Trả lời trước tòa, bị cáo Đoàn Văn Huấn khẳng định các cáo buộc của cơ quan kiểm sát và kết luận của cơ quan điều tra đối với bị cáo này là hoàn toàn đúng.
Bị cáo Huấn cho biết, Công ty Thái Dương thành lập năm 2002 với 3 cổ đông và số vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Đến năm 2023 số cố đông không đổi và số vốn điều lệ tăng lên 350 tỷ đồng. Do Công ty Thái Dương có nhiều loại hình kinh doanh nên bị cáo cũng không nhớ rõ ngành nghề kinh doanh cụ thể, chỉ nhớ có hoạt động khai thác quặng, đất hiếm.
![]() |
Bị cáo Đoàn Văn Huấn khai tại tòa |
Khai trước tòa, bị cáo Huấn nói không hề gặp ai cũng như không chi bất cứ khoản vật chất hay quà cáp nào để được cấp phép khai thác quặng, đất hiếm bởi chưa có nhiều người biết đến đất hiếm nên ít người xin cấp phép.
Bị cáo cũng cho rằng, mình hoàn toàn làm đúng theo quy định cấp phép nhưng mọi việc phải tiến hành từng bước, xây dựng từng nhà máy một. “Bị cáo đang làm thì bị bắt chứ không phải không làm thưa quý tòa”, bị cáo Huấn nói.
Bị cáo chỉ học đến lớp 8 này cũng cho biết, bản thân nhận thức là Chính phủ không cho phép xuất khẩu quặng thô chứ không cấm bán quặng thô trong nước. “Khi tiến hành giao dịch mua bán, bị cáo đã đến tận nơi, thấy họ có xưởng chế biến nên mới tin tưởng”, bị cáo khóc nức nở. Tuy nhiên trả lời các câu hỏi của chủ tọa, bị cáo Huấn vẫn nhận mọi tội theo cáo trạng, chỉ xin tòa giảm nhẹ hình phạt.
Cáo trạng chỉ rõ, bị cáo Đoàn Văn Huấn đã tổ chức, chỉ đạo khai thác quặng đất hiếm và quặng sắt trái phép tại mỏ đất hiếm Yên Phú từ năm 2019-2023. Tổng số khoáng sản khai thác trái phép trị giá hơn 864 tỷ đồng, trong đó đã tiêu thụ số quặng trị giá hơn 736 tỷ đồng. Bị cáo Đặng Văn Huấn bị truy tố về 3 tội: “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”; “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và “Gây ô nhiễm môi trường”.
Bị cáo Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì khai nhận, “báo cáo, hồ sơ giấy tờ là do anh em cấp dưới trình lên, bị cáo không kiểm tra hồ sơ, chỉ đọc dự thảo đề nghị cấp phép và ký”.
Theo cáo trạng, hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương chỉ có Giấy chứng nhận đầu tư Dự án khai thác, tuyển quặng do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cấp năm 2011 (hết hạn năm 2012) và chưa được gia hạn hoặc cấp mới; không có Giấy chứng nhận đầu tư Nhà máy thủy luyện Yên Bái và Nhà máy chiết tách Hải Phòng.
![]() |
Hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi |
Nhóm cán bộ tại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản vẫn sử dụng kết quả thẩm định cũ từ năm 2011 để trình hồ sơ. Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc khi đọc, nghiên cứu, biết hồ sơ chưa đủ điều kiện nhưng vẫn ký chấp nhận cấp giấy phép cho Công ty Thái Dương vào năm 2013. Hành vi này của nhóm lãnh đạo, cán bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giúp Đoàn Văn Huấn tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt có tổng trị giá 736 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Văn Thuấn bị Viện kiểm sát truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".