Có một câu ca từ thuở xa xưa mà nay vẫn lưu truyền trong nhiều làng quê xứ Bắc:
Anh đi, anh nhớ sông Thương
Cam Bố Hạ, cây dã hương quê mình
Cây dã hương già nua, khiêm nhường và sang trọng, dường như đã trở thành một biểu tượng về vẻ đẹp thuần khiết, về phong thái, phong cách lão thực của con người ở một vùng đất phên giậu xứ bắc. Không có gì ngạc nhiên khi cây dã hương (người dân vẫn gọi tắt là cây dã) được nhiều người chọn làm biểu trưng của Bắc Giang văn hiến.
Nằm ở gò Lao, xóm Giữa (còn gọi là làng Trung hoặc là xóm Ðình Viễn Sơn) của xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang là cây dã hương có chừng nghìn năm tuổi. Thời xa xưa, gò Lao gần như là một vùng đất trống bởi thế cây dã trở nên sừng sững, người từ xa đã trông thấy ở cả hai phía bên bờ sông Thương. Nay dân cư đông đúc, xóm làng mở mang, cây dã như thu mình lại để hòa nhập với con người. Cây dã không cao nhưng to. Người ta đã đo được vóc dáng của nó: Chu vi gốc 13,50m, đường kính gốc sát đất gần 4m, thân cây 2,5m; cao tới hàng chục mét. Cây dã xanh quanh năm, tỏa bóng mát cả một vạt đất. Rễ cây bò ra chung quanh, nổi cục nổi bạnh trông thật lạ. Ðứng dưới cây dã, sẽ nhận ra một mùi thơm nhè nhẹ, hư ảo bốc lên từ lá, thân, rễ tạo cho ta một cảm giác êm dịu đến nao lòng.
Thời nhà Lê Trung Hưng (1740 - 1784), cây dã Tiên Lục đã được phong Cây dã đại thần, được triều đình xếp hạng để tôn thờ, bảo vệ. Thời Pháp thuộc, người Pháp đã đưa ảnh cây dã này vào Bách khoa tự điển Larousse với lời chú thích: Cây dã hương Tiên Lục, cây thứ hai thế giới. Bây giờ cây dã này đã đứng thứ nhất vì cây xếp trên nó ở châu Phi theo sách báo công bố đã chết từ lâu rồi. Pôn Ðume - viên toàn quyền Ðông Dương đã xin một cành nhỏ cây dã Tiên Lục mang về Pháp để làm kỷ niệm. Năm 1931, cây dã được trưng bày tại triển lãm Mác-xây. Thời ấy chính quyền Pháp đã cho mở một đoạn đường từ Cao Thượng qua bến Tuần về Tiên Lục cho du khách tới thăm. Năm 1990, cây dã Tiên Lục được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng. Năm 1999, cây dã lại được vinh dự đại diện cho tỉnh Bắc Giang có mặt tại Viện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ở nước Việt Nam ta chưa có một cây nào lại vẻ vang đến thế từ phong thần đến xếp hạng.
Vẻ uy nghi, tôn kính của cây dã càng được tôn lên khi trước nó lại là đình-đình Cây dã, tên chữ là Viễn Sơn gồm hai tòa: Ðại đình và hậu cung, được xây dựng từ năm 1750. Người ta bảo, người xưa dựng đình ở chốn đây là ý nghĩa lắm - trường tồn và tinh khiết. Chốn linh thiêng đâu dễ có ở mỗi vùng.
Tọa lạc bên bờ sông Thương thơ mộng, tỏa bóng mát mái đình rêu phong, ẩn hiện trong làng quê trù phú mến thương với những con người cần cù, giàu lòng nhân nghĩa, cây dã hương càng trở nên gần gụi, xiết bao yêu dấu. Mang trong mình bao huyền thoại và là chứng nhân mọi thăng trầm lịch sử, cây dã mãi là niềm tự hào của người dân ở vùng đất thân thương này.
Bài và ảnh: ĐỖ NHẬT MINH (Bắc Giang)