Chung tay gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản

Với quyết tâm cùng cả nước chung tay tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam, tỉnh Nam Định đã thực hiện nhiều giải pháp trong công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Nam Định cùng nhà tài trợ trao bình ắc-quy, đèn led, túi thuốc và cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” tặng ngư dân.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định cùng nhà tài trợ trao bình ắc-quy, đèn led, túi thuốc và cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” tặng ngư dân.

Việc kiểm tra, xử lý vi phạm được thực thi quyết liệt

Đồng chí Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo 67-IUU tỉnh Nam Định cho biết: Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, yêu cầu Ban Chỉ đạo 67-IUU của tỉnh tập trung chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương, ban, ngành nhằm chung tay cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng IUU. Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định yêu cầu mỗi địa phương phải nắm chắc, quản lý được số lượng tàu cá; thực hiện các thủ tục giấy tờ theo quy định và kiểm soát, theo dõi hoạt động của tàu cá khi hoạt động trên biển. Cùng với công tác tuyên truyền, việc kiểm tra, xử lý vi phạm phải được thực thi quyết liệt. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là kiên quyết không để tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không được cấp phép) ra khơi khai thác thủy, hải sản. Nam Định hiện có hơn 1.840 tàu, thuyền khai thác thủy sản, với tổng số lao động trực tiếp trên biển là 5.715 người. Xác định ý thức của người dân có ý nghĩa then chốt, từ đầu năm đến nay, lực lượng liên ngành đã triển khai hàng loạt hoạt động tuyên truyền sâu rộng, phát hàng nghìn tờ rơi, tổ chức tập huấn, hướng dẫn ngư dân cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT). Thông tin pháp luật, quy định về khai thác thủy sản được phổ biến trực tiếp đến từng chủ tàu, thuyền trưởng, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong mỗi chuyến ra khơi... Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nam Định, đến thời điểm này, ngư dân trong tỉnh đã có nhận thức nghiêm túc về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp và đồng thuận cao với việc siết chặt quản lý của cơ quan chức năng. Khi ra khơi sản xuất, các chủ tàu, thuyền trưởng đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định; việc ra, vào cảng cá đã dần vào nền nếp; việc ghi nhật ký được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, rõ ràng. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Nam Định không có tàu mất tín hiệu kết nối hơn 10 ngày trên biển. Anh Nguyễn Văn Thủ, chủ tàu cá ở huyện Hải Hậu (Nam Định) chia sẻ: Qua công tác tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng tỉnh và lực lượng kiểm ngư, ngư dân chúng tôi đã nắm vững được các quy định của Nhà nước về thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Khi ra khơi, chúng tôi chủ động làm các thủ tục, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định, khai thác đúng vùng biển theo đăng ký.

Ứng dụng công nghệ, nâng cấp hệ thống giám sát hành trình tàu cá

Tại các cảng cá, bến cá, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Nam Định đã kiểm tra gần 800 lượt tàu, trong đó gần 350 lượt tàu cá cập cảng, hơn 420 lượt tàu rời cảng; hướng dẫn, hỗ trợ hơn 1.550 lượt tàu làm các thủ tục khai báo truy xuất nguồn gốc thủy sản qua eCDT. Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư phối hợp với các đồn, trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Cảng Hải Thịnh tiến hành rà soát, xác minh các tàu cá ngoại tỉnh thường xuyên neo đậu không hoạt động hoặc có dấu hiệu vi phạm, báo cáo kết quả rà soát xác minh gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý; phối hợp xác minh, xử lý các tàu cá của tỉnh vi phạm quy định về thiết bị giám sát hành trình (VMS), tàu cá vượt ranh giới trên biển; phối hợp với Cảng cá Ninh Cơ, Cảng cá Thành Vui kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời, cập cảng theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, lập danh sách tàu cá không đủ điều kiện hoạt động gửi các địa phương để quản lý, giám sát; khẩn trương thực hiện đăng ký đối với các tàu cá đủ điều kiện, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS theo quy định và cập nhật, đối khớp đầy đủ thông tin tàu cá trên Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) và Hệ thống giám sát tàu cá, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, chính xác và thống nhất. Theo đồng chí Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nam Định: Để thực hiện tốt việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục phối hợp các ngành chức năng, các địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không cho các tàu cá không đủ điều kiện ra biển hoạt động; yêu cầu tất cả các tàu cá tham gia hoạt động phải kẻ vẽ số đăng ký và đánh dấu tàu cá theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó là lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm, đăng tải lên cơ sở dữ liệu trên Hệ thống giám sát tàu cá để các cơ quan thực thi pháp luật biết, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiểm tra, kiểm soát bảo đảm 100% tàu cá xuất bến tham gia hoạt động trên các vùng biển tuân thủ các điều kiện theo quy định; 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động trên biển phải được duy trì kết nối với hệ thống VMS. Về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo các cảng cá đã công bố mở cảng tổ chức nhập dữ liệu hằng ngày trên Google Sheets do Cục Thủy sản quản lý và tiếp tục triển khai Hệ thống eCDT đối với 100% tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng làm cơ sở để truy xuất nguồn gốc, cấp giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác và giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định. Các đơn vị chức năng tăng cường nhân lực, phương tiện đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, nâng cấp hệ thống giám sát hành trình tàu cá, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác.