Đã 63 năm kể từ Ngày Bác Hồ ra thăm đảo, Cô Tô đang nỗ lực hướng tới trở thành một huyện phát triển năng động, một trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và chiến lược biển cả nước nói chung; quyết tâm hướng đến là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia hiện đại, xứng đáng là đảo ngọc ở vùng Đông Bắc Tổ quốc như Bác Hồ từng mong muốn.
Đổi thay từ những quyết sách đúng
Có thể khẳng định, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Cô Tô đã luôn chủ động, sáng tạo, có quyết sách phù hợp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Từ một huyện đảo nghèo, kinh tế chậm phát triển, thiếu thốn mọi bề, đến nay Cô Tô đã có điện lưới quốc gia, nước ngọt, hệ thống tàu khách, tàu vận tải phát triển đã rút ngắn khoảng cách từ đất liền ra đảo. Đặc biệt, tháng 7/2023, tuyến bay thương mại bằng thủy phi cơ kết nối từ đảo Tuần Châu, thành phố Hạ Long ra Cô Tô đã chính thức khai thác chở khách du lịch với thời gian chưa đến 20 phút bay, tạo tiền đề để Cô Tô trở thành một phần “vùng động lực” theo định hướng tổ chức mở rộng không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh hướng đến.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì ở mức cao, từ 15-16%/năm; đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch đúng hướng mạnh mẽ sang ngành dịch vụ du lịch. Đặc biệt, kinh tế biển được đầu tư phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện theo hướng bền vững gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khuyến khích hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
An sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng giáo dục-đào tạo và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đến nay, toàn huyện không còn hộ nghèo, 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; tất cả các đảo và vùng biển được phủ sóng di động 3G, 4G, 5G. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được thực hiện tốt, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biển đảo được giữ vững. Cô Tô tiếp tục giữ vững hình ảnh địa phương 5 không (không còn hộ nghèo, không người ăn xin, không ma túy, không trộm cắp, không tệ nạn xã hội) và phấn đấu hướng tới mục tiêu “Cô Tô không tội phạm, không rác thải nhựa”.
Anh Nguyễn Văn Hưng ở thị trấn Cô Tô phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng tự hào bởi mình được sinh sống và làm việc trên hòn đảo tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc. Chúng tôi luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, đoàn kết xây dựng Cô Tô ngày càng phát triển, xứng đáng là đảo ngọc tỏa sáng nơi biển trời Đông Bắc.
Sự đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị được phát huy đã tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền từng bước được nâng lên. Vai trò của mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội được khẳng định đã góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của huyện. Năm 2015, huyện Cô Tô được Chính phủ công nhận là huyện đảo đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước.
Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện ước đạt hơn 5.300 USD (tương đương 130 triệu đồng/năm). Du lịch, dịch vụ có sự phát triển vượt bậc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế. Những năm gần đây, huyện luôn đón hơn 300 nghìn khách mỗi năm. Cô Tô hiện nay đang được coi là điểm du lịch hấp dẫn, đáng đến trong hành trình du lịch Hạ Long - Quảng Ninh.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng cho biết: Huyện xác định mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030 xây dựng Cô Tô trở thành một huyện đảo phát triển năng động, một trọng điểm phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và chiến lược biển cả nước nói chung, trước mắt huyện tập trung triển khai đồng bộ quy hoạch gắn với quản lý đất đai, trật tự đô thị, môi trường; thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, triển khai số hóa thông tin du lịch, xây dựng đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch thông minh; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp du lịch khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc để thu hút du khách đến với Cô Tô.
Vì một Cô Tô xanh
Đề án 175 “Huyện đảo Cô Tô không rác thải nhựa” qua gần 2 năm thực hiện đã cho thấy những kết quả hết sức tích cực, từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa trên địa bàn huyện. Đề án đã lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, từ các tiểu thương cho tới các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các phương tiện vận chuyển khách du lịch cả đường bộ và đường thủy trên địa bàn. Túi ni-lông và đồ nhựa dùng một lần từng bước được thay thế bằng các sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, dễ phân hủy hoặc các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần; tiến tới việc “nói không” với rác thải nhựa.
Nhờ đó, môi trường và hệ sinh thái biển của khu vực Cô Tô đã được cải thiện rõ rệt, minh chứng bằng việc quay trở lại với số lượng lớn và tần suất dày đặc của nhiều loài động vật như rùa biển, cá voi, cá heo, chim hải âu… Có thể thấy, Đề án 175 của huyện Cô Tô đã tạo nên tiếng vang lớn, trở thành mô hình để các địa phương khác học tập, áp dụng; thu hút được sự chú ý của truyền thông trong và ngoài nước; góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Cô Tô thân thiện, bền vững.
Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin-Du lịch huyện Cô Tô Nguyễn Hải Linh cho biết: Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng tới phát triển du lịch xanh và bền vững, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, người kinh doanh dịch vụ du lịch về phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh thái, tái tạo lại các rạn san hô, hạn chế sử dụng túi ni-lông và đồ nhựa dùng một lần, tiết kiệm điện, nước; thực hiện ứng xử văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch, hướng tới mỗi người dân là một đại sứ du lịch Cô Tô để thu hút ngày càng đông du khách đến với đảo ngọc. Cùng với phát triển kinh tế, du lịch, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Đảo ngọc Cô Tô hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, ngày càng trù phú, giàu đẹp. Đây là thành quả thấm đẫm mồ hôi của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, đã đoàn kết một lòng, khắc ghi và làm theo lời dặn của Bác, xây dựng hòn đảo tiền tiêu trở thành phên dậu vững chắc và thật sự tỏa sáng nơi Đông Bắc của Tổ quốc.