Bảo tồn bền vững rừng mai cổ tự nhiên độc đáo tại Quảng Trị

Rừng mai vàng gần 300 gốc với đường kính thân 40-45 cm lặng lẽ phát triển, nở hoa đẹp diệu kỳ ở khu vực đầu nguồn khe Làng An, xã Triệu Nguyên, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Đa Krông, tỉnh Quảng Trị. Phát hiện này đặc biệt ý nghĩa khi sách sử cổ đã ghi chép về rừng mai và bao thế hệ tìm kiếm không thành công. Trước đây, rừng mai chỉ được nhắc đến như huyền thoại trong quần thể danh thắng Non Mai-Sông Hãn.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng chỉ ra những cây mai cổ thụ có đường kính lớn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đa Krông.
Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng chỉ ra những cây mai cổ thụ có đường kính lớn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đa Krông.

Các đợt tuần tra rừng trước đây, lực lượng quản lý rừng đặc dụng thường đi vào mùa khô, khi cây mai đã nở hoa, ra lá cho nên không phân biệt với các loài cây khác trong rừng xanh.

Hiếm thấy ở miền trung

Ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị cho biết, cách đây bốn năm, trong một lần kiểm tra rừng định kỳ, đơn vị phát hiện rừng mai cổ thụ đúng thời gian ra hoa, từ tháng Giêng đến tháng ba âm lịch, có hình thái rất đặc biệt, hoa vàng 5 cánh như hoa mai trồng ở vườn nhà, thân cây lớn, dáng cổ thụ, phân bố tập trung ở khu vực rừng tự nhiên tương đối nguyên vẹn. Ban Quản lý rừng đặc dụng xác định đây là rừng hoàng mai và yêu cầu lực lượng của mình không được tiết lộ thông tin về sự phát hiện rừng mai cổ; tăng cường công tác tuần tra chung và khu vực rừng mai chặt chẽ hơn.

Sau nhiều lần điều tra, đơn vị ước định rừng mai vàng có tuổi đời hàng trăm năm, phân bố, sinh trưởng ở khu vực tương đối hẹp, diện tích khoảng vài héc-ta, mọc chung với các loài cây tự nhiên thuộc rừng xanh trung bình ở độ cao khoảng 300m so với mực nước biển. Ngoài gần 300 gốc mai vàng cổ thụ, còn nhiều cây mai đường kính thân dưới 10 cm phát triển tốt. Đây là quần thể rừng mai rất độc đáo, hiếm có, không chỉ ở địa phương, mà còn cả khu vực miền trung.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị Hồ Xuân Hòe cho biết, công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng được chú trọng, có sự ổn định; lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng đi vào hoạt động chuyên nghiệp, cho nên sở quyết định cho công bố thông tin rừng mai vàng cổ thụ nhằm có biện pháp nghiên cứu và bảo tồn loài mai cổ thụ này để tránh mất đi một di sản thiên nhiên quý giá giữa đại ngàn. Sở chỉ đạo Ban Quản lý rừng đặc dụng tỉnh kêu gọi các chương trình, dự án, phối hợp điều tra đa dạng sinh học; nghiên cứu về quần thể mai vàng tiến đến làm hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng công nhận vườn cây di sản trong thời gian tới.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho phép công bố về rừng mai cổ với hình ảnh thuyết phục đã mang lại niềm vui lớn cho Quảng Trị. Sông Hãn (Thạch Hãn) vẫn nằm đấy, Non Mai không còn là huyền thoại nữa. Núi Non Mai đi với sông Thạch Hãn, là biểu trưng cho đất nước, văn hóa của vùng đất Quảng Trị. Việc tồn tại rừng mai cổ càng làm cho danh thắng thêm độc đáo, hiếm nơi có được. Non Mai-Sông Hãn là biểu trưng văn hóa quan trọng của Quảng Trị.

Gợi mở nhiều tiềm năng nghiên cứu khoa học

Ông Hồ Xuân Hòe cho biết, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị đang có kế hoạch nghiên cứu chuyên sâu về rừng mai vàng cổ. Việc ghi nhận quần thể mai vàng không chỉ có ý nghĩa về mặt cảnh quan, còn gợi mở nhiều tiềm năng nghiên cứu khoa học cụ thể về đặc điểm sinh học, giá trị di truyền và khả năng thích nghi của loài trong điều kiện tự nhiên đặc thù của khu vực. Các nghiên cứu sẽ tập trung vào tái sinh tự nhiên, đa dạng di truyền và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; giá trị sinh thái và tiềm năng ứng dụng trong bảo tồn, phục hồi rừng có giá trị cao.

Để bảo vệ rừng mai được an toàn hơn sau khi công bố thông tin, sở giao cho Ban Quản lý rừng đặc dụng tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ rừng.

Để bảo vệ rừng mai được an toàn hơn sau khi công bố thông tin, sở giao cho Ban Quản lý rừng đặc dụng tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm địa bàn và các tổ bảo vệ rừng được tăng cường kiểm tra, tuần tra ở tần suất cao hơn, nhất là vào thời điểm cao điểm như trước và sau Tết hoặc mùa khô, khi nguy cơ xâm nhập, khai thác trái phép thường gia tăng. Ban quản lý đã bố trí một chốt trực bảo vệ rừng mai 24/24 giờ ngay trên đường đi vào rừng khu bảo tồn thiên nhiên và rừng mai. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ giá trị của rừng và cùng tham gia bảo vệ.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ lồng ghép các giải pháp kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm việc khai thác giá trị rừng mai cổ luôn gắn với trách nhiệm bảo tồn, không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên và an ninh rừng. Mô hình du lịch sinh thái quy mô nhỏ, có kiểm soát sẽ được ưu tiên phát triển. Bất kỳ hoạt động phát triển du lịch nào cũng phải dựa trên nguyên tắc không xâm hại, không làm thay đổi hệ sinh thái tự nhiên và bảo đảm hài hòa giữa ba yếu tố bảo tồn, giáo dục, sinh kế cộng đồng. Rừng mai cổ sẽ không trở thành điểm du lịch đại trà, mà sẽ là điểm đến đặc thù dành cho những đoàn khách nhỏ, các chuyên gia có nhu cầu tìm hiểu về thiên nhiên, thực vật bản địa và giá trị bảo tồn.

Theo ông Trương Quang Trung, Ban Quản lý rừng đặc dụng tỉnh mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của chính quyền địa phương trong việc nâng cao nhận thức người dân, tạo dựng môi trường thuận lợi để người dân sống gần rừng trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ rừng, gìn giữ an toàn cho rừng mai cổ quý hiếm. Đồng thời, đơn vị mong nhận được sự đồng hành của các nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức chuyên môn và nguồn lực đầu tư để những giá trị của rừng mai cổ được nghiên cứu, ghi nhận đầy đủ, phục vụ không chỉ cho công tác bảo tồn mà còn cho giáo dục, du lịch, phát triển bền vững.