Long Biên xưa là vùng đất cổ thuộc xứ Kinh Bắc. Bởi thế, địa bàn quận có hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ. Ngay từ những ngày đầu thành lập, song song với phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, quận Long Biên đã chú trọng bảo tồn văn hóa, đời sống tinh thần của người dân.
Trong giai đoạn 2020-2025, thực hiện chỉ đạo của thành phố, quận đã quan tâm đầu tư, tu bổ tôn tạo 16 di tích bằng nguồn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa với tổng kinh phí trên 373 tỷ đồng. Tổ chức rà soát, sao, chụp, dập, dịch tư liệu Hán Nôm tại 87 di tích trên địa bàn quận; giám định cổ vật 87 di tích.
Đặc biệt là quận phát huy hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, gồm các di sản: Lễ hội đình Lệ Mật, Lễ hội đình Trường Lâm, Múa hát Ải Lao và kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới). Các di sản phi vật thể không chỉ được bảo tồn tại địa phương mà còn được đưa đi giới thiệu ở nhiều sự kiện văn hóa quan trọng của đất nước và thành phố.

Gìn giữ hát múa Ải Lao
Để thế hệ trẻ hiểu được giá trị văn hóa , lịch sử vùng đất của mình, hằng năm xây dựng kế hoạch tổ chức cho học sinh trên địa bàn tham quan tìm hiểu lịch sử địa phương, tập trung vào 6 cụm di tích tiêu biểu, gồm: Cụm di tích đình Lý Thường Kiệt, cụm di tích đình Thanh Am, cụm di tích đình, chùa Lệ Mật, di tích đình Tình Quang, di tích đền Trấn Vũ, di tích đình Thổ Khối.
Sau các đợt tìm hiểu đều có đánh giá, viết bài thu hoạch và khen thưởng động viên. Hoạt động này được các phụ huynh hết sức ủng hộ. Anh Lương Xuân Dũng, phố Hoa Lâm (phường Việt Hưng) chia sẻ: “Hằng năm các con tôi đều được đến những di tích nơi các con sinh sống để tìm hiểu về văn hóa địa phương. Tôi rất vui vì mình sống ở nơi đây nhưng không phải lúc nào cũng dành thời gian để dạy các cháu, nay nhà trường tổ chức hoạt động như vậy tôi thấy rất bổ ích”.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, quận Long Biên đã đồng thời phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất với đời sống tinh thần của người dân. Quận Long Biên đã sớm “để dành” những không gian để xây dựng hệ thống công viên, vườn hoa, trung tâm văn hóa-thể thao, nhà văn hóa… một cách đồng bộ, từ cấp quận đến cấp tổ dân phố.
Bởi thế, dù là nơi “tấc đất, tấc vàng” sau 21 năm lên quận, quận Long Biên là địa bàn được “phủ sóng” nhà văn hóa hàng đầu trên địa bàn thành phố.
Hiện trên địa bàn quận có một Trung tâm Văn hóa-thông tin và thể thao quận; 13 phường đã xây dựng và khai thác Trung tâm Văn hóa-Thể thao.
Riêng phường Ngọc Thụy đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, để hoàn thiện 100% các phường có Trung tâm Văn hóa-Thể thao phục vụ đời sống nhân dân.
Hiện nay, 100% Tổ dân phố có nhà văn hóa và điểm sinh hoạt cộng đồng. Quận cũng đã phê duyệt mô hình hoạt động của 131 nhà văn hóa Tổ dân phố thực hiện mô hình cấp quận, đầu tư đồng bộ trang thiết bị phục vụ hoạt động tại cơ sở.
Bên cạnh đầu tư cho hệ thống nhà văn hóa , hiếm địa phương nào có hệ thống thiết bị tập luyện thể dục, thể thao ngoài trời đồng bộ như quận Long Biên.
Ủy ban nhân dân quận đã đầu tư 153 điểm tập luyện thể dục, thể thao ngoài trời tại các nhà văn hóa, công viên, vườn hoa, sân chơi công cộng. Hệ thống này gồm những thiết bị phù hợp với nhiều lứa tuổi như:
Qua đó, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dụng cụ tập luyện. Long Biên cũng nổi bật với các thiết chế văn hóa như công viên, vườn hoa với các công viên lớn như: Long Biên, Gia Lâm, Ngọc Thụy… và 52 vườn hoa phân bố đều ở các khu dân cư. Nhờ đó, phong trào luyện tập thể thao hết sức sôi nổi.
Hằng năm, Long Biên tổ chức từ 20 đến 25 giải thi đấu thể dục thể thao cấp quận. Tiêu biểu như Giải Bóng chuyền hơi các CLB Nhà văn hóa Tổ dân phố 2024 đã có 100 đội bóng chuyền hơi nam và 115 đội bóng chuyền hơi nữ với sự tham dự của hơn 3.000 vận động viên.
Từ một địa bàn “làng lên phố”, Long Biên đã chuyển mình thành đô thị hiện đại, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống; đồng thời, có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, giúp nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Theo Phó Bí thư Quận ủy Long Biên Nguyễn Mạnh Hà, thời gian tới, quận tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đồng thời, quan tâm phát triển phong trào văn hóa, thể thao hướng về cơ sở, tổ chức các Hội thi, hội diễn, giao lưu... tạo sân chơi cho các tầng lớp nhân dân được tham gia.