Nhưng rồi chính bản thân cơ quan quản lý giáo dục cũng không khỏi cảm thấy lúng túng...
Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 7-11. Dự kiến, ngày 20-11, dự thảo về vấn đề này sẽ được công khai để lấy ý kiến đóng góp của toàn dân.
Tiểu học: cấm hay không cấm?
Trong bản dự thảo quy định này, một trong số những hành vi không được làm trong dạy thêm học thêm là “không tổ chức dạy thêm học thêm đối với HS tiểu học, kể cả trong kỳ nghỉ hè”. Nhưng nội dung này không chỉ vấp phải sự phản đối của dư luận trong thời gian qua, ngay tại cuộc họp này cũng có nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.
Ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, nhận xét: “Khi xây dựng quy định quản lý dạy thêm học thêm, nhất là đặt ra vấn đề “cấm”, cần phải tính đến nhu cầu chính đáng của HS và phụ huynh. Ở mức độ nào đó, do có cung nên có cầu, vì vậy không thể cấm được việc này”.
Cụ thể, theo ông Nghĩa, không thể cấm dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học. Nếu ban hành một quy định cứng như vậy sẽ rất khó thực thi, quản lý sau này.
Ông Nghĩa cho rằng: “Nếu các trường phổ thông quản lý tốt việc dạy và thi thì sẽ hạn chế được tình trạng ép HS học thêm. Nên chú ý tập trung đổi mới cách thi và ra đề kiểm tra, vì nếu trường có quy trình ra đề thi, kiểm tra hợp lý, chặt chẽ sẽ không thể xảy ra việc giáo viên có thể ép HS đi học thêm, tạo “lợi thế” cho những HS có đi học thêm trong kiểm tra, đánh giá bằng việc ra đề kiểm tra vào phần học thêm hay ôn luyện trước”. Ông Nghĩa kết luận: Nếu chỉ tập trung quản lý dạy thêm học thêm bằng những quy định cấm thì mới chỉ giải quyết được phần “ngọn”.
Nhưng với góc độ là người trực tiếp quản lý bậc học, ông Trịnh Quốc Thái - vụ trưởng Vụ Tiểu học - bày tỏ sự ủng hộ quan điểm “không dạy thêm học thêm với bậc tiểu học”, tuy nhiên ông đề nghị phải bổ sung cụm từ “có thu tiền”.
Theo ông Thái, nếu dạy thêm học thêm không thu tiền, mang tính chất phụ đạo, kèm thêm cho HS yếu kém hay bồi dưỡng cho HS giỏi thì không cần phải cấm. Còn nếu đã dạy thêm có thu tiền, ở bậc tiểu học cần cấm tuyệt đối, nhất là đối với HS đã học hai buổi/ngày. “Không thể có chuyện HS tiểu học đã học cả ngày ở trường, tối lại đến nhà cô học thêm nữa” - ông Thái tỏ ra cứng rắn.
Không nên cấm GV dạy thêm HS của mình?
Dự thảo quy định “Giáo viên không mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường cho HS do chính mình đang dạy chính khóa” đã vấp phải sự phản đối của các sở Giáo dục và Đào tạo.
Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc: “Cần xem xét lại quy định này vì nếu HS thấy thầy giỏi muốn học mà cấm thì bất hợp lý. Hơn nữa, người dạy mới hiểu HS mình nhất, mới biết học trò mình cần bổ sung, rèn luyện thêm nội dung gì”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng, đây là một vấn đề nên thảo luận kỹ và lấy thêm nhiều ý kiến góp ý, nếu thật sự thấy bất hợp lý thì cần kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi để quy định quản lý dạy thêm học thêm thật sự phù hợp với thực tiễn, thực thi một cách hiệu quả. “Cá nhân tôi cũng thấy quy định này không hợp lý” - ông Vọng nói.
Các đại biểu cũng chỉ ra hàng loạt nội dung chưa hợp lý khác, chưa bao quát thực tế của dự thảo quy định quản lý dạy thêm học thêm. Ông Ngô Kim Khôi, phó vụ trưởng Vụ Đại học và Sau Đại học, cho rằng khi đề cập đến dạy thêm ngoài nhà trường quy định còn thiếu chưa tính đến luyện thi ĐH. Các quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận, quản lý, giám sát và xử lý vi phạm cần phải rõ hơn đầu mối là cơ quan quản lý hành chính nhà nước hay ngành giáo dục...
Đánh giá lại những nội dung thảo luận, ông Vọng khẳng định bộ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh bản dự thảo và sớm đưa ra công bố công khai lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của toàn xã hội trước khi chính thức ban hành vào cuối tháng mười hai tới. Bộ sẽ quản lý dạy thêm học thêm theo quan điểm sẽ làm rõ những hiện tượng không chính đáng (như ép buộc HS trực tiếp hoặc gián tiếp, bằng thi cử, kiểm tra bằng bài “tủ”, cắt xén chương trình chính khóa, hay ra nhiều bài tập gây áp lực buộc HS phải HT...). Mặt khác cũng sẽ đề cập đến khía cạnh vai trò của các bậc phụ huynh: không ít phụ huynh do nhận thức chưa đầy đủ cũng ép buộc con em phải HT, đòi hỏi HS đạt được những kết quả vượt quá năng lực của bản thân các em.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng: “Năm nguyên tắc quản lý dạy thêm học thêm: phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, đúng đối tượng, phù hợp đặc điểm tâm sinh lý người học, nội dung, phương pháp giảng dạy, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông..., được phép và tuân thủ các quy định của cơ quan có thẩm quyền, hài hòa giữa lợi ích của người dạy, người học và xã hội, khuyến khích dạy thêm không thu tiền”.