Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động ngay từ đầu

Xác định công tác tuyên truyền, vận động là "chìa khóa" để tạo sự đồng thuận trong việc giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Giải pháp này đang được thành phố triển khai khi thực hiện dự án xây dựng cầu Tứ Liên để bảo đảm tiến độ, chất lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Các đơn vị, địa phương của Hà Nội ký kết đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các dự án trọng điểm, trong đó có dự án xây dựng cầu Tứ Liên.
Các đơn vị, địa phương của Hà Nội ký kết đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các dự án trọng điểm, trong đó có dự án xây dựng cầu Tứ Liên.

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua tại Nghị quyết số 10/NQ-HĐND, ngày 25/2/2025 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình cầu lớn qua sông Hồng, thuộc dự án nhóm A. Dự án có điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ); điểm cuối qua nút giao với đường Trường Sa, huyện Đông Anh với tổng chiều dài phạm vi nghiên cứu khoảng 5,15 km. Tổng mức đầu tư hơn 20.171 tỷ đồng, sử dụng ngân sách thành phố và thực hiện trong giai đoạn 2025-2027.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các cấp ủy đảng, chính quyền các quận, huyện có Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên đi qua đã tích cực, chủ động triển khai các bước tiến hành thực hiện dự án bảo đảm tiến độ đề ra. Quận Tây Hồ phối hợp các đơn vị liên quan đã niêm yết công khai về thông tin dự án và tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân. Đến nay, quận đã hoàn thành công tác rà soát tổng diện tích đất cần thu hồi trên địa bàn ba phường (Yên Phụ, Quảng An và Tứ Liên).

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, Quận ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ quận thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, trực tiếp đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân chấp hành các chủ trương, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án. Cùng với đó, Thường trực Quận ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận tiếp tục đối thoại trực tiếp để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân đối với những chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án.

Các phòng, ban chuyên môn của quận thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện từng phần việc, có kế hoạch rõ ràng, cụ thể, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, chặt chẽ về quy trình, dân chủ trong công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với những hộ dân có đất bị thu hồi; tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm ngay từ nơi phát sinh, tránh tạo "điểm nóng"...

Tại quận Long Biên, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Quận ủy Đinh Thị Thu Hương cho biết, Ban Thường vụ Quận ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các phường tập trung tuyên truyền, vận động, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân trước khi dự án được khởi công; kịp thời đề xuất phương án giải quyết những thiếu sót, bất cập (nếu có) để các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh phương án phù hợp, bảo đảm quyền lợi tối đa cho nhân dân. Ủy ban nhân dân quận đã ban hành quyết định về việc giao Trung tâm phát triển Quỹ đất quận thực hiện dự án thành phần trên địa bàn quận thuộc hai dự án: Xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) và dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.

Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho biết, công tác tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng tại các dự án trọng điểm thời gian tới sẽ góp phần tạo đồng thuận trong nhân dân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Việc Thành ủy Hà Nội ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 28/11/2024 "Về đẩy mạnh công tác dân vận trong công tác quy hoạch; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội" cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy đối với công tác này.

Đối với dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên có quy mô lớn, phức tạp, giải phóng mặt bằng diện tích đất thổ cư lớn, số lượng hộ dân bố trí tái định cư nhiều, liên quan đến công trình tôn giáo tại quận Long Biên và một phần diện tích là đất nghĩa trang thuộc huyện Đông Anh, việc này đòi hỏi cả hệ thống chính trị của địa phương phải vào cuộc một cách đồng bộ để tạo sự đồng thuận, nhất trí trong nhân dân.

Để thực hiện tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm này, đồng chí Nguyễn Doãn Toản đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân. Các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận, bảo đảm các điều kiện cần thiết để tổ chức lễ khởi công dự án cầu Tứ Liên đúng tiến độ, tiến tới hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2026.