Vào lễ hội tháng Giêng hay các dịp lễ, Tết, các bản làng người Lô Lô đen ở Cao Bằng lại rộn rã tiếng hát giao duyên và các trò chơi dân gian đặc sắc. Trong đó, “Đánh yến” không chỉ là thú vui giải trí mà còn mang ý nghĩa tín ngưỡng, gửi gắm mong muốn âm dương hòa hợp, mùa màng bội thu, cuộc sống may mắn.

Người Lô Lô đen, một nhóm thuộc dân tộc Lô Lô (dân số dưới 10 nghìn người), sinh sống chủ yếu ở các xã: Hồng Trị, Kim Cúc, Cô Ba (huyện Bảo Lạc) và Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm) của tỉnh Cao Bằng. Đối với họ, trò chơi dân gian như Đánh yến là cách gắn kết cộng đồng, tăng cường tinh thần đoàn kết. Trò chơi này thường được tổ chức trong lễ hội mùa xuân, khi đó thanh niên bản này xúng xính rủ nhau sang bản khác tham gia.

Ông Nông Văn Thang, người dân xóm Cà Pẻn A, xã Đức Hạnh kể: “Đánh yến thường chơi theo cặp hoặc nhóm, phổ biến nhất là hai người đối diện nhau”. Cách chơi đòi hỏi sự khéo léo và phối hợp nhịp nhàng. Người chơi đứng cách nhau một khoảng nhất định, dùng bàn tay đánh quả yến qua lại trong không trung. Động tác đánh cần chính xác để quả yến bay ổn định, không rơi xuống đất.

Khi chơi theo cặp, hai người phải quan sát và di chuyển linh hoạt, vừa giữ nhịp vừa điều chỉnh lực đánh sao cho quả yến bay xa hay gần tùy ý. Nếu chơi theo nhóm, các thành viên thường chia thành hai bên, luân phiên đánh quả yến qua lại, tạo nên không khí sôi động và vui vẻ.

Trò chơi không chỉ thử thách kỹ năng mà còn thể hiện sự ăn ý, tinh thần đồng đội giữa những người tham gia. Quả yến được làm từ mo tre, ống tre, lông gà trống, với đế hình tròn hoặc vuông, thân gắn năm chiếc lông vào ống tre nhỏ cao khoảng 1,5cm. Để cho quả yến đẹp, lông gà phải được chọn từ con gà trống hoặc gà lôi rừng có hoa. Mo tre làm quả yến được cắt tròn, đường kính khoảng 3 cm, kẹp giữa 2 miếng mo tre là một đồng xu để quả cầu có trọng lượng. Vật liệu tạo nên quả yến rất quan trọng, để tạo nên sự cân bằng và khả năng điều chỉnh của quả yến theo ý muốn người chơi khi được đánh lên không trung.

Hấp dẫn là vậy nhưng thực tế, Đánh yến từng đối mặt nguy cơ mai một do sự biến chuyển mạnh mẽ của xã hội hiện đại. Sự phát triển của các hình thức giải trí mới đã thu hút sự chú ý của giới trẻ, khiến họ dần xa rời trò chơi dân gian truyền thống. Áp lực mưu sinh ở vùng cao cũng làm giảm thời gian dành cho các hoạt động cộng đồng như Đánh yến.

Việc chế tác quả yến đòi hỏi sự tỉ mỉ, từ chọn vật liệu như mo tre, lông gà trống đến kỹ thuật tạo sự cân bằng, nhưng thế hệ trẻ ngày nay ít người còn quan tâm học hỏi kỹ năng này từ cha ông. Hiện nay, còn rất ít người biết chơi trò đánh yến, chủ yếu là những người lớn tuổi, trung niên; thế hệ trẻ phần lớn không biết đến trò chơi này, do vậy công tác bảo tồn, phát triển môn đánh yến tại địa phương là việc cần thiết.

Sự đứt gãy trong truyền dạy giữa các thế hệ càng khiến Đánh yến đứng trước nguy cơ thất truyền. Hệ quả là trò chơi dần trở nên xa lạ với thanh niên, chỉ còn phổ biến ở người lớn tuổi - những người từng gắn bó với Đánh yến trong suốt ký ức tuổi thơ.

Người dân Lô Lô đen chế tác quả yến.

Người dân Lô Lô đen chế tác quả yến.

Từ ngày 26 đến 28/11/2024, Đoàn công tác Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu về môn đánh yến tại các xóm: Cà Mèng, Cà Pẻn A, Cà Pẻn B, Cà Đổng, xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm) và khảo sát xin ý kiến bằng phiếu điều tra nhân dân tại địa phương. Qua khảo sát, 100% người tham gia đồng ý rằng việc phát triển môn thể thao đánh yến dân tộc là cần thiết để gìn giữ văn hóa truyền thống, phù hợp gắn với phát triển du lịch.

-Báo Cao Bằng-

Trước thực tế này, Sở Văn hóa, Thế thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng đã triển khai khảo sát, xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển môn Đánh yến vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Bảo Lâm gắn với phát triển du lịch.

Đồng chí Ngọc Văn Chắn, Phó Giám đốc Sở, cho biết: “Đánh yến dễ chơi, mang tính giải trí và đoàn kết, rất phù hợp để phát triển du lịch. Du khách có thể trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa bản địa thông qua trải nghiệm trò chơi ở các lễ hội”.

Trong thời gian tới, Đánh yến dự kiến được đưa vào thường xuyên ở lễ hội truyền thống ở các huyện, thị xã và tích hợp vào chương trình ngoại khóa tại trường học, giúp môn thể thao truyền thống của người Lô Lô đến gần hơn với thế hệ trẻ.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị, địa phương chú trọng vai trò nòng cốt của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trong việc phát huy giá trị các trò chơi dân gian nói chung, cũng như trò chơi Đánh yến nói riêng. Bảo tồn Đánh yến cũng là góp phần làm phong phú, sống động nền văn hóa của đồng bào người dân tộc thiểu số, cũng như thực hiện hiệu quả Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Trang phục của người Lô Lô đen thì có màu đen làm chủ đạo.

Trang phục của người Lô Lô đen thì có màu đen làm chủ đạo.

Bảo Lâm là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng, vì vậy cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục, đặc biệt là các sân chơi còn nhiều thiếu thốn. Vì thế, việc đưa trò chơi dân gian Đánh yến vào trường học sẽ giúp các em học sinh được vận động, thư giãn cho đôi mắt; chạy nhảy, nô đùa, reo hò làm tinh thần sảng khoái và phấn chấn, rèn luyện thể chất, sự khéo léo, trở nên nhanh nhẹn hoạt bát...

Một ưu thế của Đánh yến là có thể phù hợp với tất cả những ai muốn chơi, không quy định số người chơi nhất định. Vì vậy các em tham gia chơi càng đông càng vui. Trong khi chơi, mọi em đều bình đẳng như nhau; nếu em nào chơi không đúng luật, chen lấn các bạn khác sẽ bị tập thể phê bình, từ đó giáo dục các em tính kỷ luật, kỷ cương, tự trọng và trung thực, qua đó tinh thần đoàn kết, tập thể của các trẻ được nâng lên.

Đối với học sinh, trò chơi dân gian là một trong những yếu tố hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc, là “nguồn sữa” nuôi dưỡng thế giới tinh thần, là nhịp cầu nối các em với mọi bài học về cuộc sống xã hội bởi vì nó có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ nhất đối với các em. Thông qua trò chơi dân gian, các em cũng được giáo dục về truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đem lại một không khí mới, làm cho trường học rộn ràng hơn, vui vẻ hơn, sôi động hơn trong những buổi học chính khóa và ngoại khóa; hướng học sinh đến nét đẹp Chân-Thiện-Mỹ.

Cô giáo Hoàng Thị Tươi, giáo viên Trường tiểu học Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, cho biết: “Đánh yến vừa là trò chơi thi đấu dân gian, nhưng cũng là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, mang lại niềm vui, sự hứng khởi, tạo cơ hội cho học sinh giao lưu, xích lại gần nhau, tăng cường tính tập thể và tinh thần đoàn kết. Việc dạy Đánh yến trong giờ ngoại khóa cho học sinh bản địa là rất cần thiết để các em có ý thức giữ gìn nguồn cội quê hương, dân tộc. Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh sẽ giúp các em thêm hào hứng để học tập và sống hồn nhiên hơn. Hơn nữa, việc vui chơi lành mạnh còn tạo ra nhiều đức tính tốt đẹp, hạn chế những tật xấu, đồng thời rèn luyện thể chất và tâm hồn các em theo chiều hướng tốt hơn. Vì vậy, Các bạn nhỏ rất hào hứng khi trải nghiệm học chơi Đánh yến, các bậc cha mẹ học sinh cũng dành thời gian để tư vấn, trao đổi kinh nghiệm về cách chơi cùng thầy cô và các em”.

Có thể nói, Đánh yến không đơn thuần là một trò chơi giao duyên truyền thống mà còn là một loại hình hoạt động mang đậm dấu ấn văn hóa-thể thao vô cùng độc đáo của người Lô Lô.

Chơi Đánh yến cũng là cách để thế hệ sau gìn giữ và phát huy phong tục tập quán đẹp đẽ của địa phương mình; từ đó làm đa dạng hơn các hoạt động sinh hoạt văn hóa của quê hương; đồng thời, giúp người trẻ hiểu sâu hơn về những giá trị tinh thần của dân tộc; nâng cao nhận thức, ý thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa mà cha ông ta để lại; qua đó, tô điểm thêm nét đặc sắc của các trò chơi dân gian trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy loại hình trò chơi dân gian này còn góp phần thu hút khách du lịch, đưa Đánh yến trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

Ngày xuất bản: 15/4/2025
Tổ chức thực hiện: Hồng Minh
Nội dung: Phong Vũ
Trình bày-đồ họa: Phùng Trang
Ảnh: Phong Vũ; Thành Đạt