"Phải dám đi,
thậm chí phải đi tiên phong"
Doanh nhân Đỗ Cao Bảo - Ủy viên HĐQT, đồng sáng lập tập đoàn FPT.
đỗ cao bảo
Thuộc 1 trong 13 người sáng lập nên tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam (FPT), doanh nhân Đỗ Cao Bảo là một "lão tướng" có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, người có suy nghĩ quyết liệt, tiên phong, mở đường cho nhiều phát kiến đầy táo bạo.
Doanh nhân Đỗ Cao Bảo còn được biết đến với vai trò người truyền cảm hứng cho giới trẻ bằng những cuốn sách mang đậm triết lý sống, giàu tính nhân văn và thực tiễn về tinh thần khởi nghiệp cùng tư duy đổi mới. Không chỉ là một doanh nhân với nhiều thành tựu lớn, ông còn là một người gieo hạt giống niềm tin và khát vọng vào thế hệ tương lai.


DÁM ĐI TỪ KHI CHƯA CÓ ĐƯỜNG
Hương Trang: Thưa ông, nhìn lại hơn 30 năm gắn bó với FPT – từ những ngày đầu với chiếc bàn gỗ cũ và một ước mơ công nghệ thuần Việt, đến khi FPT trở thành biểu tượng chuyển đổi số – ông có từng nghĩ doanh nghiệp mà mình là một trong những sáng lập viên sẽ là một phần của lịch sử công nghệ Việt Nam?
Ông Đỗ Cao Bảo: Thực ra năm 1988 khi thành lập FPT, kinh tế nước ta rất khó khăn. Khó khăn ở tất cả, toàn xã hội khó khăn. Chúng ta lại chưa "mở cửa", chưa có Internet, vẫn bị cấm vận, cho nên thông tin bên ngoài rất ít. Vì thế giấc mơ lúc đấy không rõ được như bây giờ mà còn mơ hồ. Chúng tôi chỉ nhận thấy rằng phải thay đổi và phải đi một con đường khác, FPT phải trở thành một tổ chức kiểu mới, phải năng động và sáng tạo. Với cá nhân thì mục tiêu là mỗi người sẽ có cuộc sống đầy đủ vật chất và tinh thần phong phú. Chỉ là nói một cách chung chung như thế thôi, chứ chưa hình dung rõ sau này mình sẽ trở thành cái gì - như bây giờ.
Hương Trang: Với một giấc mơ tưởng chừng mơ hồ như vậy, nhưng chỉ sau 10 năm thành lập, tức vào năm 1998, FPT đã đưa ra quyết định táo bạo là xuất khẩu công nghệ - với tinh thần “Xuất hay là chết”. Và ngay đến bây giờ ông cũng vẫn khuyên những người trẻ khởi nghiệp phải dám nghĩ đến việc hướng ra thị trường quốc tế. Vậy đâu là động lực và căn cứ khiến ông và lãnh đạo tập đoàn quyết lựa chọn phương án đó?
Ông Đỗ Cao Bảo: Động lực xuất phát khi FPT thấy rằng thị trường trong nước quá nhỏ bé so với khát vọng của mình. Cho nên chúng tôi nghĩ chỉ có một con đường duy nhất là ra nước ngoài để mình có thể tiếp cận được "thị trường không giới hạn" nhằm thỏa mãn khát vọng.
Nhưng còn quan trọng hơn nữa là có thể đưa được trực tiếp được sản phẩm dịch vụ mình ra với thế giới, để có những giá trị gia tăng cao hơn so với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI. Ví dụ như FPT Software năm 2024 đã tạo ra cơ hội việc làm cho hơn 30.000 người với năng suất là 40.000 đô một đầu người.
Một lý do nữa là khi ra nước ngoài, được tiếp xúc với rất nhiều quốc gia khác nhau, các nền văn hóa khác nhau, các thể chế chính trị khác nhau, chúng ta có cái nhìn đầy đủ, rộng mở hơn. Chúng ta sẽ thấy thế giới có nhiều điều hay, nhưng không phải điều gì cũng hay. Nước ta khi đó có thể còn nhiều thứ cần khắc phục, nhưng không đến nỗi bi quan quá, không đến nỗi phải thần tượng quá một nước nào đó.
"CHỈ NGHĨ RẰNG PHẢI XUẤT KHẨU, ẤN ĐỘ LÀM ĐƯỢC THÌ MÌNH CŨNG LÀM ĐƯỢC!"

Hương Trang: Ông từng chia sẻ về việc người thành công phải là người nhận ra sự biến chuyển và dám thay đổi thể thích ứng. Vậy xuyên suốt hành trình của mình, cá nhân ông và tập thể lãnh đạo đã xây dựng FPT để "thay đổi và thích ứng" như thế nào? Tôi muốn nói đến việc đặt cược vào Ai và bán dẫn của FPT cũng như chủ tịch Trương Gia Bình mà ngay cả thời điểm này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về lựa chọn này?
Ông Đỗ Cao Bảo: Thế giới ngày nay thay đổi với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là công nghệ, thứ tác động đến tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống. Bất cứ khi nào nhận thấy công nghệ thay đổc, FPT phải nắm bắt ngay và đi ngay.
Vào khoảng năm 1990, 1991 FPT là đơn vị đầu tiên bắt đầu nghiên cứu về mạng cục bộ. Trước khi Internet vào Việt Nam, FPT đã có mạng nội bộ với tên gọi "mạng trí tuệ Việt Nam" gần giống như Internet (khoảng 10.000 người dùng). Sau này FPT được Bộ Thông tin cấp cho Giấy phép làm dịch vụ internet dù không phải cơ quan nhà nước. Tiếp theo là từ mạng rộng đến thanh toán không dùng tiền mặt. Tiếp sau này là mô hình chuỗi thay thế cho các cửa hàng bán lẻ.
Và đến bây giờ là giai đoạn của bán dẫn và AI. Rất đơn giản vì AI và bán dẫn là tương lai của thế giới, tất cả đồ đạc sự vật xung quanh chúng ta đều có sự hiện diện của chúng. Biết chúng là tương lai nên là công ty công nghệ, mình phải trở thành doanh nghiệp đi đầu để đón chúng về.
Cho nên nói là đặt cược nhưng thực ra đây là con đường duy nhất, nếu chúng ta vẫn còn muốn tiếp tục phát triển!

Đi cùng đoàn của Bộ Tài chính trong chuyến thăm và làm việc ở Ba Lan
Lễ ký hợp đồng với Microsoft tại Washington DC 2007 (dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Hoa Kỳ)
Gặp gỡ tỷ phú Steve Ballmer, CEO Microsoft tại trụ sở ở Seatle năm 2007



KHÁT VỌNG VƯƠN MÌNH TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
Hương Trang: Ngày 5/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Trong thực tiễn điều hành doanh nghiệp cũng như trải nghiệm của mình ông có thể đánh giá tinh thần của Nghị quyết 68 hôm nay đã thay đổi cách nhìn nhận và tháo bung các “rào cản” đối với kinh tế tư nhân như thế nào?
Ông Đỗ Cao Bảo: Tôi đánh giá đây là sự đột phá rất lớn, nếu thực hiện thành công thì đất nước ta chắc chắn sẽ vươn mình.
Thay đổi đầu tiên là việc lấy doanh nghiệp tư nhân làm động lực quan trọng nhất của sự phát triển - cái này rất quan trọng. Trước kia chúng ta vẫn coi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, không có nhìn nhận rõ về doanh nghiệp tư nhân. Nhưng bây giờ chúng ta đã khẳng định nó là một động lực quan trọng nhất, bởi nhiều lý do.

Ông Đỗ Cao Bảo: Theo tính toán, doanh nghiệp tư nhân đang chiếm đến hơn 96% số doanh nghiệp. Cả doanh nghiệp FDI và nhà nước chỉ chiếm hơn 3%. Trong số hơn 96% đó chưa bao gồm các hộ kinh doanh (bản chất là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ), chưa kể cả nông dân,... nếu cộng lại là một lực lượng khổng lồ. Chỉ cần cho lực lượng này tăng trưởng cao lên nữa, đất nước chúng ta sẽ khác hẳn. Thế nên coi doanh nghiệp tư nhân là một động lực quan trọng nhất - tôi cho rằng đó là một đột phá rất lớn về tư duy cũng như về lý luận.
Điểm tiếp theo, trong Nghị quyết 68 có nhắc đến việc coi doanh nghiệp và người dân là trung tâm, Nhà nước, Chính phủ là lực lượng phục vụ. Ngày xưa chúng ta coi nhà nước là quản lý, giám sát, điều hành. Bây giờ chúng ta đổi sang là nhà nước phục vụ để người dân làm ăn tốt hơn, để đất nước giàu mạnh hơn. Đó là sự thay đổi về tư tưởng, từ đó sẽ dẫn đến tất cả các thay đổi về luật lệ, quy định, nghị định sau này.
Điều này cũng sẽ làm thay đổi thái độ của các công chức, viên chức, nhân viên nhà nước về doanh nghiệp tư nhân. Tức là làm sao để thuận tiện cho người dân, hỗ trợ được cho họ để phát triển, thì đất nước cũng sẽ giàu mạnh. Đó chính là hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, của Chính phủ giao phó.

Hương Trang: Là tác giả của cuốn sách “Khát vọng Việt”, ông có thể chia sẻ điều gì khiến ông tin tưởng rằng thế hệ trẻ với tinh thần “lập thân kiến quốc” hôm nay có thể tiếp nối và đưa đất nước bước vào một thời kỳ “vươn mình” thực sự?
Ông Đỗ Cao Bảo: Thế hệ trẻ bây giờ có mấy điểm (mà tôi nghĩ) là hơn thế hệ trước.
Điểm thứ nhất là họ sử dụng ngoại ngữ và quốc tế hóa tốt hơn. Ví dụ ngày xưa không biết ngoại ngữ, ra nước ngoài giao lưu rất ngại, không biết làm gì, không biết tiếng gì. Giới trẻ bây giờ ngoại ngữ có, kiến thức có, nên khả năng toàn cầu hóa cao hơn, khả năng hội nhập quốc tế cao hơn.
Điểm thứ hai là về công nghệ, không kém cái gì cả, nhờ có mạng internet. Thậm chí là internet tại Việt Nam còn thân thiện, dễ tiếp cận hơn, wifi ở khắp nơi, rất nhiều nước trên thế giới khó khăn trong việc sử dụng mạng công cộng. Tỷ lệ người Việt dùng internet, mạng xã hội, thương mại điện tử rất cao, những năm gần đây còn bùng nổ với thanh toán không tiền mặt, QR code. Đi uống trà đá, mua rau ở chợ,... cũng dùng QR code để thanh toán. Với sự tiếp cận như vậy, tôi nghĩ đó là cơ hội cho thế hệ trẻ Việt Nam khi họ hội nhập quốc tế, ra bên ngoài mà không cảm thấy sợ bởi đã sẵn sàng các môi trường về công nghệ, không hề kém các nước tiên tiến. Ngày xưa chúng tôi nói khoảng cách công nghệ giữa Việt Nam và các nước khác là cách nhau rất xa. Nhưng bây giờ thì ngày càng gần, với trí tuệ nhân tạo, khoảng cách không thể tính bằng 5-10 năm, hay 3 năm, mà có chăng chỉ hơn nhau vài tháng.
Đặc biệt, thế hệ trẻ Việt Nam có "khát vọng vươn lên làm giàu" lớn hơn thế hệ trẻ các nước phát triển. Điều này không phải tôi tự ngộ nhận, mà chính những đối tác của FPT ở các nước (đặc biệt là Nhật Bản) nói. Họ thừa nhận nhiều lần rằng họ thèm muốn tinh thần của giới trẻ Việt Nam. Có đối tác làm chuỗi bán lẻ chia sẻ: "Tôi muốn tuyển vài người Việt Nam, cứ với một siêu thị của tôi, tôi tuyển vài nhân viên Việt Nam vào bán kèm với thanh niên Nhật, để thanh niên Nhật học được tinh thần của người Việt Nam". Điều đó chứng tỏ chúng ta có thể tin tưởng vào thế hệ trẻ Việt Nam, họ sẽ là thế hệ tương lai của đất nước.

"Thế hệ trẻ Việt Nam có khát vọng vươn lên làm giàu lớn hơn thế hệ trẻ các nước phát triển!"
Ông Đỗ Cao Bảo -
Ủy viên HĐQT, đồng sáng lập tập đoàn FPT.


Hương Trang: Quay lại với chữ “dám” đầu tiên của cuộc trò chuyện, ông từng viết nhiều về khởi nghiệp. Theo ông, làm thế nào để người trẻ phân biệt được ranh giới mong manh giữa sự “dám tiên phong” và những mơ mộng viển vông?
Ông Đỗ Cao Bảo: Sách dạy là muốn thành công thì phải có những khát vọng thật lớn. Nhưng có người học đúng thì đặt khát vọng lớn đúng, có người đặt "khát vọng" đúng như bạn nói là viển vông. Vậy phân biệt thế nào là khát vọng lớn và đâu chỉ là điều viển vông?
Khát vọng lớn khác với thứ viển vông đầu tiên là ở hành động. Người mà đặt khát vọng lớn thì họ hành động rất quyết liệt, bền bỉ kiên trì. Họ đặt cược tương lai, tài sản, sứ mệnh, sự nghiệp của họ vào khát vọng đó. Còn người viển vông, đặt kì vọng nhưng hành động không tương xứng. Họ không kiên trì, chóng nản, chóng bỏ. Khi đặt cược (chẳng hạn đặt tiền) thì không dám đặt, muốn người khác đặt cho mình. Tôi nghĩ đó là cái khác biệt đầu tiên,
Khác biệt thứ hai, người có khát vọng lớn sau khi đặt mục tiêu sẽ chia nhỏ ra các giai đoạn thực hiện và mỗi giai đoạn sẽ có những bước, những danh mục hành động cụ thể để thực hiện khát vọng đó. Những hành động đó phải xuất phát từ thực tiễn và giải quyết vấn đề thực tiễn, lúc đó giấc mơ sẽ không thành viển vông. Còn với một mong muốn rất lớn, nhưng không biết làm thế nào và không có kế hoạch thực hiện chi tiết, thì nó trở thành viển vông, chẳng biết bao giờ thành hiện thực được.


Hương Trang: Thưa ông, năm nay là một năm vô cùng đặc biệt của cả dân tộc. Chúng ta đã chứng kiến hàng vạn bạn trẻ thức dậy từ lúc 5 giờ sáng, thậm chí ngồi chờ xuyên đêm để được xem diễu binh, những người trẻ xếp hàng dài hàng cây số để nhận Phụ san đặc biệt Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước của báo Nhân Dân. Điều này đã hoàn toàn xóa tan một số nhận định về thế hệ trẻ xa rời lịch sử dân tộc, thờ ơ với thời cuộc. Ông nghĩ sao về điều đó?
Ông Đỗ Cao Bảo: Lúc đầu tôi cũng rất bất ngờ vì không nghĩ là sự tham gia của người dân hay bạn trẻ lại đông đảo đến mức như vậy. Sau khi suy ngẫm thì tôi có thể lý giải như thế này. Việc đầu tiên là những năm gần đây kinh tế nước ta tăng trưởng, cuộc sống của người dân đã cải thiện rất cao. Khi đó người ta bớt lo đến cơm áo gạo tiền, mới bắt đầu quan tâm đến cuộc sống tinh thần. Nếu xâu chuỗi lại thì không phải chỉ đến 30/4, đến sự kiện của báo Nhân Dân, mà trước đó khi bảo tàng lịch sử quân sự vừa khai trương đã đông kinh khủng, trở thành một hiện tượng. Tức là rõ ràng cuộc sống đã tốt hơn nên người dân có nhu cầu về mặt tinh thần. Đây là lý do thứ nhất.
Lý do thứ hai là sự đổi mới gần đây từ lãnh đạo cấp cao của đất nước: từ chống tham nhũng cho đến cải cách thể chế, tinh giản biên chế, sáp nhập, rồi bây giờ là doanh nghiệp tư nhân. Tất cả những thay đổi đó tạo cho người dân một niềm tin về sự phát triển của đất nước. Chưa kể những thay đổi lớn nữa gần đây như: làm đường cao tốc Bắc Nam, làm sân bay Long Thành, làm sân bay T3 Tân Sơn Nhất, rồi làm cảng, siêu cảng,... Tức là người dân đang nhìn thấy đất nước thay đổi từng ngày, và có những điều làm họ tin rằng vài năm nữa, sau khi những công trình kia hoàn thành, đất nước chắc chắn sẽ khác biệt.
Ý cuối cùng là gần đây với những biến động chính trị, với những cuộc xung đột quân sự ở khắp nơi trên thế giới, gây đau thương cho nhiều quốc gia, gây bất ổn cho kinh toàn kinh tế toàn cầu. Nếu không có những sự kiện đấy, người ta cảm giác hòa bình là chuyện bình thường, hiển nhiên; nhưng khi có một đối sánh, thấy sự đau khổ của những quốc gia khác, họ mới thấy và trân trọng giá trị của hòa bình. Cộng tất cả những lý do đó lại, người dân cảm giác được những sự kiện như 30 tháng 4, sự kiện phát phụ san báo Nhân Dân, hay lịch sử quân sự là những điều đáng xem, cần phải xem và cần phải tham dự.
Hương Trang: Có thể nói thế hệ trẻ ngày nay may mắn khi không phải cầm súng, mà được dùng máy tính, cầm điện thoại, máy ảnh,... để mang tri thức, văn hoá, vẻ đẹp con người, đất nước Việt Nam ra thế giới. Ông suy nghĩ như thế nào về một thế hệ trẻ được trang bị “công nghệ số” như thế?
Ông Đỗ Cao Bảo: Có nhiều người lo ngại là thế hệ trẻ (gen Z) quá khác biệt, tôi phân tích như thế này. Thế hệ này là thế hệ của online, họ trưởng thành lên khi mạng xã hội bùng nổ, Tiktok, Youtube,...bùng nổ. Nhiều người thấy rằng chỉ cần sống trên mạng xã hội đã đủ rồi. Rất nhiều cơ quan tuyển dụng gặp khó khăn với lứa nhân viên này, họ không có nhu cầu đi làm hàng ngày, họ dễ kiếm việc nên không sợ mất việc. Họ có thể làm tiktoker, youtuber, sáng tạo nội dung, quảng cáo,... để sống. Bởi vậy nên nhiều người lo ngại. Nhưng thế hệ này có lợi thế rõ ràng là làm chủ công nghệ và tiếp cận rất nhanh với những công nghệ mới nhất. Khoảng cách của họ với thế giới về công nghệ gần như là rất ít, chưa kể khả năng hòa nhập rất tốt, và như tôi nói, họ có khát vọng, cho nên phải đặt niềm tin vào họ.
Cuộc sống có hai điều: Một bên là thay đổi nhanh chóng và bên kia là những giá trị bất biến với thời gian. Cái thay đổi nhanh chóng là công nghệ và mọi thứ gắn với công nghệ - như chúng ta đã biết. Nhưng ngược lại, có những giá trị vĩnh cửu, hàng nghìn năm vẫn không thay đổi. Ví dụ như sự trung tín, trung thực. Ba nghìn năm trước con người ta đề cao giá trị trung tín, trung thực, bây giờ vẫn vậy, gen Z vẫn phải trung tín, trung thực. Yêu thương - con người ta phải yêu thương nhau, phải tốt bụng, phải nhân từ. Và người muốn thành công phải thêm một đức tính, là hào phóng.
Thế hệ trước có nhiệm vụ là làm sao cho thế hệ Gen Z thay đổi gì thì thay đổi, mới gì thì mới nhưng phải giữ được những giá trị vĩnh cửu. Nếu chúng ta vừa thay đổi được về công nghệ, về mô hình kinh doanh, mà vẫn giữ được những giá trị bất biến đó thì chắc chắn có thể tin tưởng vào thế hệ gen Z, thế hệ tương lai của đất nước.
"Cần gìn giữ những giá trị bất biến với thời gian, ai không giữ chắc chắn không thành công được!"

Hương Trang: Nếu ông được chia sẻ với hàng triệu bạn trẻ Việt Nam, những người đang mải mê học hành, khởi nghiệp hay đơn thuần tìm kiếm một lối đi riêng – ông sẽ kể cho họ nghe điều gì từ cuộc đời mình? Một bài học từ sự nỗ lực, từ sự thất bại hay niềm tin vững chắc vào một tương lai vươn mình của dân tộc?
Ông Đỗ Cao Bảo: Tôi nghĩ với thế hệ trẻ thì việc đầu tiên là phải theo kịp dòng chảy của dân tộc. Ví dụ thời tôi là chiến dịch Hồ Chí Minh xảy ra, thì mình phải theo sự kiện đó. Đến khi đất nước đổi mới, mình theo trào lưu đổi mới. Sau đó là trào lưu ra nước ngoài toàn cầu hóa, mình cũng phải toàn cầu hóa. Phải luôn cập nhật và theo kịp dòng chảy, mỗi giai đoạn có một dòng chảy khác nhau. Trước thì theo kịp dòng chảy của dân tộc, sau đó là dòng chảy thế giới.
Thứ hai là mình phải đi tiên phong trong một lĩnh vực nào đó mà mình có sở trường. Phải đi tiên phong và trở thành người xuất sắc nhất trong lĩnh vực đó. Muốn làm được việc đó, mình phải có khát vọng lớn, kiên trì, bền bỉ, lao động với cường độ cao.
Cuối cùng, tôi nghĩ là rất quan trọng, với thế hệ bây giờ dứt khoát phải toàn cầu hóa!
Hương Trang: Thật tự hào khi có thể nói được rằng, giờ đây chúng ta đã không còn nghe thấy tiếng súng trên lãnh thổ của Việt Nam nữa. Tuy nhiên vẫn còn những mặt trận cam go không kém. Đó là mặt trận của khoa học, công nghệ, của đổi mới sáng tạo. Ở đó rất cần những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi và không bỏ cuộc vì tương lai của một dân tộc hùng cường.
Rất cảm ơn những chia sẻ của ông Đỗ Cao Bảo trong chương trình ngày hôm nay!

"Dứt khoát phải toàn cầu hóa! Phải làm gì đó để đưa được sản phẩm, dịch vụ của mình ra nước ngoài và tạo những giá trị gia tăng tốt hơn."
Doanh nhân Đỗ Cao Bảo - Ủy viên HĐQT, đồng sáng lập tập đoàn FPT.