Thông qua nhiều cải tiến về hình thức, phương pháp dạy học, đặc biệt là phương pháp dạy ngoại ngữ theo hướng nâng cao năng lực cho học sinh, chất lượng giáo viên và trình độ ngoại ngữ của học sinh Hà Nội đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Theo đánh giá của Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện nay, giáo viên các cấp học đã chuyển từ dạy ngữ pháp thuần túy sang dạy tăng cường khả năng giao tiếp, phát huy tính tích cực của học sinh. 80% giáo viên đã đạt chuẩn năng lực tiếng Anh theo khung chuẩn chung châu Âu. Đa số giáo viên đều tích cực trau dồi kiến thức, tích cực dạy học tích hợp liên môn, tạo ra những giờ học sinh động. Tại nhiều trường học, trong các giờ ngoại ngữ, kiến thức tổng hợp các môn học Địa lý, Lịch sử…được lồng ghép, giúp học sinh phát triển hiểu biết về các quốc gia trên thế giới, giới thiệu về đất nước mình. Giờ học vì vậy đã thực tế hơn, kiến thức ngôn ngữ cũng đã được cập nhật hơn giúp học sinh phát triển tốt kiến thức và kỹ năng.
Về phía học sinh, ở bộ môn Tiếng Anh, các em đã chủ động trong các giờ học trên lớp, tham gia tốt trong các nhóm thảo luận, phát triển kỹ năng, hướng đến sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp. Học sinh không còn ngại ngùng hay miễn cưỡng tham gia vào các buổi thảo luận sử dụng tiếng Anh như trước. Đây được đánh giá là thành công bước đầu trong áp dụng các biện pháp giảng dạy tiếng Anh theo hướng nâng cao năng lực cho học sinh.
Bên cạnh đó, nhiều sân chơi tiếng Anh được tổ chức như: các kỳ Olympic, festival của thành phố, các cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh, IOE, … đã góp phần giúp học sinh thực hành các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Trong đó, kỹ năng nghe nói của học sinh tiến bộ rõ rệt, giúp các em tự tin trong môi trường giao tiếp tiếng Anh. Các môn Toán – Khoa học bước đầu được dạy bằng tiếng Anh. Trước tiên là trong các trường chuyên, trường chất lượng cao, lớp chuyên sâu, tiếp sau là phong trào học trong các trường, tiếp cận với bộ sách song ngữ tiếng Anh…
Sự tiến bộ của học sinh, theo đánh giá của Sở GD-ĐT Hà Nội cũng có phần quan trọng từ phía gia đình, cha mẹ. Hiện nay, cùng với mặt bằng dân trí cao, nhiều gia đình đã nhận thức tích về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong thời kỳ hội nhập nên đã định hướng cũng như đầu tư tích cực cho con em.
Học sinh Thủ đô cũng có nhiều điều kiện để tiếp cận với những chương trình giáo dục quốc tế. Năm học 2017-2018 Hà Nội lần đầu tiên thực hiện thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level tại trường THPT Chu Văn An. Bên cạnh các chương trình truyền thống, giờ đây học sinh đã có thể thể tiếp cận với chương trình quốc tế, chuẩn hóa tại trường công lập trên địa bàn.
Nói về chương trình này, ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Chương trình ừ lúc dự thảo đến lúc chính thức đã nhận được sự quan tâm của nhiều cha mẹ học sinh. Đây có thể nói là mô hình được mong muốn, chờ đợi của người dân Thủ đô”– “50 học sinh đầu tiên của chương trình, qua các vòng thi được chuyên gia khảo thí của CIE đánh giá tốt. Có những em học sinh rất giỏi, điểm phỏng vấn cao, có khả năng nói tiếng Anh như người bản ngữ”.
Ngành giáo dục Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, cơ sở giáo dục nước ngoài, tranh thủ tối đa hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên ngoại ngữ.
Năm học mới, bên cạnh việc đa dạng hóa chương trình để đáp ứng mục tiêu đào tạo và nhu cầu học tập ngoại ngữ của học sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội đề ra nhiệm vụ thực hiện đa dạng hóa sách giáo khoa, học liệu và hình thức đào tạo, bồi dưỡng cũng như quan tâm xây dựng và phát triển môi trường thực hành ngoại ngữ thông qua phát triển các cộng đồng học tập ngoại ngữ. Đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ phổ thông tiếp tục được đào tạo, chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sẽ chú trọng vào một số nhiệm vụ chính như: Quan tâm đến phương thức đào tạo trực tuyến; Thực hiện công tác khảo thí ngoại ngữ bảo đảm minh bạch khách quan, công bằng; Tăng cường đào tạo giáo viên dạy song ngữ các môn KHTN cấp THPT; Mở rộng mô hình liên kết với các đơn vị ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài để tăng cường dạy bổ trợ ngoại ngữ trong các trường phổ thông và Chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non.