Theo tác giả kịch bản Lê Quý Dương, đồng thời là Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc lễ hội, chủ đề của chương trình khai mạc là “Tạ ơn cà phê”, còn chủ đề lễ bế mạc tối là “Đêm thế giới cà phê”. Đó là sự tri ân một vùng đất đỏ ba dan trù phú của Tây Nguyên, nơi cho từng rẫy cà phê mạch nguồn để lớn lên. Tri ân khí hậu, thiên nhiên, thổ nhưỡng đã cho cà phê được đơm hoa kết trái. Nhưng hơn tất cả, là sự tri ân những người lao động đang từng ngày từng giờ vất vả làm nên từng hạt cà phê quý giá, gửi gắm vào đó yêu thương và khát vọng, mồ hôi và nước mắt, hạnh phúc và nhọc nhằn để làm nên từng giọt đắng cà phê thiêng liêng cho đời. Cà phê Việt Nam, cà phê Tây Nguyên nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng đang có mặt ở khắp nơi trên thế giới và Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất toàn cầu.
Chương trình nghệ thuật khai mạc sẽ đậm đặc, mộc mạc và hừng hực văn hóa bản địa Tây Nguyên với các đại cảnh biểu diễn ca múa nhạc, trình tấu nhạc cụ dân tộc như: Đing tắk tar, dân ca Ê Đê tạ ơn cà phê, Trống hội cồng chiêng Tây Nguyên, Tạ ơn đất đỏ ba dan, Âm vọng từ cội nguồn, Tạ ơn gió mưa, Vũ điệu huyền thoại cà phê, Lễ dâng cà phê và Lễ rước hoa cà phê. Trong khi đó, “Đêm thế giới cà phê” bế mạc lễ hội sẽ bao gồm ba chương hợp xướng: Ngọc đen, Giọt đắng và Thiên đường, mở ra với hình ảnh những đôi cành đại bàng Tây Nguyên sải rộng ra khắp bốn phương trời, đưa từng giọt cà phê Việt Nam kết nối đam mê cháy bỏng và khát vọng sáng tạo và hoà bình.
Tham gia chương trình có nhiều nghệ sĩ sáng tạo giàu kinh nghiệm cùng 500 diễn viên và hàng trăm nghệ nhân cồng chiêng Tây Nguyên từ các làng bản. Bên cạnh đó còn có phần biểu diễn “Từ rẫy cà phê Buôn Ma Thuột tới ly cà phê Cô-pen-ha-ghen” do hai biên đạo múa trẻ Đan Mạch An-na Em-ma No-đan-phoóc và Ka-ri-na Đi-chốp Lun dàn dựng theo lời mời của đạo diễn Lê Quý Dương và công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên.
Để chuẩn bị cho hai đêm biểu diễn khai mạc và bế mạc lễ hội, một sân khấu lớn được thiết kế và trang trí bằng hai tấn hạt cà phê lớn nhất từ trước tới nay cùng hàng trăm nhạc cụ cồng chiêng, vật dụng lao động sản xuất và sinh hoạt của đồng bào Tây Nguyên.