Câu chuyện hòa bình
Những ngày cuối tháng 4/1975, nhà tù Côn Đảo xuất hiện nhiều “hiện tượng lạ”. Các cửa trại luôn đóng kín, tù nhân không được ra tắm hay phơi nắng như mọi khi, các hoạt động bị đình chỉ, không khí im ắng đến nghẹt thở. Từ sau ngày 20/4, qua chiếc radio nhỏ giấu kín trong trại, bà Khánh cùng các cô, các chị tù chính trị nghe ngóng được tin giải phóng tại nhiều tỉnh, thành phố, lòng khấp khởi. Mọi người nhìn nhau, khẽ gật đầu, mừng thầm vì biết ngày chiến thắng không còn xa. Thế nhưng, sau khi đón tin giải phóng từ Long Khánh, cả trại rơi vào tình trạng “mù” tin tức do chiếc radio duy nhất đã bị cai ngục tịch thu. Tiếp đó, mấy ngày liền, tiếng máy bay gầm vang, mọi người nhìn nhau, đoán già đoán non, không biết tình hình đang diễn tiến như thế nào.
Đến ngày 27/4, thấy cai ngục giao người gài lựu đạn và mìn chung quanh trại với chủ trương “Tiêu diệt hết”, lực lượng tù chính trị nữ chuẩn bị mọi thứ, sẵn sàng đương đầu với tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Cứ 4-5 giờ sáng, các cô, các chị gọi nhau thức dậy, quần áo chỉnh tề. Khi ấy, người nào cũng thủ sẵn hai bộ đồ bên người, để nếu chẳng may bị tách ra, đưa đi giam cầm nơi khác còn có đồ mà thay. Kinh nghiệm sống và cả kinh nghiệm chết sao cho “ngẩng cao đầu” được lớp trước chia sẻ với lớp sau. Mọi thứ sẵn sàng. “Chúng tôi nói với nhau rằng, mình chiến đấu và bị bắt thì đã xác định một là chết, hai là sống và trở về thật đàng hoàng. Thế nên bây giờ dù chúng có hủy diệt hay điều gì xảy ra khiến mình phải chết thì cũng cố gắng chết cho đàng hoàng. Chết trong tư thế của người chiến thắng, không để mình chết trong sợ hãi”, bà Khánh nhắc lại chuyện của 50 năm về trước.
Ngày 30/4, chẳng thấy bóng quản lý chủ chốt nào, chỉ còn vài trại trưởng giam đi tới đi lui. Tù nhân các trại bị bỏ đói. Khuya 30/4, rạng sáng 1/5, sau các trại nam, toàn bộ tù chính trị tại ba trại nữ được giải thoát. Ngay trong ngày 1/5, Ủy ban Hòa hợp giải phóng dân tộc tỉnh Côn Sơn được thành lập, nắm các việc chủ chốt như an ninh, quân sự, thông tin, kinh tế. Các lực lượng được phân công nhiệm vụ, vừa chuẩn bị cho lễ mừng chiến thắng, vừa chăm lo đời sống cho các cựu tù, vừa chuẩn bị phòng thủ để chủ động ngay cả khi địch tái chiếm Côn Đảo. Đào hầm dọc theo bờ biển, phân công lực lượng chiếm núi Thánh Giá, sân bay Cỏ Ống và rải rác lực lượng tại các mục tiêu quân sự quan trọng, cựu tù chia nhau từng nhiệm vụ.
Những ngày đặc biệt ấy, nữ cựu tù như bà Khánh lo công tác hậu cần, bếp núc. Các cô, các chị khẩn trương may ruột tượng (túi vải đựng gạo) rồi dồn gạo thật đầy vào trong, chuyển đến các căn cứ. Bà Khánh kể, giọng vẫn chưa hết ngạc nhiên, chẳng biết thời điểm đấy cựu tù lấy đâu ra nhiều sức lực như thế vì trước đó bị hành hạ, uy hiếp, bỏ đói. Việc gì cũng đến tay, chẳng thấy ai than mệt. Mọi người tìm bạn bè, người thân, tranh thủ thăm hỏi đôi câu rồi tiếp tục các phần việc do ủy ban giao phó. Mừng giải phóng nhưng chẳng thể chủ quan. Họ dặn nhau cảnh giác cao độ, phải đợi ngày quân giải phóng đến đảo, chờ cờ giải phóng, cờ đỏ sao vàng tung bay thì mới ngủ tròn giấc.
Rồi ngày mong đợi cũng đến. Sáng 4/5/1975, khi thấy tàu rồi lính hải quân của ta, cả Côn Đảo rộn ràng tiếng hò reo, vỗ tay. Từ cầu tàu 914, lực lượng hải quân từ từ tiến vào. Các chiến sĩ trịnh trọng khiêng ảnh Bác Hồ, cờ giải phóng, cờ đỏ sao vàng trên chiếc kiệu tự chế, tất cả cựu tù rơi nước mắt, hô vang “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!”. Bao nhiêu năm mong đợi, ngày vui lớn cũng đã đến rồi. “Chúng tôi đang nấu bếp cũng bỏ hết việc, lật đật chạy ra đón các anh. Chiều hôm đó diễn ra lễ ăn mừng chiến thắng tại Côn Đảo. Xúc động nhất là lúc mở màn chương trình. Khi lá cờ hai mầu xanh đỏ và cờ đỏ sao vàng được kéo lên, mọi người cùng hát “Giải phóng miền nam, chúng ta cùng quyết tiến bước…”. Vừa hát, vừa khóc, nước mắt cứ trào ra, không niềm vui nào kể xiết”, bà Khánh nói, giọng tự hào.
![]() |
Cựu tù Võ Ái Dân vẫn giữ nguyên những kỷ vật đem về từ Côn Đảo. Ảnh: MỸ DUNG |
Trở về
Sau lễ mừng chiến thắng, chuyến tàu đầu tiên đưa các cựu tù Côn Đảo trở về đất liền trong niềm hân hoan. Tàu mang tên “Đoàn chiến sĩ chiến thắng”. Bà Khánh kể, chuyến đầu tiên dành cho những cựu tù thương tật, bệnh nặng, sớm vào đất liền điều trị để ổn định tình hình sức khỏe. Chuyến tiếp theo chở toàn bộ nữ tù chính trị trở về. Lần lượt, các chuyến tàu tiếp nối niềm vui. Trên áo mỗi cựu tù đều đeo ngôi sao đỏ. Những ngôi sao ấy được làm từ thùng thiếc đựng dầu ăn trong nhà tù. Trong khi đợi quân giải phóng đến, các chú, các anh rủ nhau làm sạch thùng, in khuôn, cắt vội rồi sơn đỏ. Món quà nhỏ mừng ngày chiến thắng. Đơn giản vậy thôi nhưng ai cũng tự hào vì biết rằng ngôi sao họ đeo trên ngực áo thể hiện rõ sự sắt son với Tổ quốc, nhân dân.
Cựu tù Võ Ái Dân về đất liền trên chuyến tàu đầu tiên. Đôi chân bị giặc xiềng xích bao năm chẳng còn đứng vững, đi phải có người dìu, nhưng ánh mắt ông sáng ngời, nụ cười luôn nở trên môi. Gần 11 năm bị giam cầm, chịu bao cảnh đày đọa nơi “địa ngục trần gian”, giờ đây, ông đã được trở về trên chuyến tàu của quân giải phóng. Còn điều gì đẹp hơn thế! Ngày miền nam giải phóng, ngày tù binh Côn Đảo được tự do mà không có thêm mất mát, đau thương nào, ngồi trước cửa ngục, mắt nhìn bạn tù đang hò reo mừng chiến thắng, ông Dân cứ lấy tay vỗ vỗ vào đôi chân gầy gò, đầy thương tích. “Miệng thì nói lần này chắc thiệt rồi mà lòng cứ ngỡ đang mơ. Ở tù gần 14 năm, ở Côn Đảo gần 11 năm, nhiều lần chiêm bao thấy giải phóng, giật mình thức dậy nhận ra vẫn bị còng. Còn giờ trước mắt nào là tàu bè, máy bay, quân giải phóng, cờ Tổ quốc… hạnh phúc ấy nói sao cho hết. Tôi thấy như từ đáy địa ngục lên thiên đàng. Bao nhiêu người đã hy sinh, tôi còn sống để đón thời khắc lịch sử cùng đất nước thì phải trả ơn đồng đội, trả ơn nhân dân”, cựu tù Côn Đảo Võ Ái Dân xúc động chia sẻ.
Mấy chục năm trôi qua, lá cờ giải phóng, chiếc áo tù vá chằng chịt, tô ăn cơm bằng kim loại hàn gò đủ lớp, vài cuốn sổ tay ghi chi tiết những bài học giữ khí tiết của chiến sĩ cách mạng hay kiến thức chữa bệnh cứu người, từng món đồ mang về từ Côn Đảo đều được ông Dân lưu giữ cẩn thận. Với ông, đó là một phần ký ức không thể nào quên. Cầm từng kỷ vật ở Nhà tù Côn Đảo, ông lão ngoài 80 tuổi kể vanh vách chuyện đấu tranh, học hành, trưởng thành từng ngày trong gian khó, nhục hình. Mở chiếc hộp nhỏ có cây kim bé xíu hơi gỉ, ông đưa lên trước mắt, ngắm hồi lâu. Cựu tù Võ Ái Dân cho biết, cây kim ấy ông mài từ cây đinh đóng tường nhặt được trong tù, ròng rã mấy tháng trời mới xong. Nó trở thành bảo bối giúp ông rèn tính kiên nhẫn và thêm công cụ hỗ trợ suốt nhiều năm tháng tù đày.
Gần 11 năm ở Côn Đảo, trừ khoảng thời gian hơn 5 năm bị biệt giam trong các chuồng cọp, ông Dân có cơ hội tiếp thu rất nhiều kiến thức từ các “lớp học trong tù”. Là người giỏi văn chương, được đào tạo bài bản, ông cũng tìm cách dạy văn hóa, chữ nghĩa cho bạn tù, quyết cùng nhau tiến bộ. Ngày hòa bình lập lại, về nhận nhiệm vụ tại Sài Gòn, tinh thần ham học hỏi và cống hiến được người cựu tù chính trị giữ vững. Ông muốn trả ơn nhân dân, trả ơn đồng đội đã ngã xuống bằng những việc làm thiết thực thay vì chỉ nói suông. Và đến tận hôm nay, người cựu tù ấy vẫn ngược xuôi các nơi chung tay chăm lo cho công tác đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ gia đình các cựu tù hay đồng hành cùng chương trình khuyến học, khuyến tài.