ND - Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã nhận được đơn thư của một số đảng viên, quần chúng nhân dân xã Nam Phú phản ánh một số cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý, sử dụng đầm bãi; việc trồng, quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn ven sông, ven biển thuộc ba xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh (huyện Tiền Hải).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra tổ chức đảng và các đảng viên của huyện Tiền Hải có dấu hiệu vi phạm nói trên, gắn với việc giải quyết đơn thư tố cáo.
Ngày 29-12-2006, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Bình đã thành lập Ðoàn kiểm tra về việc ra các quyết định và tổ chức thực hiện các quyết định về quản lý, khai thác, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển; bảo vệ rừng trồng ven biển thuộc địa phận các xã Nam Phú, Nam Thịnh, Nam Hưng.
Sau khi tiến hành kiểm tra, ngày 6-9-2007, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Bình đã có kết luận khẳng định: Huyện ủy Tiền Hải từ năm 2000 đến năm 2006 đã phê duyệt quy hoạch 3.103 ha vùng triều khu vực Cồn Vành, Cồn Thủ thuộc địa phận ba xã Nam Phú, Nam Thịnh, Nam Hưng thành năm vùng nuôi trồng thủy, hải sản, kết hợp với việc trồng, quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ ven sông, ven biển tương đối phù hợp quy hoạch chung của tỉnh.
Trong thời gian nói trên, huyện đã cho 165 tổ chức, hộ gia đình thuê ổn định lâu dài 170 lô với diện tích là hơn 1.438 ha sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy, hải sản, phù hợp các chủ trương, nghị quyết của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương. Các xã Nam Phú, Nam Thịnh, Nam Hưng đã tiến hành cho 120 tổ chức, hộ gia đình thuê hơn 881 ha đầm bãi vào mục đích sử dụng lâu dài nuôi trồng thủy,hải sản, bảo đảm quy hoạch chung của tỉnh và huyện, góp phần thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển, xóa đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, sử dụng đầm bãi; trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ven sông, ven biển, một số cấp ủy viên và cán bộ, đảng viên thuộc cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở ở Tiền Hải đã mắc một số vi phạm, khuyết điểm như quan liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý nhà nước, gây thất thoát tài sản, tiền vốn của ngân sách Nhà nước.
Trong đó có việc Thường trực UBND huyện đã cho 39/41 cơ quan, đoàn thể của tỉnh, huyện, xã (là đối tượng không thật sự có nhu cầu, khả năng và điều kiện sử dụng đất đúng mục đích tại hai xã Nam Phú và Nam Hưng) thuê đất. Những cơ quan, đoàn thể này lợi dụng danh nghĩa công đoàn cơ quan xin thuê đất theo giá quy định của tỉnh rồi sau đó bán, chuyển nhượng cho người khác dưới hình thức hợp tác, ủy quyền để hưởng một khoản chênh lệch là 6.582.500.000 đồng. Hoặc, việc để một số thành viên trong Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên huyện Tiền Hải tự ý liên kết, hợp tác 84 đầm, tự thu, tự chi không có chứng từ sổ sách theo dõi hạch toán với số tiền là 2.025.000.000 đồng; để các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi phụ trách vi phạm nghiêm trọng Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các quyết định, quy định của tỉnh, huyện về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, đối tượng thẩm quyền, mức giá tiền cho thuê đất, đã làm thất thoát của ngân sách Nhà nước số tiền là 13.954.074.949 đồng. Trong đó bao gồm: các khoản cho thuê đất tính thiếu phải truy thu là 2.004.097.925 đồng, tự thu, tự chi không qua kho bạc Nhà nước là 4.422.148.500 đồng, thu chi sai nguyên tắc chế độ kiến nghị thu hồi (kể cả diện tích xây dựng mô hình điểm theo chương trình Ramsar) với số tiền là 7.527.828.524 đồng. Việc quai đê đắp đầm mới nuôi trồng thủy hải sản làm xâm hại khoảng 100 ha rừng phòng hộ, ảnh hưởng đến môi trường hệ sinh thái đất ngập nước ven sông, ven biển.
Cả ba xã Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh đã để nợ tiền đấu giá cho thuê đất là 14.428.986.000 đồng, trong đó nợ đến hạn phải thu là 845.462.000 đồng. Riêng cấp ủy và chính quyền xã Nam Phú tự ý cho đấu giá 12 ha đầm được 720 triệu đồng, thu lãi chậm trả được 52.490.000 đồng, lấy tên cá nhân để gửi bốn sổ tiết kiệm với số tiền là 6.068.060.000 đồng, lấy danh nghĩa tập thể thu tiền xây dựng, quy hoạch đầm của một số cơ quan là 110 triệu đồng và thu chi không qua hệ thống kho bạc là 837.824.524 đồng.
VỚI những sai phạm nêu trên, ngày 26-9-2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Tiền Hải, cách chức tất cả các chức vụ trong Ðảng và chính quyền đối với Trưởng phòng Công thương, nguyên là Trưởng phòng Kinh tế biển của huyện là người trực tiếp tham mưu việc quản lý cho thuê đầm bãi; thống nhất biểu quyết đề nghị Tỉnh ủy thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, nguyên là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải nhiệm kỳ 2000 - 2005.
Ban Thường vụ Huyện ủy Tiền Hải quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Ðảng ủy và cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Ðảng ủy xã Nam Phú, đồng thời chỉ đạo cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong huyện kịp thời xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, chính xác những vi phạm của các tổ chức đảng, đảng viên ở ba xã Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh theo đúng thẩm quyền Ðiều lệ Ðảng quy định. Ðồng thời, có biện pháp thu hồi triệt để số nợ đến hạn phải thu, các khoản phải truy thu, cùng toàn bộ giá trị tài sản tiền vốn của ngân sách bị thất thu, thất thoát nói trên.