Bảo tồn và phát triển các lễ hội đầu xuân tại Ninh Bình

Ninh Bình không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ mà còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, các lễ hội đầu xuân nơi đây thu hút đông đảo du khách thập phương, góp phần bảo tồn văn hóa và thúc đẩy phát triển du lịch.
Lễ hội Báo bản xã Yên Từ, huyện Yên Mô được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm.
Lễ hội Báo bản xã Yên Từ, huyện Yên Mô được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm.

Cứ vào tháng Giêng hằng năm, làng Nộn Khê, thuộc xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, tổ chức Lễ hội Báo bản. Ðây là một trong những lễ hội nổi tiếng tại tỉnh Ninh Bình có ý nghĩa báo đáp công đức tiền nhân, ông cha, những người có công khai khẩn đất đai, lập dựng xóm làng. Lễ hội vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nét độc đáo của Lễ hội Báo bản là kính báo lên thành hoàng, các bậc tiên tổ về sự thành đạt, hiếu học của con em và thành tích của làng trong năm cũ. Phần lễ sẽ tổ chức tế, dâng hương tôn vinh công lao các vị tiền nhân đã có công khai phá, lập làng và tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ - những người con quê hương đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ quê hương, đất nước; phần hội diễn ra sôi động, tươi vui với các hoạt động như đánh cờ, múa lân, võ vật, biểu diễn văn nghệ, thể dục, thể thao.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh; là một trong những sinh hoạt văn hóa tinh thần có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương, có sức ảnh hưởng quan trọng tại tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận. Lễ hội không chỉ góp phần giáo dục truyền thống văn hóa của địa phương mà còn là nơi hội tụ và lan tỏa tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, cũng là sợi chỉ kết nối các thế hệ người dân địa phương dù đang sinh sống ở bất cứ vùng miền nào; qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương.

Ngoài ra, tại Ninh Bình còn có Lễ hội truyền thống Hoa Lư, tổ chức vào tháng 3 âm lịch tại khu di tích Cố đô Hoa Lư, nhằm tưởng nhớ công lao của vua Ðinh Tiên Hoàng và Lê Ðại Hành. Lễ hội tái hiện các nghi thức cung đình xưa, rước kiệu, tế lễ cùng các hoạt động dân gian như trò chơi kéo co, cờ người, đấu vật.

Ðược tổ chức vào tháng 3 âm lịch tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, lễ hội Tràng An gắn liền với huyền thoại về các vị vua triều Ðinh và hành trình dẹp loạn 12 sứ quân. Lễ hội gồm nghi thức rước nước trên dòng sông Sào Khê, múa rồng trên thuyền, cùng các trò chơi dân gian độc đáo.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm, sự kết hợp giữa giá trị văn hóa truyền thống và cảnh sắc thiên nhiên đã giúp các lễ hội tại Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn. Mỗi năm, hàng triệu lượt khách đổ về Ninh Bình không chỉ để hành hương mà còn để khám phá, trải nghiệm những nét đẹp văn hóa dân gian.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh, Lễ hội Cố đô Hoa Lư, Lễ hội chùa Bái Ðính, Lễ hội Tràng An, Lễ hội đền Thái Vi, và Lễ hội đền Ðức Thánh Nguyễn tạo ra những trải nghiệm văn hóa tâm linh độc đáo cho du khách, trở thành điểm nhấn quan trọng, góp phần thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm, đồng thời thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương.

Nhận thức được tiềm năng này, tỉnh Ninh Bình không ngừng đầu tư, quảng bá lễ hội gắn với du lịch. Các hoạt động tổ chức bài bản, kết hợp công nghệ số trong quảng bá hình ảnh, cùng việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch đã giúp lễ hội Ninh Bình vươn xa, trở thành thương hiệu du lịch văn hóa tâm linh hàng đầu Việt Nam.