Chuyển biến mới từ CDC Thái Bình

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Bình hình thành sau hợp nhất bốn trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh gồm: Y tế dự phòng, Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Phòng chống HIV/AIDS và Truyền thông-Giáo dục sức khỏe. Trên cơ sở đó, CDC Thái Bình được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, nỗ lực khẳng định vai trò quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Bộ Y tế nghe giới thiệu về các trang, thiết bị hiện đại tại Tòa nhà CDC Thái Bình được đưa vào sử dụng năm 2024.
Lãnh đạo Bộ Y tế nghe giới thiệu về các trang, thiết bị hiện đại tại Tòa nhà CDC Thái Bình được đưa vào sử dụng năm 2024.

Tòa nhà trụ sở CDC Thái Bình được gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (ngày 27/2/2024). Công trình có vốn đầu tư hơn 225 tỷ đồng, cao 15 tầng, tổng diện tích sàn hơn 13.000 m2, được xây dựng tại địa bàn phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình). Ðây là tòa nhà hiện đại với mong muốn đưa CDC Thái Bình phát triển lên tầm cao mới trong công tác y tế dự phòng.

Bác sĩ Chuyên khoa II Ðỗ Xuân Cấp, Phó Giám đốc CDC Thái Bình cho biết: "Ðối với những người làm trong lĩnh vực y tế ở địa phương, đây là "tòa nhà mơ ước" bởi được tính toán, thiết kế rất kỹ lưỡng, bài bản, có tầm nhìn xa khi đáp ứng đúng yêu cầu trong hoạt động chuyên môn sau khi hoàn thành".

Công trình có 158 phòng làm việc và kho chuyên dụng, hội trường và các phòng họp; 6 labo xét nghiệm của CDC; 5 khoa xét nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc-mỹ phẩm-thực phẩm.

Ðây là nơi làm việc của hơn 200 cán bộ và nhân viên kỹ thuật ngành y tế với hệ thống kỹ thuật hiện đại như: Phòng áp lực âm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật phòng an toàn sinh học cấp III (CDC Thái Bình là đơn vị đầu tiên được đầu tư trong hệ thống CDC cả nước); Phòng sạch khoa vi sinh đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế (phòng sạch ISO Class 5) đáp ứng yêu cầu xét nghiệm có độ chính xác cao; Hệ thống cấp nước RO đạt tiêu chuẩn nước thí nghiệm theo quy định của Bộ Y tế; phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp II, cấp III, đạt ISO 17025-2017, đạt ISO 15189-2012.

Tại đây có thể xét nghiệm, chẩn đoán kịp thời, chính xác kết quả phần lớn mẫu bệnh phẩm theo chuyên ngành và khám, chữa bệnh dự phòng. Ngoài ra, tòa nhà còn được trang bị đồng bộ hệ thống lọc không khí của các khu xét nghiệm; hệ thống vận chuyển mẫu; hệ thống xử lý nước thải; hệ thống giao thông đứng… Các hệ thống kỹ thuật được thiết kế vừa bảo đảm dùng chung để phát huy hiệu quả, vừa có tính độc lập cho 4 đơn vị quản lý, sử dụng.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc CDC Thái Bình cho biết: Tháng 6/2024, CDC Thái Bình được Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định nâng hạng là đơn vị sự nghiệp y tế hạng 1. Hiện nay, đơn vị có 13 khoa chuyên môn, 3 phòng chức năng với tổng số 165 cán bộ, viên chức, người lao động. Về trình độ chuyên môn, có 27,3% là tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II và thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I; 53,3% có trình độ đại học; còn lại có trình độ cao đẳng.

Trong năm 2025, CDC Thái Bình sẽ triển khai 20 kỹ thuật trong lĩnh vực kiểm nghiệm chất lượng nước sinh hoạt. Dự kiến trong giai đoạn 2026-2028 tiếp tục triển khai 73 kỹ thuật, trong đó thêm 47 kỹ thuật trong lĩnh vực kiểm nghiệm chất lượng nước sinh hoạt; 10 kỹ thuật để xác định hàm lượng kim loại nặng, chất phụ gia và tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong thực phẩm; 6 kỹ thuật đo khí thải và độc chất trong môi trường lao động…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá, với trụ sở làm việc mới khang trang, hiện đại hàng đầu trong hệ thống CDC toàn quốc, CDC Thái Bình cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, quản lý tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh mới nổi, quản lý và điều trị hiệu quả bệnh không lây nhiễm… góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe của người dân.