Ðược biết, chùa hiện có một ban quản lý do một Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Tuy nhiên, ban này gần như không hoạt động mà để một người là thầy cúng (có hộ khẩu tại xã) quản lý, sử dụng. Ông thầy cúng này lại cho phép một phụ nữ khoảng 70 tuổi sinh sống trong khuôn viên chùa. Người dân quanh làng, xã muốn đến thắp hương phải được phép của thầy cúng và bà cụ trông chùa. Bà cụ này nuôi súc vật, do vậy cửa chùa hầu như đóng kín suốt ngày. Hàng chục năm nay, ngôi chùa cổ còn dấu tích những mảnh đạn pháo của giặc bắn phá trong những lần tiến công nghĩa quân Yên Thế, lâu ngày, những dấu tích này phai nhạt, gần như trở thành phế tích. Trong chùa còn một vài pho tượng do không được chăm sóc thường xuyên mạng nhện chăng đầy; dãy nhà khách, nhà trụ trì trở thành khu nhà ở nhếch nhác, bẩn thỉu; những gốc cây cổ thụ bị gỗ tạp, gạch đá chất kín chung quanh. Ngay trước sân chùa là hai ngôi miếu cô, miếu cậu do thầy cúng dựng lên để phục vụ hoạt động cúng bái. Bên ngoài khuôn viên chùa, những diện tích đất thuộc quản lý của nhà chùa (đã được cấp sổ đỏ) bị người dân chiếm dụng sử dụng trái phép hoặc cho thuê đào ao cá, trồng hoa màu...
Theo phản ánh của người dân, chùa Tứ Giáp nằm trên địa phận làng Nguộn, nhưng người dân trong làng không có vai trò, không được sử dụng cho hoạt động tâm linh chính đáng của mình. Trách nhiệm của Ban quản lý di tích cũng rất mờ nhạt và không hiệu quả. Người dân trong làng nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, song vẫn không được quan tâm giải quyết. Chùa Tứ Giáp, một di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, gắn với lịch sử đặc trưng của vùng đất Bắc Giang, lẽ nào lại bị quên lãng, trở thành hoang phế như vậy?
VIỆT DŨNG
(Bắc Giang)