KATÊ là lễ hội chính và lớn nhất trong hàng chục lễ hội văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn ở khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận. Hàng năm, lễ hội Katê được tổ chức vào đầu tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch), nhằm tưởng nhớ công ơn của tiền nhân, cũng là dịp để bà con vui chơi, giải trí sau một mùa vụ lao động nhọc nhằn. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm thì Katê có ba cấp độ: Katê đền tháp, Katê làng và Katê gia đình. Nghĩa là, sau khi thực hiện các nghi lễ tại các đền tháp, Katê sẽ về với từng làng Chăm rồi đến với từng gia đình, trong niềm vui của mọi người sau một mùa sản xuất nông nghiệp. Do vậy, có thể coi Katê như tấm gương phản chiếu đời sống tinh thần, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Chăm hằng năm. Theo Sư cả Thông Bo, năm nay, đồng bào Chăm ở các xã Hàm Phú, Hàm Trí và thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc tiếp tục tổ chức lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư đúng với thời gian, nội dung, và đầy đủ các nghi lễ truyền thống nhiều đời. "Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến Ðảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con hành lễ tại tháp Pô Sah Inư hết sức mỹ mãn" - Sư cả Thông Bo chân thành bộc bạch như thế.
Kể từ khi được phục dựng hồi năm 2005, năm nào lễ hội Katê tại khu di tích tháp Pô Sah Inư ở phường Phú Hài, TP Phan Thiết cũng được các vị chức sắc, đồng bào Chăm ở huyện Hàm Thuận Bắc cùng ngành chức năng của tỉnh Bình Thuận tổ chức với phần lễ đúng theo nghi thức truyền thống và phần hội được bổ sung khá phong phú. Theo tài liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, nhóm đền tháp Pô Sah Inư được người Chăm xây dựng từ cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ IX thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai để thờ thần Shiva, một trong những vị thần của Ấn Ðộ giáo được người Chăm tôn sùng, mến mộ. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tháp có tên là Phố Hài (gọi theo địa danh, nay là Phú Hài). Cùng với tên gọi ấy, tháp còn có tên là Pô Sah Inư. Theo truyền thuyết của dân tộc Chăm, Pô Sah Inư là công chúa của hoàng tộc Chăm đã có công chỉ bảo người dân làm thủy lợi "dẫn thủy nhập điền", trồng bông, dệt vải. Khi bà mất, người Chăm thờ cúng bà tại nhóm đền tháp này để tỏ lòng biết ơn người có công giúp dân có cuộc sống no ấm. Nhiều năm qua, nhóm đền tháp Pô Sah Inư đã được tu bổ, phục hồi, tôn tạo để bảo tồn một di tích kiến trúc độc đáo ít nhiều đã bị phong hóa theo thời gian.
Ðúng ngày "lên tháp", từ rất sớm, đông đảo đồng bào Chăm với những bộ trang phục lễ hội đẹp nhất đã tụ hội về khu vực tháp Pô Sah Inư. Người dân ở địa phương cùng du khách gần xa cũng tập trung về đây cùng chung vui, thưởng ngoạn những nét đặc sắc của lễ hội. Trong rộn ràng tiếng trống Ghinăng, bập bùng nhịp trống Paranưng và tiếng kèn Saranai réo rắt, các vị chức sắc cùng hàng chục nam thanh, nữ tú rước trang phục nữ thần Pô Sah Inư về tháp. Tại tòa tháp chính, các vị chức sắc thực hiện các nghi thức tế lễ truyền thống để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Nét độc đáo trong phần lễ tại lễ hội Katê - Pô Sah Inư là có nghi thức lễ cầu an do các chức sắc theo đạo Bàni thực hiện trước ngày lên tháp. Lý giải điều này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Chăm khẳng định, đó là biểu hiện cùng chung cội nguồn, cùng sự thành kính tri ân đối với công lao của tiền nhân trong cộng đồng đồng bào Chăm.
Nếu như phần lễ được bảo đảm đúng theo nghi thức truyền thống, thì phần hội trong lễ hội Katê - Pô Sah Inư cũng được bổ sung phong phú, hợp lý, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào Chăm. Trong những ngày diễn ra lễ hội, du khách đã thật sự "mãn nhãn" khi cùng hòa mình trong các hội thi dệt thổ cẩm, chế tác đồ gốm, làm bánh gừng, bánh gang tay và các trò chơi dân gian như đội nước, đẩy gậy... truyền thống của đồng bào Chăm. Cô I Ly Thanh Thi, sinh viên năm thứ 4, khoa Báo chí của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ðại học quốc gia TP Hồ Chí Minh) không giấu được niềm vui và xúc động khi đắm mình vào không khí lễ hội truyền thống của dân tộc mình. I Ly Thanh Thi tâm sự: Là người dân tộc Chăm ở huyện Bắc Bình và theo đạo Bà La Môn, nhưng do việc học hành, nên mấy năm nay cô không dự được lễ hội Katê - Pô Sah Inư. Năm nay, về thực tập nghiệp vụ tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận, cô đã thật sự bị cuốn hút bởi lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư. "Qua lễ hội, không chỉ bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm được giữ gìn, phát huy mà còn tạo thêm một sản phẩm du lịch độc đáo của Bình Thuận. Katê không chỉ là lễ hội mà còn mang ý nghĩa cộng đồng, giúp mọi người có dịp hiểu nhau hơn" - Nhà báo tương lai I Ly Thanh Thi đã khẳng định rất "nghiệp vụ" như thế...
Nhiều năm nay, nhờ chính sách chung của Ðảng, Nhà nước và chính sách đặc thù của tỉnh mà đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Thuận, trong đó có đồng bào Chăm đã không ngừng được cải thiện. Hơn tám năm qua, Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số" của Tỉnh ủy Bình Thuận (Nghị quyết 04) đã thật sự đi vào cuộc sống, làm chuyển biến khá toàn diện đời sống mọi mặt của đồng bào. Ngày nay, khi đến với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận, thường nghe đồng bào nhắc đến "đất 04"; "bò 04"... với sự tin tưởng, biết ơn. Nhờ vậy, nhiều năm nay, mùa Katê đều về với mọi làng Chăm ở Bình Thuận trong sự hân hoan của bà con sau một vụ mùa thắng lợi. Ông Thông Khói, Trưởng thôn 3, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, phấn khởi cho biết: Vụ hè thu vừa rồi, bà con ở quê ông thu hoạch lúa đạt năng suất bình quân 65 tạ/ha và thóc lại được giá, nên bà con sắm sửa Katê tươm tất, đầy đủ. Chủ tịch UBND xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình Trần Quốc Tuấn cho biết: Nếu tính cả đất sản xuất được cấp theo Nghị quyết 04, bình quân mỗi hộ ở Phan Hiệp được hơn 8,3 sào. Nhờ có nguồn nước thủy lợi từ hồ Cà Dây, rồi được bổ sung nước từ Thủy điện Ðại Ninh, hằng năm bà con đều sản xuất được ba vụ ăn chắc. Liên tục ba năm nay, năng suất vụ hè thu đều đạt khoảng 65 tạ/ha. Vụ hè thu vừa rồi, bình quân mỗi sào lúa, bà con thu lãi ròng khoảng 2,2 triệu đồng. Cũng nhờ vậy, đến nay, toàn xã Phan Hiệp chỉ còn 5,8% hộ nghèo theo tiêu chí mới. Ðặc biệt, với 1,5 ha ruộng tại xứ đồng É Chim, gia đình anh Lâm Thanh Nhàn ở thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp đã thu hoạch gần 13 tấn thóc. Trừ hết chi phí, gia đình anh Nhàn thu lãi ròng trong vụ hè thu vừa rồi gần 60 triệu đồng. Năm nay, do gia đình "kẹt" tang người em phía vợ, gia đình anh không tổ chức Katê, nhưng anh Nhàn vẫn tích cực tham gia Katê cùng với làng Bình Tiến. Nhờ sản xuất giỏi như vậy mà vợ chồng anh đã nuôi bốn người con học đại học và một con học trung cấp.
Không chỉ chăm lo đến đời sống vật chất mà đời sống tinh thần của đồng bào cũng được quan tâm chu đáo. Tháng 9-2010, Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận khá bề thế, được xây dựng tại xã Phan Hiệp đã chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm trưng bày 387 hiện vật (phục chế) cùng 157 hình ảnh về sinh hoạt, lễ hội của cộng đồng đồng bào Chăm ở Bình Thuận. Tại đây, các nghệ nhân địa phương còn thường xuyên biểu diễn dệt thổ cẩm, chế tác đồ gốm để du khách tham quan. Quan trọng hơn, bóng dáng thời gian từ các hiện vật, hình ảnh tại trung tâm sẽ góp phần tác động trực tiếp đến ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc trong cộng đồng đồng bào Chăm ở địa phương... Lễ hội Katê năm nay diễn ra đúng vào Ngày Du lịch thế giới 27-9-2011, với chủ đề Du lịch - liên kết các nền văn hóa. Ðó là thông điệp của Ngày Du lịch thế giới năm nay kêu gọi những người làm trong ngành du lịch ứng xử tôn trọng và hiểu biết về văn hóa; tăng cường trao đổi, đối thoại giữa các nền văn hóa để bảo đảm cộng đồng địa phương có thể tham gia và hưởng lợi từ các cơ hội phát triển du lịch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thành Tâm cho biết: "Tỉnh sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu, khả thi để tiếp tục quảng bá du lịch Bình Thuận thông qua các hoạt động văn hóa có chất lượng ngày càng cao, trong đó có các lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ở địa phương". Phải nói rằng, bên cạnh ý nghĩa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, lễ hội Katê còn là một loại hình du lịch độc đáo ở vùng đất cực nam Trung Bộ đầy nắng, gió này. Hẹn mùa Katê năm sau vui tươi, đầm ấm hơn...