Trong những năm gần đây, nguồn nhân lực ở TP Hồ Chí Minh đã có nhiều biến đổi cả về số lượng, cơ cấu lẫn chất lượng. Trước hết, nguồn nhân lực đã tăng một cách đáng kể. Số người trong độ tuổi lao động có xu hướng tăng trong cơ cấu dân số thành phố từ 62% năm 1995 lên 66% hiện nay (trong đó hơn 800 nghìn lao động từ địa phương khác đến); hơn 98% số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, thực tế có 65% lao động đang làm việc, 10% số học sinh đang đi học, khoảng 23% làm nội trợ và chưa tham gia lao động.
Về chất lượng lao động, có 16,6% số lao động có bằng cấp, 83,3% không có bằng cấp. Trong số lao động có bằng cấp thì 52,2% trình độ đại học, trên đại học, 20,4% trình độ trung học chuyên nghiệp và 27,3% có trình độ công nhân kỹ thuật nghiệp vụ.
Ðào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ hàng đầu, làm nền tảng trong quá trình phát triển đi lên của TP Hồ Chí Minh, là đòi hỏi ngày càng cấp thiết.
Do đó mấy năm qua thành phố đã có chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ, chương trình đào tạo một nghìn giám đốc doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, phấn đấu 40% số lao động qua đào tạo.
Phát triển nguồn nhân lực, thực chất là phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo. TP Hồ Chí Minh hiện nay có 46 trường và phân hiệu đại học - cao đẳng (ÐH, CÐ), chiếm 29% số trường ÐH, CÐ cả nước, thu hút hơn 300 nghìn học sinh, với 60 ngành nghề khác nhau, hằng năm ra trường gần 46 nghìn sinh viên. Nếu chỉ tính 50% số học sinh tìm được việc làm thì mỗi năm thành phố có 23 nghìn lao động trình độ ÐH, CÐ chiếm 12% số lượng lao động giải quyết việc làm.
Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện có 28 trường trung học chuyên nghiệp đào tạo kỹ thuật viên trung cấp, công nhân kỹ thuật bậc 3 trở lên, mỗi năm tuyển sinh khoảng 20 nghìn học sinh. Hoạt động dạy nghề cũng khá phong phú. Hiện có 250 cơ sở dạy nghề với quy mô đào tạo 237 nghìn học viên, trong đó đào tạo dài hạn (công nhân kỹ thuật) chiếm 11%, đào tạo ngắn hạn (dưới 12 tháng) chiếm 89%.
Tiềm lực hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng khá lớn. Hiện có 130 cơ sở hoạt động KHCN, trong đó 87% số đơn vị và 90% số lao động thuộc địa phương quản lý. Thành phố có 228.789 người có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên (4,6% dân số) trong đó 2.754 tiến sĩ, 4.447 thạc sĩ.
Nhưng trên thực tế, nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực ở TP Hồ Chí Minh đang bộc lộ những bất cập. Ðó là mất cân đối nghiêm trọng cả về cơ cấu ngành nghề và chất lượng nguồn nhân lực. Tỷ lệ người thất nghiệp chiếm khá cao trong lực lượng lao động của thành phố, trong khi nhu cầu nhân lực cho xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng vẫn chưa đáp ứng đủ.
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2001 đến năm 2005 nhu cầu lao động kỹ thuật cần hơn 713 nghìn lao động. Nếu tính cả lao động phổ thông thì năm năm (2001 - 2005) cần 1,1 triệu lao động. Nghĩa là mỗi năm cần 200 nghìn người, trong đó 143 nghìn lao động kỹ thuật. Vậy mà, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao (70%), 250 nghìn người mỗi năm. Chính sự mất cân đối này đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nếu không sớm khắc phục thì sự mất cân đối ngày càng trầm trọng thêm.
Nguồn nhân lực (đặc biệt là nguồn nhân lực khoa học và công nghệ) còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa cập nhật tri thức hiện đại. Cơ cấu nguồn nhân lực chưa hợp lý, thiếu cán bộ trung cấp và công nhân kỹ thuật, đặc biệt là thiếu công nhân lành nghề bậc cao. Trên thị trường lao động hiện nay đang khan hiếm nguồn nhân lực cao cấp, công nhân kỹ thuật có tay nghề bậc cao, các chuyên gia giỏi về kinh tế, các nhà doanh nghiệp giỏi nhằm giải quyết những bức xúc của kinh tế - xã hội thành phố. Nhiều ngành đã bão hòa mà vẫn đào tạo. Trong khi đó nhiều ngành không tuyển đủ lao động. Ðó là những ngành đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn như: tự động hóa, công nghệ vật liệu mới và công nghệ sinh học...
Do thiếu quy hoạch hệ thống đào tạo nghề, cho nên đào tạo nghề hiện nay hầu như tự phát. Cơ cấu ngành nghề và dạy nghề mất cân đối, phân tán, chưa gắn kết với nhu cầu thực tế của thành phố, không đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Số lượng trường dạy nghề có nhiều nhưng quy mô nhỏ, 98% là hình thức đào tạo "ăn xổi" (đào tạo vài tháng). Hiện nay ở TP Hồ Chí Minh cơ cấu đào tạo như sau: cứ một người tốt nghiệp đại học, cao đẳng thì có 0,6 trung học chuyên nghiệp và 0,07 trung học nghề chính quy. Chẳng những thế, việc đào tạo lại tay nghề cho công nhân hầu như cũng thả nổi.
Hằng năm, toàn TP Hồ Chí Minh chỉ có khoảng 53 nghìn công nhân được đào tạo lại, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với gần ba triệu lao động đang làm việc.
Ðào tạo nghề chưa thích ứng với thị trường lao động. Chưa có chính sách thu hút trọng dụng người tài, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng lành mạnh. Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, hằng năm số lao động tốt nghiệp đại học "thất nghiệp" từ tám nghìn đến mười nghìn người. Vì số sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động chỉ chiếm 25%. Qua điều tra cho thấy, sinh viên khi tốt nghiệp phải đào tạo bổ sung (57%); hơn 70% số học sinh tốt nghiệp loại xuất sắc, đều làm việc cho công ty nước ngoài. Hiện nay, các công ty nước ngoài tài trợ học bổng cho sinh viên giỏi đang học, trường dạy nghề nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao đang được các doanh nghiệp săn lùng.
Ðẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từ năm 1993 TP Hồ Chí Minh đã quy hoạch hệ thống các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) làm hạt nhân chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố. Bên cạnh những thành tựu thì cũng phải thừa nhận rằng việc cung ứng lao động chưa theo kịp sự phát triển KCN - KCX. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của các KCN - KCX cả về số lượng và chất lượng, lạc hậu so với các nước trong khu vực.
TP Hồ Chí Minh hiện có 13 vạn lao động (60 - 70% là lao động từ các địa phương khác đến) trực tiếp tại các KCN - KCX trong đó đại học 4,5%, kỹ thuật viên 4,5%, công nhân qua đào tạo 20%, lao động giản đơn 70%. Rất thiếu lao động kỹ thuật, có tay nghề. Năm 2004 các KCN - KCX cần tuyển 20 nghìn lao động nhưng chỉ được đáp ứng 50%. Dự báo về nhu cầu lao động của các KCN - KCX thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2005 - 2010 là 524 nghìn lao động. Ðến hết năm 2005, thành phố có 15 KCN - KCX, trong đó 70 - 80% dự án đi vào hoạt động, thu hút 250 nghìn lao động, số lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng 20 - 30%.
Từ đầu năm 2005 đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn thiếu lao động. Trung tâm việc làm quận 5 cần tuyển dụng cho doanh nghiệp một nghìn lao động nhưng chỉ tuyển được 20 người. Trung tâm Vinhempich cần tuyển mười nghìn lao động nhưng chỉ tuyển được 10%. Lao động trình độ cao khá hiếm. Vừa qua, Công ty phát triển nhân lực AQL có chín đơn vị tuyển lao động với 22 vị trí quản lý cao cấp. Công ty NetViet cần tuyển sáu vị trí chuyên môn cao nhưng hai công ty này chỉ tuyển được 30 - 35% số người so với nhu cầu. Khi các dự án công nghệ cao hoạt động thì việc đáp ứng nguồn lao động tại chỗ càng khó.
TP Hồ Chí Minh có tiềm năng phát triển công nghiệp phần mềm (CNPM). TP Hồ Chí Minh hiện có 650 công ty phần mềm đang hoạt động với lực lượng lao động 20 nghìn người. Nhu cầu về nguồn nhân lực CNPM rất lớn nhưng một trong những khó khăn nhất hiện nay là trình độ nguồn nhân lực cho CNPM còn quá thấp. Hầu hết các khoa công nghệ thông tin ở các trường ÐH, CÐ hiện nay trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng nhu cầu cả số lượng, chất lượng cho thị trường về lao động CNPM.
Thực tế đang đòi hỏi thành phố phải có giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. TP Hồ Chí Minh đã có một số biện pháp mở rộng về số lượng, nâng cao về chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Ðào tạo nghề phải gắn với nhu cầu sử dụng. Do vậy cơ quan quản lý nhà nước có vai trò dự báo cung - cầu, dự báo xu thế phát triển lao động, nhu cầu của ngành nghề kinh tế, khu vực doanh nghiệp. Trên cơ sở đó tạo ra các chính sách giải quyết việc làm, đào tạo nghề phù hợp, hiệu quả. Nhà nước cần tăng đầu tư và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo, đào tạo lại tay nghề công nhân. Làm việc với doanh nghiệp để nắm rõ điều kiện tuyển dụng, độ tuổi lao động để nhiều lao động tại chỗ có cơ hội làm việc.
Ðể ổn định lực lượng lao động, khắc phục tình trạng người lao động bỏ việc về quê như vừa qua, các doanh nghiệp cần có chính sách lương, phụ cấp thỏa đáng, cải thiện điều kiện làm việc, đặc biệt là tham gia đầu tư xây nhà cho công nhân thuê, ổn định cuộc sống người lao động. Do thị trường lao động mới hình thành, cấp vĩ mô lại chưa có cơ quan quản lý, chỉ đạo, điều hành quốc gia về phát triển nguồn nhân lực nên công tác đào tạo nguồn nhân lực ở TP Hồ Chí Minh lâu nay chưa bám sát vào cơ cấu lao động. Khắc phục tình trạng này thành phố đã xây dựng đề án mang tính chiến lược đào tạo và quản lý nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu và đòi hỏi của thị trường lao động nói riêng, của toàn bộ nền kinh tế nói chung, trong đó chú trọng rõ phát triển nguồn nhân lực bám sát thị trường lao động. Có chính sách đào tạo và sử dụng phù hợp nguồn nhân lực tạo động lực cho người lao động cống hiến, đặc biệt là sớm có chính sách trọng dụng nhân tài.
Ðể làm tốt việc đào tạo nguồn nhân lực thì trước hết cần chú trọng tạo bước đột phá về đào tạo nghề, cả về số lượng lẫn chất lượng. Giải pháp vừa cấp bách vừa cơ bản là phát triển một hệ thống đào tạo đội ngũ lao động đông đảo, có trình độ cần thiết, theo cơ cấu hợp lý, có khả năng thích ứng với công nghệ mới, cập nhật các kiến thức kỹ năng cần thiết, trong đó các trường đào tạo nghề đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tăng tỷ lệ thanh niên trẻ học nghề, phấn đấu thực hiện mục tiêu mười lao động kỹ thuật trên một lao động có trình độ đại học. Muốn vậy phải ưu tiên dạy nghề, đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề. Có trường trọng điểm chất lượng cao. Nhà nước cần ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế, tạo quỹ đất xây trường dạy nghề.
Trong quá trình đô thị hóa và phát triển khu công nghiệp, hằng năm các huyện ngoại thành của thành phố mất đi hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp. Lao động việc làm cho nông dân nhất là thanh niên nông thôn đã trở thành vấn đề mang tính cấp bách trong đời sống xã hội. Vì thế cần phát triển mạnh các trung tâm dạy nghề phù hợp lao động nông nghiệp và giúp thanh niên nông thôn chuyển sang ngành nghề mới có thu nhập cao hơn, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động ở các huyện ngoại thành.
Dự báo nhu cầu lao động các KCN - KCX ở thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2005 - 2010 gấp 5 lần hiện tại, tăng 15%/năm. Số lao động tuyển dụng qua các cơ sở đào tạo bên ngoài chỉ có thể đáp ứng 25%. Số còn lại doanh nghiệp phải tự đào tạo. Do đó cần có chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trung tâm dạy nghề chuyên nghiệp trong KCN - KCX. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức đào tạo lao động tại xí nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động hợp lý, tăng hàm lượng chất xám trong lao động, tái đào tạo nguồn nhân lực hướng đến bền vững.
Ở TP Hồ Chí Minh, các dự án có hàm lượng công nghệ cao đang gia tăng, đòi hỏi một số lượng lao động có trình độ trung cao cấp khá lớn. Do đó, thành phố cần có giải pháp tổng hợp vừa nhanh chóng đào tạo, vừa có chính sách thu hút lao động có trình độ cao, tay nghề cao. Cần có trường đào tạo nhân lực chất lượng cao với đủ năng lực, trình độ giảng dạy, thực tập, trang thiết bị thực hành phù hợp công nghệ trình độ cao, tiên tiến của khu vực và thế giới. Trong khi ít có trường dạy nghề nào có đủ điều kiện như vậy thì phương thức đào tạo tại doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dưới sự đào tạo của chuyên gia nước ngoài) là quá trình tất yếu, là con đường ngắn nhất để đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao.
Ðể duy trì việc đào tạo và đào tạo lại nghề một cách thường xuyên cần phải có sự đầu tư tài chính thỏa đáng, có sự liên kết đào tạo. Cho nên, cần hình thành Quỹ hỗ trợ đào tạo nghề. Mô hình này sẽ huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội, trong đó có đóng góp của doanh nghiệp nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác đào tạo nghề.