Nguyễn Sinh Cung được cha mình khai tâm bằng chữ Hán đầu tiên, sau đó ông Nguyễn Sinh Sắc nhờ bạn mình dạy Nguyễn Sinh Cung học. Năm 1905, trường Pháp - bản xứ được mở tại Vinh, chương trình học chủ yếu bằng tiếng Pháp. Ðược khích lệ bởi quan điểm: 'Muốn đánh kẻ thù phải học tiếng kẻ thù để hiểu được kẻ thù', ông Sắc đã cho hai con trai là Nguyễn Tất Ðạt và Nguyễn Tất Thành đi học trường Pháp - bản xứ ở Vinh.
Khi học ở trường Pháp, Nguyễn Tất Thành đọc được dòng chữ phía trên bảng đen của lớp học: 'LIBERTÉ, ÉGALITÉ, FRATERNITÉ' (Tự do, Bình đẳng, Bác ái). Tìm hiểu, Anh biết đó là khẩu hiệu nổi tiếng của Ðại cách mạng Pháp năm 1789, một tư tưởng tiến bộ. Nhưng Anh thắc mắc tại sao nước Pháp tư tưởng tiến bộ như vậy mà người Pháp sang Ðông Dương lại rất tàn ác. Trước thực tế trái ngược này đã hình thành ở Nguyễn Tất Thành ý muốn đi sang nước Pháp để tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những từ tự do, bình đẳng, bác ái ấy...
Nhận rõ và chứng kiến những cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống Pháp đòi độc lập, tự do theo hệ tư tưởng phong kiến (cuối thế kỷ 19) và theo hệ tư tưởng tư sản (đầu thế kỷ 20) đều bị thực dân Pháp dìm trong bể máu, con đường cứu nước của nhân dân ta lâm vào ngõ cụt, Nguyễn Tất Thành quyết định: 'Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta'.
Thực hiện hành trình tìm đường cứu nước
Thực hiện ý định sang nước Pháp và các nước khác, khảo cứu đúc rút kinh nghiệm thế giới, hình thành con đường cứu nước để về giúp đồng bào con đường giải phóng, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba đã xuống làm thuê trên tàu A-mi-ran La-tu-sơ Tơ-rê-vin (Amiral Latouche Treeville). Ngày 5-6-1911, tàu rời bến cảng Sài Gòn đi Mác-xây (Marseille), một hải cảng lớn của Pháp. Từ ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu con đường khám phá thế giới, tìm lối đi cho dân tộc. Từ bến cảng Sài Gòn, Người đi qua nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ để thực hiện cuộc hành trình khảo cứu thế giới. Cuộc bôn ba tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh suốt 30 năm trải rộng toàn thế giới, vượt qua ba đại dương, tới cả bốn châu lục, đến và sống ở nhiều nước.
Như vậy, bằng tư duy độc lập, tự chủ, Nguyễn Tất Thành đã tự quyết định một hướng đi hoàn toàn mới, chưa từng có trong những nhà yêu nước Việt Nam ở đầu thế kỷ 20 là đi sang các nước phương Tây, khảo cứu đúc rút kinh nghiệm thế giới để tìm con đường cách mạng giải phóng cho dân tộc...
Khảo cứu, học hỏi kinh nghiệm các nước
Hướng đi và cách đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành gắn bó mật thiết với nội dung khảo cứu thế giới, học hỏi kinh nghiệm các nước. Nguyễn Tất Thành khảo cứu toàn diện toàn thế giới, đúc rút kinh nghiệm các nước, nhất là kinh nghiệm các cuộc cách mạng lớn, điển hình như cách mạng Mỹ (năm 1776), cách mạng Pháp, Công xã Pa-ri (năm 1871), cách mạng Nga (năm 1917)..., trong đó Anh rất chú ý xem xét các nước tổ chức và cai trị như thế nào.
Những năm tháng sống ở các nước tư bản, khảo cứu lịch sử, văn hóa và xã hội đương đại, Nguyễn Tất Thành thấy rất rõ những cái hay, những tư tưởng và những giá trị văn hóa tốt đẹp cần học tập, tiếp thu; thấy rõ những mặt hạn chế mang tính bản chất cần phê phán. Nguyễn Tất Thành đã tích lũy thêm những hiểu biết về chế độ chính trị của xã hội tư sản; về đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và tư sản; giữa chính quốc và thuộc địa của một nước tư bản chủ nghĩa phát triển. Về ngôn ngữ là công cụ khám phá và giao tiếp, chỉ sau vài năm Nguyễn Tất Thành đã sử dụng thành thạo tiếng Anh, Pháp là ngôn ngữ của các nước tư bản lớn như Anh, Mỹ, Pháp và cũng là ngôn ngữ có tầm phổ quát lớn trên thế giới...
Khảo cứu các nước thuộc địa trên thế giới, Nguyễn Tất Thành rút ra nhiều nhận xét chẳng những giúp cho dân tộc mình mà còn cho cả hệ thống thuộc địa (trong cuộc đấu tranh chống chế độ nô lệ thuộc địa). Anh thấy rõ dù là ở châu Á, châu Phi hay châu Mỹ thì nhân dân thuộc địa đều bị bọn tư bản thực dân đế quốc coi mạng sống của họ không đáng một xu, đặc biệt phụ nữ các nước thuộc địa bị chủ nghĩa thực dân hành hạ dã man nhất. Nguyễn Tất Thành cũng nhận rõ ở thập niên thứ nhất, thứ hai của thế kỷ 20, các nước thuộc địa còn rơi vào thế đơn độc, họ không biết được các dân tộc láng giềng và trên thế giới đang như thế nào, họ chưa biết đoàn kết, chưa biết tổ chức và lãnh đạo đoàn kết, bởi vậy, họ bị các nước đế quốc thôn tính. Giải phóng thuộc địa là một nhu cầu khách quan, thì sự nghiệp này lại đặt ra một đòi hỏi khách quan là làm cho nhân dân các dân tộc thuộc địa biết đoàn kết, đoàn kết trong một dân tộc thuộc địa, đoàn kết giữa các dân tộc thuộc địa và đoàn kết với giai cấp vô sản và nhân dân chính quốc...
Ra trận chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc
Ðầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Ðảng Xã hội Pháp, một chính Ðảng duy nhất của nước Pháp lúc đó bênh vực các dân tộc thuộc địa. Nguyễn Tất Thành là một trong 80 người Việt Nam đầu tiên gia nhập Ðảng Xã hội Pháp. Khi được hỏi vì sao vào Ðảng, Anh trả lời: Vì Ðảng Xã hội Pháp là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Ðại cách mạng Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái.
Ngày 18-6-1919, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi đến Hội nghị các nước đế quốc họp ở thành phố Véc-xây (Versailles) bản Yêu sách 8 điểm của nhân dân Việt Nam. Yêu sách 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc chưa đòi độc lập, tự quyết hoàn toàn cho Việt Nam mà mới đòi tự do, dân chủ ở mức rất khiêm tốn. Nhưng các nước đế quốc cũng không đáp ứng. Ðến đây, Nguyễn Ái Quốc càng hiểu sâu sắc bản chất của chủ nghĩa tư bản thực dân nói một đường làm một nẻo, lừa bịp và dối trá. Thực tế này, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra kết luận: 'Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn'(1) nó lừa bịp toàn thế giới 'Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình'(2).
Từ sau sự kiện Yêu sách 8 điểm, Nguyễn Ái Quốc mở rộng mặt trận chống chủ nghĩa thực dân trên lĩnh vực báo chí. Qua các bài báo cho thấy Nguyễn Ái Quốc là một người yêu nước tiến bộ, hết sức căm thù chủ nghĩa thực dân Pháp. Khát vọng giải phóng và thực hiện quyền tự quyết dân tộc là yêu cầu cấp bách nhưng làm thế nào, đi theo hướng nào để đạt mục đích đó, Nguyễn Ái Quốc vẫn chưa có câu trả lời.
Ðến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tạo bước ngoặt căn bản của cách mạng Việt Nam
Tháng 3-1919, Quốc tế cộng sản (Quốc tế III) ra đời. Lúc này trong Ðảng Xã hội Pháp, phái tả, phái hữu và phái giữa có nhiều vấn đề không thống nhất, trong đó có vấn đề có tham gia Quốc tế III không, có rút ra khỏi Quốc tế II không. Ðến Ðại hội lần thứ XVII (tháng 2-1920) của Ðảng thì tuyệt đại bộ phận bỏ phiếu tán thành ra khỏi Quốc tế II, nhưng khi bỏ phiếu tham gia Quốc tế III thì số phiếu trống gần gấp đôi số phiếu thuận.
Khi tranh luận, Nguyễn Ái Quốc đặt câu hỏi: 'Vậy Quốc tế nào ủng hộ các dân tộc thuộc địa đi tới giải phóng?'. Các ý kiến trả lời: đó là Quốc tế III.
Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc đọc báo L'Humanité cơ quan ngôn luận của Ðảng Xã hội Pháp hai số vào ngày 16, 17-7-1920. Ðầu đề bài báo có sức thu phục đặc biệt: Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa (của Lê-nin sẽ báo cáo ở Ðại hội II, Quốc tế cộng sản vào cuối tháng 7 đầu tháng 8-1920). Ðây là lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc với Lê-nin bằng một văn kiện của Người. Sau này, Nguyễn Ái Quốc viết lại cảm xúc khi đọc Luận cương: 'Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: 'Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Ðây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!'.
Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba'(3).
Ngày 25-12-1920, Ðại hội lần thứ XVIII Ðảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua. Nguyễn Ái Quốc là đại biểu, người bản xứ duy nhất có mặt ở Ðại hội. Ngày 26-12-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc tham luận ở Ðại hội. Sau gần một tuần làm việc, thảo luận liên tục, Ðại hội đi tới bỏ phiếu. Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III, tuy là một phiếu nhưng có ý nghĩa là lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân và xã hội chủ nghĩa Pháp, một người bản xứ tham gia đại hội góp phần vào sự nghiệp chuyển hướng chiến lược của một đảng ở chính quốc.
Như vậy sau gần 10 năm khảo sát, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm toàn thế giới, ra sức rèn luyện phong trào công nhân quốc tế, Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm được con đường cứu nước đúng đắn - tạo bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, dẫn dắt dân tộc Việt Nam tới độc lập tự do và phát triển như ngày nay.
PGS, TS Hoàng Trang
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Ðảng
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hn 2002, tập 1, tr.416
(2) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr.30.
(3) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 10, tr.127.