Cần cơ chế đặc thù để phát huy thế mạnh của Vùng Thủ đô

Vùng Thủ đô với hạt nhân là Hà Nội được xác định là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội quan trọng nhất của cả nước, đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của vùng Ðồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và lan tỏa ra cả nước. Ðể khẳng định vai trò này, Hà Nội cần có những bước đi đột phá, kết hợp với các yếu tố hỗ trợ cần thiết từ chính sách, hạ tầng và phối hợp vùng.
Hà Nội cần phát huy thế mạnh để khẳng định vị thế, vai trò đầu tư dẫn dắt của Vùng Thủ đô. (Ảnh Ðăng Quang)
Hà Nội cần phát huy thế mạnh để khẳng định vị thế, vai trò đầu tư dẫn dắt của Vùng Thủ đô. (Ảnh Ðăng Quang)

Với dân số hơn 8,5 triệu người, theo mục tiêu tăng trưởng mới được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua, năm 2025, GRDP bình quân đầu người của thành phố Hà Nội đạt khoảng 175 triệu đồng. Cùng hệ thống hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp và trung tâm đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển, Hà Nội hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành động lực thúc đẩy kinh tế Vùng Thủ đô.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn chưa thật sự phát huy hết tiềm năng, vị thế của mình và còn nhiều trăn trở về cách thức tận dụng thế mạnh sẵn có. Ðể khẳng định vai trò dẫn dắt trong Vùng Thủ đô, Hà Nội cần có những bước đi đột phá, kết hợp với các yếu tố hỗ trợ cần thiết từ chính sách, hạ tầng và phối hợp vùng.

Luật Thủ đô năm 2024 đã khẳng định rõ "Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển, là cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô, vùng Ðồng bằng sông Hồng và cả nước". Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Ðồ án Ðiều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2045, tầm nhìn 2065 càng củng cố định hướng này, với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", ngang tầm các thủ đô phát triển trong khu vực.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tiềm năng và vị thế của Hà Nội chưa được phát huy. Tiến sĩ Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: "Hà Nội chưa tận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho mình, vai trò dẫn dắt và kết nối vùng còn mờ nhạt, năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới vẫn khiêm tốn".

Giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đạt 6,83%/năm, cao hơn mức trung bình cả nước (5,9%), nhưng chưa tạo được sự bứt phá vượt trội so với các trung tâm kinh tế lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Các lĩnh vực như kinh tế số, công nghiệp công nghệ cao hay liên kết vùng vẫn chưa đạt được sự đồng bộ và hiệu quả như mong đợi.

Thực tế này đặt ra câu hỏi, Hà Nội cần làm gì để khẳng định vị thế đầu tàu và cần những yếu tố hỗ trợ nào để phát huy thế mạnh của Vùng Thủ đô?

Ðể phát huy vai trò dẫn dắt và tạo động lực cho Vùng Thủ đô, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính đột phá, tập trung vào ba trụ cột chính: hạ tầng hiện đại, kinh tế sáng tạo và liên kết vùng. Nhiều chuyên gia đánh giá cao giải pháp đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông và công nghệ. Ðột phá về hạ tầng được chọn là ưu tiên số một để Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế của khu vực.

Các dự án trọng điểm như đường vành đai 4, cầu Tứ Liên, tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc - Xuân Mai) được đẩy nhanh tiến độ sẽ tạo điều kiện, cơ hội để mở rộng không gian phát triển và kết nối với các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Ðồng thời, việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh và phát triển hạ tầng số hiện đại sẽ tạo nền tảng cho kinh tế số và đô thị thông minh, giúp Hà Nội dẫn đầu trong ứng dụng công nghệ.

Tại Hội nghị phát triển khoa học, công nghệ ngày 11/2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu: Hà Nội phải đi đầu trong đột phá khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, làm nền tảng để đạt tăng trưởng 8% năm 2025. Thành phố cần biến Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, thu hút các tập đoàn lớn như Samsung, Intel với ưu đãi thuế đặc thù từ Luật Thủ đô 2024. Phát triển kinh tế số với mục tiêu đóng góp hơn 20 tỷ USD vào GRDP năm 2025, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (fintech) là hướng đi cần thiết để tạo động lực mới.

Kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, Quy hoạch Hà Nội nhận định: "Hà Nội cần khắc phục hạn chế về liên kết vùng để tạo động lực tăng trưởng mới".

Thành phố cần xây dựng cơ chế điều phối Vùng Thủ đô, kết nối chặt chẽ với chín tỉnh lân cận (Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình).

Các khu công nghiệp chuyên biệt tại Bắc Giang, Hải Dương hay vùng nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam cần được liên kết với chuỗi cung ứng của Hà Nội, tạo hiệu ứng lan tỏa kinh tế; phát triển các đô thị vệ tinh như Hòa Lạc, Ðông Anh thành đô thị thông minh, đô thị sinh thái sẽ góp phần giảm tình trạng quá tải cho nội đô và mở rộng không gian phát triển.

Ðể Hà Nội khẳng định vị thế đầu tàu, cần sự hỗ trợ đồng bộ từ nhiều yếu tố như cơ chế, chính sách đặc thù từ Trung ương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: "Luật Thủ đô 2024 đã mở ra cơ hội lớn để Hà Nội chủ động trong quản lý và phát triển". Tuy nhiên, thành phố cần thêm các chính sách thí điểm về tài chính, đất đai và thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời, cần có sự hỗ trợ từ hoạt động, chỉ đạo của cơ quan điều phối Vùng Thủ đô, bảo đảm sự đồng bộ trong quy hoạch và phát triển giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận.