Ngôi nhà huyền thoại
Trong cuốn gia phả họ Nguyễn Thạc (do ông Nguyễn Thạc Sủng cháu 10 đời cụ Nguyễn Thạc Lượng lưu giữ) có 12 phong chức tước và ghi công bảy đời làm quan của dòng Nguyễn Thạc dưới thời Lê - Trịnh. Nhắc đến dòng họ Nguyễn Thạc ở làng Đình Bảng xứ Kinh Bắc là nhắc đến một dòng họ nổi tiếng với công lao xây dựng nhà thờ họ Nguyễn Thạc trên 300 tuổi và Đình Bảng - ngôi đình nổi tiếng từ rất xưa.
Gia phả và truyền tích làng Đình Bảng kể lại rằng: Ngay từ khi làm quan trấn thủ ở Thanh Hóa triều Lê Dụ Tông, ông Nguyễn Thạc Lượng đã có ý định về quê vui thú điền viên, cung tiến cho dân làng và dòng tộc những kỷ niệm có thể trường tồn cùng với thời gian, bèn tích góp lương bổng của mình để mua gỗ.
Tương truyền rằng người thợ cả của tốp thợ đầu tiên đến xây dựng ngôi nhà thờ, có dắt theo người cháu nội 5 tuổi, khi hoàn thành ngôi nhà thờ và ngôi đình làng Đình Bảng nổi tiếng thì người cháu nội đó đã là thợ cả và ở tuổi 55. Như vậy ba ngôi nhà thờ của dòng họ Nguyễn Thạc và ngôi đình làng Đình Bảng được xây dựng trong trọn nửa thế kỷ mới hoàn thành. Ngôi nhà thờ dòng họ Nguyễn Thạc hiện đã 304 năm tuổi. Đó là một trong những ngôi nhà được xây trước để luyện tay nghề cho thợ trước khi họ làm được kỳ tích: Xây dựng một trong những ngôi đình làng nổi tiếng nhất Việt Nam. "Thứ nhất là Đình Đông Khang |
Năm 1686, khi từ quan về quê an nghỉ tuổi già. Ông Nguyễn Thạc Lượng và vợ là cụ bà Nguyễn Thị Nguyện đã mang theo tám bè gỗ lim từ Thanh Hoá ra Đình Bảng để dựng nhà. Số gỗ này đủ dựng ba ngôi từ đường cho dòng họ Nguyễn Thạc: Nhà thờ bà chúa (thờ bà Nguyễn Thị Ngọc Long); nhà thờ cụ Quận thờ Tuyên Quận Công Nguyễn Thạc Căn và đình làng Đình Bảng.
Công việc đục đẽo chạm trổ cho cụm công trình này kéo dài suốt 14 năm trời. Năm 1700, các ngôi từ đường mới dựng xong. Tốp thợ làng Pha (Thanh Hóa) đã được lựa chọn. Sau đó đình làng Đình Bảng được cất dựng trong suốt 36 năm.
Hiện tại ngôi nhà thờ bảy gian Hậu Đường nay do ông Nguyễn Thạc Sủng sử dụng, trông nom.
Tuy được xây dựng công phu vững chãi nhưng cùng với mưa nắng, giặc giã 300 năm, ngôi nhà đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng do điều kiện kinh tế, ông không thể trùng tu được.
Ông Sủng kể lại với chúng tôi: Hồi còn bé được nghe các cụ trong họ kể rằng khi nào ngôi từ đường mục nát thì ở ao Làn (hiện nay đã sung vào hợp tác xã) sẽ nổi lên một bè gỗ lim để dùng vào việc tu bổ...
Ai ngờ lời sấm truyền đó lại thành sự thật. Năm 1996 nhóm kiến trúc sư của trường Đại học nữ Chiêu Hoà (Nhật Bản) nghiên cứu giải pháp cứu vãn tình trạng xuống cấp của các ngôi nhà Việt cổ, và đặt vấn đề trùng tu ngôi nhà của ông bằng... tiền của họ thì ông ngỡ như nằm mơ vì giai thoại xưa trong giây lát đã thành hiện thực. Gỗ ở ao nổi đâu chưa thấy, nhưng đã có gỗ "trôi" từ bên Nhật Bản sang.
Trong kháng chiến chống Pháp, nhà cửa ở Đình Bảng hầu như đổ nát hoang tàn vậy mà ba ngôi từ đường vẫn còn nguyên vẹn. Khi Pháp rút, cụ thân sinh ông Sủng trở về ngôi nhà của mình thì thấy dưới mỗi cột nhà, giặc Pháp có đặt một gói bộc phá nhưng chưa kịp châm ngòi. Chuyện này càng làm cho ngôi nhà cổ thành huyền thoại.
Trùng tu xong vẫn... ngậm ngùi
Từ khi ngôi nhà được trùng tu xong, mới chỉ có gia đình ông Sủng làm nhà mới chỗ khác, còn hai gia đình người em họ của ông vẫn sinh sống trong ngôi từ đường nên cảnh tượng khá nhếch nhác. Được biết, Sở Thương mại và Du lịch Bắc Ninh có đề nghị ông Sủng cho phép khách tham quan ngôi nhà thờ có tuổi đời qua ba thế kỷ này. Và đây được coi là điểm đến của tour du lịch văn hoá Hà Nội - Kinh Bắc.
Theo số liệu điều tra của nhóm kiến trúc sư Đại học nữ Chiêu Hoà (Nhật Bản) thì đến nay ở Việt Nam có khoảng 10 ngôi nhà có trên 300 tuổi. Việc trùng tu để giữ gìn nét văn hoá kiến trúc cổ là điều cần thiết, cấp bách và đó là những gì cần làm để giữ gìn tinh hoa kiến trúc cổ phương Đông. Nhưng làm thế nào để giữ gìn và phát huy tốt kết quả của việc trùng tu này, cũng là một vấn đề cấp thiết cần được quan tâm.
Theo Đời sống và Pháp luật
___________________________
Tin bài liên quan: