ vị trí đặc biệt quan trọng, là "địa chỉ đỏ" tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi nhấn mạnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng giữ vai trò trụ cột, có tính quyết định đối với chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, không chỉ là yêu cầu thường xuyên, lâu dài mà còn là nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy; sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp… điều này có tác động mạnh mẽ đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức đối với các trường chính trị cấp tỉnh.

Đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý các trường chính trị theo hướng hiện đại ảnh 1

Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: PHẠM CƯỜNG)

Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan những thành tựu nổi bật của công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị cấp tỉnh, đồng thời chỉ ra nút thắt, điểm nghẽn cần tháo gỡ, tạo nền tảng khoa học cho việc đề xuất những giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới.

Tại hội thảo, ý kiến tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên các trường chính trị khẳng định những kết quả đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, đó là quy mô và chất lượng đào tạo được mở rộng, nội dung chương trình được cập nhật kịp thời, đội ngũ giáo viên được tăng cường chuẩn hóa. Một số ý kiến cho rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, tính liên thông, đồng bộ trong quản lý đào tạo, bồi dưỡng chưa cao; chương trình đào tạo chưa bám sát với yêu cầu chuyển đổi số, kinh tế số, quản trị hiện đại; một số quy định, chủ trương về đối tượng, tiêu chuẩn, phân cấp đào tạo, bồi dưỡng chưa đồng bộ...

Đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý các trường chính trị theo hướng hiện đại ảnh 3

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: PHẠM CƯỜNG)

Hội thảo thống nhất yêu cầu phải đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý các trường chính trị theo hướng hiện đại, thích ứng với yêu cầu mới của đất nước trong thời kỳ chuyển đổi số; các trường chính trị chuyển từ tư duy quản lý hành chính đơn thuần sang tư duy quản trị chất lượng, lấy chất lượng đào tạo, hiệu quả phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý làm thước đo trung tâm.

Cùng với đó, xác định chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng là một nhiệm vụ trọng tâm, nhằm xây dựng nền tảng quản lý đào tạo điện tử, phát triển học liệu số, kho dữ liệu mở; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển các sản phẩm khoa học có giá trị ứng dụng cao, góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong bối cảnh mới.