Tại Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2009 tổ chức tại Bến Tre ngày 16-7

Bình dị những con người dũng cảm trong chiến đấu, giàu ý chí vượt lên đói nghèo

ND - Như Báo Nhân Dân đã đưa tin, hướng tới kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (TBLS) (27-7-1947 - 27-7-2009) tiếp nối truyền thống Ðền ơn đáp nghĩa hằng năm, năm nay, Bộ LÐ-TB và XH, Báo Nhân Dân , Bộ Quốc phòng phối hợp UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2009 vào ngày 16-7, tại Bến Tre, nhằm biểu dương những người có công tiêu biểu, dũng cảm trong chiến đấu, giàu ý chí vượt đói nghèo, vươn lên đủ ăn và làm giàu.

Hội nghị đã biểu dương 282 gương mặt xuất sắc nhất của người có công trên cả nước. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tri ân người có công, ấm áp tình đồng chí, nghĩa đồng bào

Trong Lời khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng LÐ-TB và XH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: "Việc Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2009 được tổ chức tại dải đất ba cù lao này là một sự kiện mang nhiều ý nghĩa. Bởi vì, Bến Tre là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, từ cao trào Ðồng khởi, từ cuộc vượt biển ra Thủ đô Hà Nội lần thứ nhất (trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp) đến lần vượt biển thứ hai (trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) để xin chi viện, tăng cường khả năng chiến đấu cho địa phương; từ sự ra đời của "Ðội quân tóc dài" đến việc thành lập "Ðội đặc công thủy" mà những chiến công lừng lẫy của họ trên sông nước Hàm Luông mang ý nghĩa của Bạch Ðằng thời đại... những đóng góp đó của Bến Tre đã góp phần tô thắm thêm những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam. Ðặc biệt, Bến Tre là một trong những tỉnh làm tốt công tác "đền ơn đáp nghĩa" trong cả nước. Ðã có hơn 92% hộ chính sách hưởng trợ cấp hằng tháng có mức sống bằng, cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ðồng bào và chiến sĩ cả nước đã có những cống hiến to lớn, hàng triệu chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, nhiều người đã để lại một phần xương máu ở các chiến trường, phải mang thương tật, bệnh tật suốt đời, nhiều trẻ em chào đời phải mang di chứng chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, Nhà nước, cộng đồng và bản thân đối tượng là sự kết hợp tạo thành động lực to lớn giúp người có công vươn lên trong cuộc sống. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng công tác người có công 62 năm qua đã phát triển một cách vững chắc, sâu rộng ngày càng được xã hội hóa cao. Phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì nước và đó cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta".

Mọi người dự Hội nghị xúc động với Lời phát biểu chào mừng của đồng chí Huỳnh Văn Be, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre: "Không có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam gọi Tổ quốc, quốc gia bằng hai tiếng bình dị và thiêng liêng ÐẤT NƯỚC. Trong tâm linh người Việt Nam luôn coi người có công với nước, với dân dù đã khuất nhưng vẫn còn tồn tại, luôn hiện hữu chiều tâm thức nhớ về ông bà, Tổ tiên và các anh hùng, liệt sĩ. Thật đúng với sự khẳng định "Sự vong như sự tồn, sự tử như sự sinh". Trong ÐẤT, trong NƯỚC của quê hương hôm nay vẫn hiển hiện hình bóng các anh. Có chiến công vinh quang nào không phải đánh đổi bằng máu xương, hy sinh mất mát. Cuộc đời các anh hùng, liệt sĩ luôn là tấm gương sáng về lòng quả cảm, đức hy sinh vì nghĩa lớn. Hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống; hàng triệu người đã hy sinh một phần thân thể "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"...

Phát biểu những ý kiến chân thành, Chủ tịch Ủy ban T.ƯMTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm, nêu rõ: "Từ trái tim mình, tôi đề nghị và tin tưởng, các cấp, các ngành, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tầng lớp nhân dân tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với người có công với nước; tăng cường tuyên truyền cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng vẻ vang, về truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, làm cho mọi người hiểu và biết ơn sâu sắc công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ và những người có công với nước, ra sức thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn những thành quả cách mạng do các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, hy sinh xương máu để mang lại. Ðồng thời, góp sức cùng Ðảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chăm sóc các thương binh, bệnh binh, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách, gia đình có công với nước. Trước mắt, cần phối hợp giúp đỡ những gia đình người có công còn đang ở nhà tạm, sớm có nhà ở lành lặn, tử tế hơn.

"Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" là truyền thống, là đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mỗi người dân chúng ta phải có trách nhiệm, nghĩa vụ phát huy truyền thống ấy. Ðẩy mạnh phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa" là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta, để ghi nhớ công lao và chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với nước, phấn đấu bảo đảm cho người có công với nước có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của xã hội. Chính đó là những hành động thiết thực nhất thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch, chính đó là nghĩa cử thiết thực nhất làm yên lòng những người đã hy sinh đem lại độc lập tự do, ấm no, hạnh phúc cho chúng ta hôm nay...".

Thay mặt Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Bùi Văn Huấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam, nêu rõ: "Cùng với toàn Ðảng, toàn dân, các đơn vị quân đội đã không ngừng nêu cao trách nhiệm chính trị, tình cảm cách mạng, nghĩa tình đồng chí, đồng đội sâu nặng, thủy chung; vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, luôn thực hiện kịp thời, chu đáo việc chăm sóc, cứu chữa, nuôi dưỡng thương binh, mai táng liệt sĩ. Trong chiến đấu, mọi quân nhân, mọi đơn vị luôn luôn thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ. Những năm sau chiến tranh, nhất là trong thời gian gần đây, cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Ðảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách hiện hành đối với thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng; tích cực hưởng ứng, tham gia có hiệu quả thiết thực phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa". Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ Quốc phòng đã phát động các đơn vị trong toàn quân đóng góp thực hiện Chương trình xây dựng 1.000 căn nhà tình nghĩa. Kết quả đã xây dựng được 1.756 căn (vượt 75%); trị giá mỗi căn nhà từ 30 đến 35 triệu đồng. Hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2009), trong hai năm 2008-2009, Bộ Quốc phòng phát động Chương trình xây dựng 1.500 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội (trong đó các doanh nghiệp quân đội đóng góp được hơn 21 tỷ đồng). Theo báo cáo, đến hết năm 2009 làm được 2.688 căn, đạt 180% kế hoạch; tổng kinh phí xây dựng gần 87 tỷ đồng. Chương trình có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc, góp phần cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng, quan tâm động viên đối tượng chính sách đang công tác trong quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Các đơn vị quân đội đang phụng dưỡng 1.402 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với sự chu đáo về vật chất; trân trọng và ân cần chăm sóc, thăm hỏi về tinh thần; đang chăm sóc đỡ đầu hơn 1.000 con liệt sĩ, con thương binh nặng; bước đầu đã tổng hợp và từng bước giải quyết việc làm cho con thương, bệnh binh đang điều trị tại các Trung tâm Ðiều dưỡng thương, bệnh binh nặng. Người có công và thân nhân liệt sĩ đang công tác trong Quân đội được quan tâm chăm sóc tốt hơn, tạo các điều kiện tốt nhất cho việc phấn đấu và trưởng thành. Các đơn vị Quân đội đã tập trung sức giải quyết được khối lượng lớn các tồn đọng chính sách sau chiến tranh. Hiện nay, đang triển khai thực hiện Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ cho gần 80 vạn trường hợp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã phục viên, xuất ngũ về địa phương.

Công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ từ năm 1994 đến nay đã có sự nỗ lực rất lớn. Các đơn vị quân đội đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn, cất bốc hơn 68.500 hài cốt liệt sĩ, trong đó hơn 37.000 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong nước; hơn 18.500 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở chiến trường Lào; hơn 13.000 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở chiến trường Cam-pu-chia. Không ít cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ đặc biệt này đã hy sinh, bị thương; bị bệnh; nhiều tập thể, cá nhân được tuyên dương Anh hùng, được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương cao quý; được nhân dân và gia đình thân nhân liệt sĩ mến phục, tin yêu".

Xúc động trước tình cảm biết ơn chân thành của MTTQ Việt Nam, các ngành, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, các đơn vị quân đội và công an, các đơn vị kinh tế, và cá nhân đối với những người có công với nước, cũng như cảm phục trước ý chí vượt khó vươn lên của các đối tượng chính sách, thay mặt Ðảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã phát biểu ý kiến biểu dương ý chí và thành tích của những người có công trong chiến đấu trước đây và phát triển sản xuất kinh doanh hiện nay, vươn lên đủ ăn và làm giàu. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định quyết tâm, quan điểm của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta là luôn luôn quan tâm, chăm lo ngày càng tốt hơn cuộc sống của những người có công theo đà tăng trưởng chung của nền kinh tế, cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của người có công, khuyến khích hơn nữa các hoạt động Ðền ơn đáp nghĩa. (Toàn văn Bài phát biểu của Phó Thủ tướng đã đăng Báo Nhân Dân số ra ngày 17-7).

Những con người dũng cảm trong chiến đấu, đồng thời giàu ý chí vượt lên

Lê Thị Hồng, (bí danh: Minh Thắng), 58 tuổi, quê xã Cẩm Sơn (Mỏ Cày, Bến Tre) bằng giọng nói ấm áp, kể: Tôi tham gia cách mạng năm 1967, về hưu năm 1991, là thương binh hạng 2/4. Năm 1978, tôi vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cùng nhiều huân, huy chương các loại. Chồng tôi cũng là cán bộ về hưu, gia đình tôi có hai người con, một con trai và một con gái. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, tháng 12-1967, khi mới 16 tuổi, tôi vào đơn vị Biệt động thị xã Bến Tre, đã cùng đơn vị tham gia tám trận đánh trong nội ô thị xã, giết chết hàng trăm tên địch, phá hủy sáu tấn đạn dược, nhiều lần chuyển vũ khí vượt qua các trạm kiểm soát của địch để phục vụ cho đồng đội chiến đấu, phá hủy các mục tiêu quan trọng của địch ở nội ô thị xã Bến Tre. Tôi đã bị địch bắt ba lần, phải chịu rất nhiều khảo tra, đánh đập và cực hình dã man, sau mỗi lần ra tù, sức khỏe tôi rất kém, nhưng với sự tận tình chăm sóc của đồng đội, với tình yêu quê hương đất nước, với truyền thống gia đình, tôi luôn tự nhủ lòng mình, dù có chết cũng không lùi bước trước kẻ thù.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi công tác ở Hội Chữ thập đỏ, rồi chuyển sang công tác tại cơ quan chính quyền thị xã. Năm 1991, tôi về hưu. Ðược sự quan tâm của UBND thị xã Bến Tre, tôi được cấp 1.500m2 đất. Ban đầu tôi chăn nuôi nhỏ, sau đó, với sự hỗ trợ của ngân hàng về vốn vay, cùng sự giúp đỡ của anh chị em trong gia đình, tôi đã mở rộng dần mô hình chăn nuôi lợn, gà, bò. Từ năm 1999 nhận thấy mô hình chăn nuôi không còn thích hợp địa bàn khu dân cư, tôi chuyển sang phát triển kinh tế vườn, trồng cây ăn trái như: Dừa, sari, bưởi da xanh..., nhờ vào mô hình này, thu nhập hằng năm được hơn 40 triệu đồng.

Khi cuộc sống gia đình ổn định, nhớ tới những tình cảm giúp đỡ của anh em bè bạn bà con đã giúp đỡ những lúc khó khăn, tôi tạo điều kiện cho bà con khác còn nghèo bằng cách giúp vốn, cây, con giống để có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Số tiền tôi giúp bà con trong những năm qua khoảng hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, tôi vẫn tiếp tục tham gia các công tác xã hội tại địa phương với cương vị kiểm tra Ðảng ủy, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch MTTQ phường 8. Nhìn thấy bà con nghèo, nhất là những người nghèo thuộc diện người có công với đất nước, bản thân họ hoặc gia đình đã hy sinh biết bao xương máu để đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc ngày hôm nay, những đau thương mất mát đó không gì có thể bù đắp nổi. Tôi nghĩ, những người còn sống hôm nay phải có trách nhiệm đối với các gia đình chính sách và người có công. Ngoài sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, tôi đã cùng tập thể tranh thủ vận động các cơ quan, đoàn thể, các cá nhân trong và ngoài phường ủng hộ hơn 600 triệu đồng, và dùng số tiền đó để xây dựng tám căn nhà tình nghĩa, 41 căn nhà đoàn kết, hỗ trợ một gia đình thương binh 20 triệu đồng để xây dựng nhà ở, một căn nhà đồng đội, hỗ trợ chữa bệnh, xây dựng cống thoát nước, khu vệ sinh cho gia đình chính sách, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Tôi cũng đã đóng góp thêm kinh phí cho những công trình xây dựng xóm làng, hiến hơn 200m2 đất để làm đường đi công cộng, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu đẹp hơn.

Từ quê nhà ở xã Ái Quốc, TP Hải Dương, anh thương binh nặng Vũ Văn Soan mang trên mình 47 vết thương đến Bến Tre "Ðồng khởi" với sự háo hức. Anh kể: Tôi nhập ngũ tháng 8-1970, ở Tỉnh đội Hải Dương. Tháng 2-1971, tôi vào miền nam chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị mặt trận B5. Ngày 27-7-1972, với cương vị chỉ huy mũi nhọn đánh vào lữ đoàn thủy quân lục chiến của địch, hai ngày hai đêm chiến đấu ác liệt, tôi bị thương nặng, cụt cánh tay phải, tay trái giập nát và cắt xương trụ, chân phải giập nát, cứng khớp, bàn chân thuổng và gãy 1/3 cẳng chân trái, vỡ xương khoang cùng. Sau trận đánh đó, tôi được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và được cấp giấy chứng nhận thương binh có hành động dũng cảm chiến đấu. Năm 1973, tôi được đưa về Bệnh viện Quân y 109 điều trị vết thương. Mang trên người 47 vết thương, cân nặng chỉ còn 29kg, tôi được điều trị đặc biệt và ăn tự do (chờ chết). Những năm tháng điều trị tại viện, sức khỏe của tôi dần hồi phục, khi biết mình đã thoát khỏi tử thần, tôi kiên trì luyện tập ngày đêm, tập đứng, đi nhiều ngày nhiều tháng. Dần dần, tôi tự phục vụ sinh hoạt cá nhân, nhờ các bác sĩ Bệnh viện 109, cùng với nghị lực mạnh mẽ của bản thân tôi đã tự đi lại được với chiếc nạng gỗ hỗ trợ. Khi các vết thương đã lành, nhưng để lại di chứng, đi lại khó khăn, tay phải đã mất, tôi phải tập làm mọi việc với bàn tay trái. Tôi tập viết, tập đi xe đạp với một chân cứng, một chân gãy. Sau khi vết thương ổn định, tôi về quê lấy vợ - một cô giáo trường làng cũng là một dân quân tham gia phục vụ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Năm 1981, tôi về an dưỡng tại gia đình, những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn, vợ tôi phải bỏ dạy học để phục vụ tôi hằng ngày. Với sự động viên của vợ, trên chính cánh tay mang nhiều thương tích của mình, tôi đã có thể làm những việc nhà để giúp đỡ vợ khi sinh con. Vợ chồng tôi sinh được ba cháu, cuộc sống lam lũ, kinh tế khó khăn, tôi đã phải nhận đốt gạch thuê, nhận trang trí đám cưới, kẻ vẽ biển quảng cáo, viết thuê các loại văn bằng, đan nan rọ đánh bắt cá, đào ao nuôi cá để cải thiện cuộc sống gia đình. Bằng lao động miệt mài, vợ chồng tôi tự tay xây được hai gian nhà mái bằng. Con cái tôi học hành ngoan ngoãn. Lúc trái gió trở trời, vết thương tái phát, chân của tôi bị liệt lại, phải vào Quân y viện 7 điều trị ba tháng nằm liệt giường, tôi nghĩ đời mình thế là hết. Sau những cơn đau, ý chí lại vươn lên mạnh mẽ, tôi lại kiên nhẫn tập đi, lần này đau hơn, khó hơn. Tôi duy trì sức khỏe của mình bằng việc lựa chọn môn thể thao bóng bàn để rèn luyện. Suốt thời gian luyện tập, vết thương vẫn đau, mồ hôi và máu vẫn đổ. Từ năm 2002 đến nay, tôi là vận động viên bóng bàn người khuyết tật Việt Nam. Tám lần tham dự giải quốc gia, năm lần khoác áo Ðội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự giải Ðông - Nam Á và châu Á. Thành tích mà tôi đạt được là 22 huy chương các loại, trong đó có chín Huy chương vàng, một Huy chương bạc, ba Huy chương đồng cấp quốc gia đã mang vinh quang cho thể thao tỉnh Hải Dương; một Huy chương vàng cá nhân Ðông - Nam Á năm 2005, bốn Huy chương bạc cá nhân, đồng đội Ðông - Nam Á năm 2007, hai Huy chương đồng Ðông - Nam Á năm 2003, hai Huy chương đồng cá nhân châu Á - Thái Bình Dương, năm 2006. Bên cạnh niềm vui trên, tôi còn được nhân dân bầu làm cụm trưởng cụm dân cư, xây dựng mối đoàn kết trong khu dân cư, chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước, đóng góp đầy đủ mọi phong trào như "Ðền ơn đáp nghĩa", ủng hộ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam. Hai con trai tôi đều là đảng viên, gia đình tôi được bình chọn là Gia đình văn hóa, Người công dân kiểu mẫu và là cá nhân xuất sắc trong mọi phong trào địa phương. Ðối với tôi, đó là niềm hạnh phúc nhất.

KpăHó, gần 60 tuổi, Anh hùng LLVTND, quê ở xã Ia Phìn (Chư Prông, Gia Lai), là một tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số một lòng kiên trung đi theo Ðảng, cách mạng và Bác Hồ. Bà kể: Nhờ những thành tích trong chiến đấu thời chống Mỹ, ngày 6-11-1975, tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau khi rời quân ngũ năm 1977, tôi trở về làm ăn sinh sống tại địa phương. Bằng tư tưởng lập trường vững vàng của người chiến sĩ cách mạng, tôi cùng gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước không hoang mang, dao động trước mọi biến cố ở địa phương. Thời điểm năm 2001-2004, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn Chư Prông diễn biến phức tạp, tổ chức phản động tin lành Ðề-ga lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo tuyên truyền, dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin biểu tình, bạo loạn nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc làm ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Tôi đã cùng các hội, đoàn thể của địa phương tích cực tuyên truyền, vận động bà con không nghe theo lời của kẻ xấu, giữ vững an ninh trật tự của làng, của xã. Bên cạnh đó, tôi vận động bà con dần bỏ những tập tục lạc hậu trong đời sống, thực hiện tốt "phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư", tiếp thụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập để đời sống bà con ngày càng ổn định và phát triển.

Tham gia Hội nghị người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2009, các đơn vị trong toàn quân đã lựa chọn mười gương mặt cán bộ, chiến sĩ xuất sắc nhất về dự. Toàn quân đang đẩy mạnh các hoạt động Ðền ơn đáp nghĩa, không những đã hoàn thành kế hoạch xây dựng 1.500 ngôi nhà tình nghĩa, còn vượt 500 nhà, tổng giá trị 87 tỷ đồng, từ nay đến cuối năm còn làm thêm gần 900 ngôi nhà nữa. Trong niềm vui đó, đồng chí Võ Văn Nguyên, thương binh hạng 3/4 thuộc Công ty 732, Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng, cho biết: "Tôi tham gia chiến đấu tại chiến trường Quân khu 5, khu vực giáp biên giới Việt Nam-Lào-Cam-pu-chia. Sau khi đất nước thống nhất tôi cùng đơn vị tiếp tục bám trụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên giới của Tổ quốc. Chúng tôi còn làm nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Trồng trọt và chăn nuôi, doanh thu của đơn vị đạt 12 tỷ đồng/năm.

Năm nay đã 72 tuổi, ông Thái Hữu Hoàn, ở xã Xuân Thành (Yên Thành, Nghệ An) đã đi TNXP từ năm 17 tuổi phục vụ chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ. Ông kể: Tôi cùng Sư đoàn 335 - Quân khu Tây Bắc đã trực tiếp chiến đấu trong các chiến dịch tại chiến trường Lào, như Mùa khô 1960-1961, Cánh đồng Chum, Chiến dịch giải phóng Nậm Thà 1962, Chiến dịch giải phóng Xiêng Khoảng Tha Thom - Ta Viêng năm 1964, Chiến dịch Nậm Bạc 1967-1968, Huổi Thong-Phu Khoỏng 1969-1970, Viêng Phu Khang-Na Vô Nậm Dụ 1972, sau hiệp định đình chiến Lào, tiếp tục xây dựng Trung đoàn 82 tình nguyện Lào.

Tôi bị thương trong chiến dịch Nậm Bạc. Khi đó, đơn vị tôi được chốt giữ cao điểm 932 ngăn chặn địch lấn chiếm, hòng cắt đứt đường tiếp tế của ta. Ngày nào địch cũng dùng máy bay T28, pháo 106,7+105 ly bắn phá. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã chiến đấu hết sức dũng cảm, ngoan cường để giữ vững trận địa, nhiều đồng chí, đồng đội đã hy sinh anh dũng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ giúp nước bạn Lào, năm 1976 tôi trở về nước, và sống ở Sơn La.

Năm 1987, tôi được về hưu với cấp hàm Trung tá, mang trên mình thương tật 25% vĩnh viễn, kèm theo căn bệnh sốt rét kinh niên. Khi đó, hoàn cảnh gia đình tôi - một mẹ già 90 tuổi, vợ ốm, 6 đứa con đang tuổi ăn học, sau vụ chập điện năm 1981 tại Sơn La, nhà cửa tài sản cháy hết không còn lại gì. Phải làm sao đây để giải quyết đời sống khó khăn cho gia đình, trong bối cảnh Nhà nước vừa xóa bỏ bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh, vốn liếng không có. Sau nhiều ngày đêm trằn trọc suy nghĩ, khảo sát tìm kiếm thị trường, tôi nhận thấy đa số nhân dân, đặc biệt là bà con ở vùng sâu, vùng xa, đâu đâu cũng thiếu dụng cụ sản xuất, nhu yếu phẩm... Do đó tôi đã đặt kế hoạch xin chính quyền địa phương hợp đồng để đối lưu hàng hóa với nhân dân. Trong hai năm, tôi đã vận chuyển hàng trăm tấn công cụ sản xuất, hàng hóa tiêu dùng, như cuốc, xẻng, liềm hái, dao rựa, xoong, nồi, mắm, muối... và đối lưu lại nhân dân đã giao cho tôi hàng trăm tấn lúa, ngô, khoai, sắn. Bên cạnh đó, gia đình tôi kết hợp chăn nuôi lợn, mỗi năm xuất chuồng từ 3 đến 5 tấn.

Xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của bà con nhân dân, và để thực hiện chương trình ngói hóa của tỉnh, tôi đã xây dựng hai lò đốt ngói cho bản Khoa và bản Pót, chuyển giao kỹ thuật đốt lò cho bà con, cùng với việc vận chuyển hàng trăm chuyến xe chở ngói từ Nà Sản vào đối lưu. Vì vậy chỉ trong ba năm, từ năm 1990 đến 1993, 80% nhân dân xã Mường Khoa đã có ngói hóa. Ngoài ra, tôi nghiên cứu mua thêm máy phát điện và lắp đặt thành công máy phát điện loại nhỏ, tạo nguồn ánh sáng cho đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Cuối năm 1993, Luật Doanh nghiệp ra đời, tôi làm đơn và được UBND tỉnh cấp phép, thành lập doanh nghiệp TNXD Duy Liêm vào đầu năm 1994, do tôi làm chủ doanh nghiệp. Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, doanh nghiệp đã nhận và thi công hàng trăm hạng mục công trình, như trường học, bệnh xá, trạm trại, đường giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi vừa và nhỏ... Từ vốn ban đầu là 200 triệu đồng, đến năm 2009 doanh số đã đạt 65 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Trong đó có 1/5 là bộ đội xuất ngũ và con thương binh, mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/tháng. Làm tốt công tác từ thiện như ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, nạn nhân chất độc da cam...

Phạm Thị Cai, 84 tuổi, ở xã Tân Bình (Dĩ An, Bình Dương) là gia đình có hai liệt sĩ, người có công giúp đỡ cách mạng thời Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bà nói: Tôi sinh ra tại xã Tân Bình, tỉnh Bình Dương, nơi có truyền thống cách mạng qua nhiều thời kỳ. Ðược sự giáo dục và tuyên truyền từ cơ sở cách mạng tại địa phương, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tôi đã tham gia giúp đỡ, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các chiến sĩ cách mạng tại địa phương, tạo thêm sức chiến đấu với địch, nhằm giải phóng đất nước. Chồng tôi tên Phạm Văn Nhứt, quê xã Tân Bình, huyện Dĩ An, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, thuộc đơn vị Mặt trận Việt Minh, là chủ nhiệm đơn vị đã anh dũng hy sinh ngày 14-4-1946. Ðây là mất mát lớn lao đối với gia đình và bản thân, nhưng tôi vẫn luôn động viên các con tiếp tục truyền thống cách mạng, tham gia kháng chiến. Con trai tôi là Phan Thanh Hải, cán bộ báo vụ thuộc đơn vị Ban thông tin khu 5, hy sinh ngày 14-4-1968 khi đang làm nhiệm vụ.

Hòa bình lập lại, tôi được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, hai Bằng Tổ quốc ghi công của hai liệt sĩ Phan Văn Nhứt và Phan Thanh Hải. Với tinh thần vượt khó, lại là hội viên Câu lạc bộ truyền thống xã Tân Bình, tôi luôn phấn đấu làm tấm gương sáng cho thế hệ con cháu noi theo. Tại địa phương, tôi tham gia các phong trào xây dựng khu phố văn hóa, dạy dỗ con cháu trong gia đình sống tốt, sống vì mọi người.

Ông Nguyễn Kiềng, 86 tuổi, ở thôn 3, xã Hòa Vinh (Ðông Hòa, Phú Yên) là cha của hai liệt sĩ - người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. Ông cho biết: Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, năm người trong gia đình tôi tham gia hoạt động cách mạng tại các chiến trường tỉnh Phú Yên và Liên khu 5. Tôi có ba người con, một người con trai và một người con gái đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ năm 1972 và năm 1974. Còn một con trai hiện đang công tác tại Bệnh viện Ðông Hòa. Vợ tôi, từng là cán bộ huyện, nay đã về hưu và tham gia một số hoạt động tại địa phương.

Là người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tra tấn tù đày, tuổi cao sức yếu, không tránh khỏi đau ốm lúc trái nắng trở trời. Nhưng với tinh thần người chiến sĩ cách mạng, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt các công tác được giao, đem hết sức lực còn lại của mình vận động gia đình, con cháu, bà con nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước.

Ông Trịnh Công Thanh, 55 tuổi, thương binh 4/4, quê ở Quỳnh Phụ (Thái Bình), hiện ở xã Ðồng Kho (Tánh Linh, Bình Thuận) được nhiều người biết đến bởi ý chí vượt khó, tự vươn lên bảo đảm cuộc sống của mình. Ông Thanh cho biết: Ðược sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, đồng thời, ý thức được cuộc sống nơi làng quê nghèo, tôi luôn xác định là một người lính Cụ Hồ, trong chiến đấu cũng như trong đời thường, phải quyết tâm lao động, làm giàu chính đáng, xây dựng các phong trào và đóng góp xây dựng xã hội. Tôi tham gia công tác ở cấp xã 26 năm, đảm nhiệm nhiều chức vụ như Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh... Nhưng, dù ở cương vị nào, tôi cũng luôn phát huy khả năng trí tuệ, sức lực của mình đóng góp ý kiến, tham mưu cho lãnh đạo thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ đề ra của các cấp, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ðối với gia đình, tôi luôn động viên vợ con khắc phục khó khăn, siêng năng sản xuất, thực hành tiết kiệm, chấp hành chính sách, chủ trương, pháp luật của Ðảng và Nhà nước và nghĩa vụ của người công dân. Hiểu được lợi thế, tiềm năng trên mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi, gia đình tôi xây dựng mô hình sản xuất VAC lấy ngắn nuôi dài trên tổng diện tích 5 ha đất, trồng cây ăn trái, trồng ngô, lúa nước, đào ao nuôi cá. Ngoài ra, còn nuôi lợn, gà, kinh doanh dịch vụ cơ giới. Bình quân, mỗi năm gia đình tôi thu lợi hơn 150 triệu đồng. Tạo việc làm cho nhiều lao động với mức lương 1,8 - 2 triệu đồng/người. Hướng dẫn chuyển giao công nghệ cây trồng, vật nuôi, con giống cho bà con, áp dụng khoa học có hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình tôi còn nhận đỡ đầu con liệt sĩ, người có công, hỗ trợ hội viên Cựu chiến binh thiếu vốn, thiếu giống cây, con, dịch vụ làm đất không tính lãi. Tham gia các phong trào của địa phương, nuôi dạy con cái ăn học trưởng thành. Tham gia công tác xã hội từ thiện, xóa đói, giảm nghèo, giúp nhau làm kinh tế, được bà con láng giềng yêu mến.

Ông Lê Xuân Vị, 65 tuổi, thương binh hạng 4/4, Giám đốc Công ty thương mại Hải Ðà, quê ở phường Nam Hải (Hải An, Hải Phòng). Ông nói: Năm 1968, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Lâm nghiệp, tháng 1-1973 tôi nhập ngũ thuộc Tiểu đoàn Hải Ðà (kết nghĩa giữa Hải Phòng và Ðà Nẵng), trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Ðà. Năm 1984 về công tác tại Sở Nông nghiệp Hải Phòng, đảm trách các cương vị lãnh đạo. Năm 2002, tôi về hưu. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Thương binh tàn nhưng không phế", những người lính của Tiểu đoàn Hải Ðà năm xưa đã kết hợp cùng nhau thành lập Công ty CPTM Hải Ðà, tôi được giao nhiệm vụ là Phó Giám đốc, nay là Giám đốc. Là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ngành nghề chủ yếu là đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy pha sông biển, phá dỡ tàu cũ, san lấp mặt bằng, kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng với lực lượng sản xuất là những thương, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ, con em gia đình chính sách. Do vậy, trình độ nhận thức khác nhau, nguồn vốn hạn hẹp, không có mặt hàng ổn định, vật tư, vật liệu chủ yếu là tự khai thác. Bước đầu, công ty hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. Bằng việc kiện toàn bộ máy quản lý gọn nhẹ, tuyển dụng những công nhân có kinh nghiệm, tay nghề cao, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, công ty của chúng tôi đã đạt được nhiều thành quả to lớn, giải quyết việc làm cho 120 - 150 lao động, trong đó 18 là thương, bệnh binh và con em các gia đình chính sách, thu nhập bình quân 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh việc duy trì sản xuất, công ty luôn chấp hành tốt chế độ, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước, thực hiện nghiêm túc việc hạch toán kinh tế, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Trong những năm gần đây, công ty còn nuôi dưỡng năm cụ già cô đơn, một cháu nhiễm chất độc da cam, bình quân 14 triệu đồng/năm, tặng nhà tình nghĩa, tu bổ Nghĩa trang phường Ðông Hải, quận Hải An 35 triệu đồng.

Ðến từ Ðoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm miền bắc, Cục Phòng, chống tội phạm ma túy (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đồng chí Trương Văn Ba (con liệt sĩ) hiện là Phó đoàn trưởng Ðoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm, nói: "Năm 1991, tôi tốt nghiệp Ðại học An ninh nhân dân và được nhận công tác tại Phòng trinh sát Ban chỉ huy biên phòng Quảng Nam - Ðà Nẵng. Công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp và nguy hiểm. Nhưng dù khó khăn đến mấy, tôi và các đồng chí trong lực lượng Bộ đội Biên phòng vẫn luôn sát cánh bên nhau, tham gia phá nhiều vụ án ma túy trọng điểm và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Với nhiều thành tích đạt được trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng chí Trương Văn Ba được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công; năm năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Năm 2003, anh về công tác tại Cục Trinh sát, giữ chức vụ Ðội trưởng đấu tranh với các loại tội phạm nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia và cũng đạt thành tích; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, trở thành tấm gương tiêu biểu của lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Mọi người dự hội nghị xúc động khi biết anh Phùng Văn Chiến, 30 tuổi, con liệt sĩ, quê ở xã Ðức Xuân (Thạch An, Cao Bằng) xa xôi cũng có mặt ở Bến Tre tham dự hội nghị. Giọng nghẹn ngào, anh kể: Cha tôi hy sinh khi bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc lúc tôi mới chào đời, chưa nhận biết được gương mặt người cha. Tôi sống cùng bà ngoại và mẹ, nhà rất nghèo, ruộng vườn không có, mẹ tôi phải vào rừng làm nương. Năm lên sáu tuổi, mẹ tôi đi bước nữa. Không may mắn, bố dượng tôi nghiện thuốc phiện, bệnh tật rất nặng. Năm 10 tuổi, bà ngoại mất, tôi là một đứa trẻ chưa biết suy nghĩ, cuộc sống trắc trở, tôi bỏ dở việc học khi đang học lớp 5 để đi lấy củi bán lấy tiền kiếm sống. Một năm sau khi bà ngoại mất, mẹ tôi bị hậu sản qua đời. Bố dượng tôi lại ốm yếu không thể lao động được, cuộc sống của một đứa bé như tôi ngày càng khó khăn. Tôi xin đi học lại lớp 5, lúc đó, tôi chỉ có tâm nguyện: Phải quyết tâm cố gắng học tập thật tốt để thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ, trở thành người có ích cho xã hội. Tốt nghiệp tiểu học, được bà thím xin cho đi học THCS, hằng ngày, sáng tôi đi học, chiều lấy củi, lấy chuối rừng bán để mua gạo ăn, mua thuốc cho bố dượng. Là học sinh nghèo vượt khó, tôi liên tục đạt học sinh tiên tiến trong ba năm học liền. Thấy cuộc sống của tôi quá vất vả, năm 1993, Phòng LÐ-TB và XH huyện Thạch An đón tôi lên sinh sống tạm ở phòng để tôi yên tâm học hành.

Năm 1994, khi tôi học cuối lớp 8, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Cao Bằng được khánh thành, tôi được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đón về nuôi dưỡng. Ở đây, tôi có điều kiện học tập tốt hơn. Tốt nghiệp THPT, tôi thi đỗ vào Trường đại học Sư phạm I, khoa giáo dục chính trị. Trong suốt khoảng thời gian là sinh viên, tôi gặp rất nhiều khó khăn, không có nhiều tiền, tôi phải chi tiêu hết sức tiết kiệm, chủ yếu nhờ vào số tiền tuất nuôi dưỡng con liệt sĩ cùng với sự giúp đỡ của các cô, bác, họ hàng, bạn bè. Với quyết tâm của mình, năm 2002, tôi tốt nghiệp đại học loại trung bình khá, tôi trở về quê hương công tác, được phân công giảng dạy tại Trường THPT Cao Bình (Hòa An, Cao Bằng). Năm 2006, tôi được điều động về giảng dạy tại Trường THPT Bế Văn Ðàn. Tôi xây dựng gia đình, cuộc sống của tôi hiện nay đã dần đi vào ổn định. Mọi công tác về chuyên môn cũng như việc phụ trách các vấn đề khác, tôi đều hoàn thành tốt. Năm học 2007-2008, tôi đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường. Năm 2008-2009, tôi đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp thị xã. Tôi còn được Thị đoàn thị xã Cao Bằng tặng Giấy khen trong công tác Ðoàn.

Bản thân tôi sẽ phát huy truyền thống gia đình cách mạng và quê hương cách mạng Cao Bằng, cố gắng hơn nữa để hoàn thiện bản thân, không ngừng vươn lên trong học tập, công tác để xứng đáng với sự hy sinh vì Tổ quốc của người cha yêu quý của tôi.

Anh Nguyễn Văn Trỗi, 36 tuổi, con liệt sĩ, cán bộ phòng LÐ-TB và XH huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), là Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng phòng, kiêm Phó trưởng Ban thường trực xóa đói, giảm nghèo và việc làm huyện Củ Chi, cho biết: "Tôi cùng các cán bộ cơ quan xây dựng chi bộ ngày càng mạnh về tổ chức, là một hạt nhân trung tâm đoàn kết của đơn vị nhằm bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao. Hằng tháng, tổ chức các cuộc họp kiểm tra đánh giá các đảng viên và đề ra nghị quyết phù hợp. Năm 2008, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là Phó trưởng phòng, tôi tham mưu cho lãnh đạo phòng, huyện ủy, UBND xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch chăm lo hộ nghèo theo tiêu chí mới - hộ dân có mức sống ngang bằng khu vực từ năm 2006-2010. Năm 2008, đơn vị hoàn thành chỉ tiêu kinh tế của ngành phụ trách như: tổ chức cho hộ dân nghèo vay vốn tạo việc làm cho 11.845 lao động/8.000 lao động, xuất khẩu 52 lao động, quản lý và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo Bộ Luật lao động, tham gia hòa giải tranh chấp lao động, đào tạo nghề cho 252 lao động, đạt 100% kế hoạch trong năm. Ngoài ra, tôi còn đề xuất, tham mưu với lãnh đạo phòng và UBND huyện các vấn đề về chính sách quản lý nhà nước về lao động tiền lương, văn bản quản lý nhà nước về bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.

Từ vùng đất mũi Cà Mau, bà Phạm Thị Bay (bí danh: Ba Bay) 70 tuổi, quê ở xã Hưng Mỹ (Cái Nước, Cà Mau) mang đến hội nghị tấm gương của một người cao tuổi, một thương binh hạng 4/4, Anh hùng LLVTND tiêu biểu trong cuộc sống hôm nay. Bà kể: Năm 1969-1973, tôi tham gia du kích xã theo chủ trương đánh bình định nông thôn của địch bằng phong trào du kích, chiến tranh nhân dân. Thực hiện khẩu lệnh "Một tấc không đi, một ly không rời", thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" tôi cùng du kích xã, ấp và đảng bộ hơn 90 ngày đêm tiến công liên tục hơn 34 trận lớn nhỏ, phục kích bắn tỉa, phát loa kêu gọi uy hiếp cắt đường tiếp tế của địch, phá hủy tám đồn bốt địch, tiêu diệt 55 tên lính, làm 79 tên bị thương. Từ tháng 10-1973 đến cuối năm 1975, tôi được Huyện ủy tăng cường làm Bí thư xã ủy xã Tân Hưng Ðông, một xã có chi khu của địch đang đóng ở trung tâm xã.

Ðứng trước nhiệm vụ khó khăn, nhưng với tinh thần người chiến sĩ cách mạng tự lực tự cường, quyết tâm chiến đấu, tôi khẩn trương mở đại hội Ðảng và đại hội các đoàn thể xã, củng cố bổ sung lực lượng, chuẩn bị vũ khí bố trí kế hoạch phân công. Ngày 1-12-1974, các mũi đồng loạt ra quân, tiến công làm ba mũi, tôi cùng đồng chí Tư Tợn xã đội trực tiếp lãnh đạo mũi tiến công chủ yếu, bắn tỉa, pháo kích, bắn máy bay không cho chúng tiếp tế, phóng loa kêu gọi vận động binh sĩ địch, thả truyền đơn thư cho đồn địch. Sau những đợt tiến công ác liệt, đến đêm 15 rạng ngày 16 chúng tháo chạy, cứ điểm tiểu đoàn chi khu xã Tân Ðông Hưng đã hoàn toàn được giải phóng, tiêu diệt 55 tên địch, làm bị thương 19 tên, thu giữ rất nhiều vũ khí, quân trang của giặc.

Khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, tôi trở về địa phương cùng một túi quần áo, một túi tài liệu và hai bàn tay trắng. Nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ, bạn bè tôi có một căn nhà lá trên mảnh đất ba công tập thể mới cấp cho chưa được khai thác. Ðứng trước cuộc sống khó khăn, lại thêm nỗi nhớ anh em đồng chí, n