Cần sớm có quy hoạch kiến trúc các tuyến Metro

Trong khi tuyến Metro số 1 đã thi công được hơn 80% khối lượng, tuyến Metro số 2 đang gấp rút hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng để phấn đấu khởi công trong tháng 10-2020 thì bản vẽ quy hoạch kiến trúc nằm dọc hai bên tuyến Metro và khu vực các nhà ga vẫn còn là câu hỏi. Theo ý kiến của các chuyên gia đô thị, nếu thành phố không quyết liệt thực hiện công tác này thì sẽ là trở ngại không nhỏ khi các tuyến Metro đi vào vận hành.

Tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) dự kiến đưa vào khai thác vận hành vào cuối năm 2021 nhưng chưa được lập quy hoạch thiết kế đô thị dọc hai bên tuyến.
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) dự kiến đưa vào khai thác vận hành vào cuối năm 2021 nhưng chưa được lập quy hoạch thiết kế đô thị dọc hai bên tuyến.

Nhìn công trình tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có chiều dài 19,7 km đang dần định hình rõ nét với hàng loạt nhà ga, đường ray, depot chạy dọc tuyến xa lộ Hà Nội ai cũng nghĩ các công trình kết nối hạ tầng bên dưới gần như được đầu tư song song và đồng bộ. Tuy nhiên, vấn đề được Ban Quản lý Ðường sắt đô thị thành phố (MAUR) băn khoăn lâu nay chính là thành phố chậm thực hiện quy hoạch các công trình hạ tầng (đường tiếp cận, bãi đậu xe, trạm trung chuyển…) nhằm kết nối các khu vực liền kề với nhà ga để người dân dễ dàng tiếp cận sử dụng khi tuyến Metro đi vào vận hành. Một cán bộ MAUR dẫn chứng: Theo quy hoạch, tuyến Metro số 1 có một số cầu đi bộ kết nối với ga Phước Long (quận 9) đến các khu vực lân cận nhưng trên thực tế vị trí từ cầu thang bộ "đáp" xuống vỉa hè có chiều dài từ 4 đến 5 m, lại bị vướng mặt tiền nhà dân cho nên rất khó khi triển khai xây dựng các công trình phụ trợ kết nối. Như vậy, một thực tế đặt ra là khi tuyến Metro số 1 xây dựng xong, đi vào khai thác mà không có lối tiếp cận thì công trình khó phát huy hết hiệu quả. Mặt khác các bãi đậu xe buýt, trạm trung chuyển nằm gần vị trí các nhà ga để người sử dụng Metro có thể thuận tiện di chuyển, đi lại cũng chưa được thành phố quan tâm quy hoạch xây dựng. Ðiều đáng nói, công tác quy hoạch kiến trúc nằm dọc hai bên tuyến Metro số 1 chưa được các sở ngành chức năng chủ động quy hoạch và triển khai nên bộ mặt đô thị chung quanh dường như "muôn màu muôn vẻ".

Quan sát thực tế cho thấy, dọc hai bên tuyến xa lộ Hà Nội, nơi có tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên đi qua, kiến trúc nhà ở không đồng đều và phát triển "tự phát", chung cư, trung tâm thương mại cao tầng, nhà hàng, khách sạn, kể cả các kho bãi trống nằm xen cài khiến bộ mặt đô thị thiếu thẩm mỹ và đồng bộ. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: Muốn phát huy hiệu quả khi khai thác các tuyến Metro, trong đó có tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên thì quy hoạch Metro phải đồng bộ và tích hợp với quy hoạch đô thị. Thế nhưng trên thực tế, do thành phố chỉ giao cho Sở Giao thông vận tải quản lý, đầu tư xây dựng tuyến Metro này mà thiếu sự phối hợp đồng bộ của Sở Quy hoạch - Kiến trúc (quy hoạch kiến trúc đô thị), Sở Tài nguyên và Môi trường (ranh đất, kế hoạch sử dụng đất), Sở Tài chính (phương án tài chính, khai thác quỹ đất)… cho nên khi đi vào vận hành chắc chắn sẽ khó phát huy hiệu quả cao nhất.

Cùng với quyết tâm của thành phố đưa tuyến Metro số 1 vận hành vào cuối năm 2021, tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có chiều dài 11,3 km cũng đang gấp rút hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng để có thể khởi công vào tháng 10-2020. Lãnh đạo MAUR cho biết, có khoảng 600 hộ dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất của dự án tuyến Metro số 2. Phạm vi giải phóng mặt bằng gồm 10 nhà ga, di dời hạ tầng kỹ thuật của khoảng 28 đơn vị như cấp nước, cây xanh, chiếu sáng. Trong đó việc xây dựng các nhà ga dọc theo đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Trường Chinh (các quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú) là khu vực có đông dân cư sinh sống. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận: Thành phố cần rút kinh nghiệm yếu tố quy hoạch không gian đô thị từ tuyến Metro số 1 để ngay từ bây giờ lên kế hoạch triển khai thực hiện nhằm có "đầu bài" cho tuyến Metro số 2. Trong đó, các sở, ngành chức năng cần tính toán ranh đất, thu hồi luôn quỹ đất lân cận công trình Metro để đầu tư các công trình hạ tầng, bến bãi, các trạm đỗ xe buýt… tạo sự thống nhất và đồng bộ. Ngoài ra, từ kinh nghiệm các nước trên thế giới, thành phố cần quy hoạch quỹ đất từ nhà ga Metro đến các trạm trung chuyển với bán kính là 800 m và phạm vi từ Metro ra khu vực hai bên là 200 m vừa tạo bộ mặt đô thị, bảo đảm công tác vận hành cũng như tạo cơ chế rõ ràng để thu hút các nhà đầu tư khai thác quỹ đất chung quanh.

Công tác quy hoạch không gian đô thị được tuân thủ và có quy định cụ thể và rõ ràng chính là cơ sở để thành phố xây dựng cơ chế, chính sách trong việc khai thác quỹ đất nằm dọc hai bên các tuyến Metro, qua đó thực hiện kêu gọi đầu tư tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố, tạo giá trị tăng thêm cho đơn vị vận hành và quản lý các tuyến Metro. Việc khai thác hiệu quả quỹ đất khổng lồ dọc các tuyến Metro sẽ là một trong những nguồn lực để đầu tư trở lại các công trình xây dựng Metro. Ðể không bị "vuột mất" nguồn lực này, thành phố cần đi trước một bước, sớm thực hiện bồi thường giải tỏa để chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất "sạch" dọc tám tuyến Metro xuyên tâm và vành khuyên nối đến trung tâm của thành phố đã và đang đầu tư, với chiều dài hơn 220 km…

Ngày 17-2, Ban quản lý Ðường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ thông tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), là cơ sở để đơn vị và các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, trong đó nhiều hạng mục dự kiến hoàn thành trước thời hạn. Ghi nhận tại công trình, các đoạn tường vây ở vị trí tiếp giáp các đoạn ngầm tại dự án đã được tháo dỡ, nối liền ba nhà ga Bến Thành, Nhà hát thành phố và Ba Son (quận 1) cùng toàn bộ 2,6 km đi ngầm. Việc này đồng nghĩa toàn tuyến Metro số 1 với tổng chiều dài gần 20 km chính thức thông suốt, từ ga Bến Thành (quận 1) đến Depot Long Bình (địa bàn quận 9, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương). Ban lãnh đạo MAUR nhấn mạnh: sự kiện này là cột mốc quan trọng, đánh dấu việc chuyển từ giai đoạn thi công phần kết cấu công trình sang lắp đặt hệ thống đường ray, cơ điện, thông tin tín hiệu... trên toàn tuyến.