Phát biểu tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới" do báo Dân trí tổ chức tại Hà Nội chiều 23/4, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Thị Hà cho biết, ESG đã trở thành một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, là thước đo quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quốc gia.
Các nhà đầu tư, người tiêu dùng và cộng đồng ngày càng quan tâm đến 3 yếu tố trên trong các quyết định của mình. "Doanh nghiệp nào thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG sẽ có lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư và tạo dựng được uy tín bền vững", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
![]() |
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Thị Hà. |
Thứ trưởng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện ESG, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao năng lực quản trị.
Từ chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới", lãnh đạo Bộ Nội vụ cho rằng Diễn đàn ESG Việt Nam là cơ hội tốt để các bên liên quan cùng nhau trao đổi, thảo luận về những vấn đề cấp bách.
Vấn đề đầu tiên Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề cập là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tiếp cận và triển khai ESG một cách hiệu quả? Thực tiễn cho thấy, cần có những giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện và năng lực đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp.
Thứ hai là bài toán về nguồn nhân lực. Làm thế nào để xây dựng một lực lượng lao động bền vững, có đủ kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn?
Vấn đề thứ ba là hướng đến tầm nhìn dài hạn, đặt khoa học công nghệ vào trung tâm của quản trị và phát triển bền vững. Theo Thứ trưởng, khoa học công nghệ với sức mạnh kỳ diệu sẽ là chìa khóa để mở ra một tương lai - nơi mà các vấn đề môi trường được giải quyết hiệu quả, tài nguyên được sử dụng tối ưu, và chất lượng cuộc sống được nâng cao nhờ các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Cần hình thành mạng lưới ESG nội địa
Trao đổi tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT kiến nghị Chính phủ ban hành các khung pháp lý và chuẩn ESG quốc gia, khẳng định FPT sẵn sàng đồng hành để chuẩn hóa các bộ chỉ số ESG phù hợp với Việt Nam và tiệm cận quốc tế.
![]() |
Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa. |
Song song đó, ông đề xuất thúc đẩy tài chính xanh, vốn ưu đãi cho doanh nghiệp triển khai ESG, giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại diện FPT cũng cho rằng cần hình thành mạng lưới ESG nội địa do doanh nghiệp dẫn dắt.
Đồng thời, theo ông, cần xây dựng hệ sinh thái ESG quốc gia, tích hợp ESG vào sản phẩm dịch vụ, đưa ESG vào trong giáo dục, nâng cao nhận thức về ESG. "ESG không phải là món trang sức, không phải là trào lưu mà là lợi thế", ông Khoa nói.
Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định, để cân bằng hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh áp lực ESG và chuyển đổi xanh ngày càng gia tăng, Việt Nam cần ưu tiên một số giải pháp chiến lược mang tính hệ thống.
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận bàn tròn. |
Trước tiên, cần định hình lại mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, sáng tạo và bền vững thay vì chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và xuất khẩu gia công. Trong đó, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sạch cần được xác định là động lực trọng tâm.
Thứ hai, đầu tư mạnh vào hạ tầng chuyển đổi xanh và số hóa. Điều này bao gồm mở rộng năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống giao thông thông minh, xử lý chất thải hiện đại và áp dụng công nghệ số để đo lường, quản lý dữ liệu ESG.
Cùng với đó, Việt Nam cần xây dựng khung chính sách ESG quốc gia đồng bộ, tạo nền tảng cho doanh nghiệp thực hiện, báo cáo và được hỗ trợ theo lộ trình cụ thể, tránh tình trạng "tự bơi" hoặc chạy theo tiêu chuẩn quốc tế mà thiếu hướng dẫn nội địa.
Một giải pháp không kém phần quan trọng là phát triển nguồn nhân lực xanh, thông qua đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho lao động hiện có và tích hợp nội dung phát triển bền vững vào giáo dục.
Đồng thời, cần đổi mới hệ thống tài chính theo hướng thúc đẩy tín dụng xanh, trái phiếu bền vững và quỹ đầu tư ESG để tạo nguồn lực cho doanh nghiệp, nhất là khối SME.
Cuối cùng, nâng cao năng lực thể chế và thực thi pháp luật sẽ là đòn bẩy để bảo đảm sự nhất quán, minh bạch và hiệu quả của mọi chính sách.
"Với những giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể vừa duy trì đà tăng trưởng kinh tế, vừa chuyển dịch sang một mô hình phát triển thực sự bền vững và có khả năng thích ứng cao trong tương lai", ông Nguyễn Tiến Huy nói.
![]() |
Lễ vinh danh Vietnam ESG Awards lần thứ nhất. |
Trong khuôn khổ Diễn đàn ESG Việt Nam đã diễn ra Lễ vinh danh Vietnam ESG Awards lần thứ nhất - tôn vinh 31 doanh nghiệp, đơn vị có thành tựu xuất sắc trong việc thực hiện các tiêu chí ESG.
Trong đó, 10 đơn vị được vinh danh hạng mục ESG Toàn diện (các doanh nghiệp xuất sắc nhất, hội tụ đầy đủ các giá trị Môi trường - Xã hội - Quản trị) gồm: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động; Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam; Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (Tập đoàn DIC); Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Vinfast; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB); Công ty cổ phần Điện Gia Lai.