An toàn vệ sinh thực phẩm: Làng nghề vẫn là... "vùng trắng"

ND- Lâu nay, mỗi chiến dịch vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta vẫn thường tập trung vào kiểm tra những quầy thực phẩm, những hàng quán ở nội thành, trong khi đó, vấn đề vệ sinh thực phẩm của những làng nghề vẫn gần như bỏ ngỏ.

Hà Nội có nhiều làng nghề sản xuất các mặt hàng thực phẩm, từ khi Hà Nội - Hà Tây hợp nhất, số lượng làng nghề loại này tăng lên đáng kể. Riêng về bánh kẹo, có các làng như Xuân Ðỉnh (Từ Liêm), La Phù (Hoài Ðức), Dương Liễu (Hoài Ðức)... Trong số này, La Phù là làng nghề sản xuất bánh kẹo lớn nhất của Hà Tây (trước đây), với hơn bốn chục cơ sở sản xuất bánh kẹo. Chuẩn bị cho Tết Trung thu, nhiều cơ sở chuyển sang sản xuất bánh Trung thu với số lượng lớn. Nhưng vệ sinh an toàn thực phẩm ở La Phù nói riêng và những làng nghề bánh kẹo nói chung vẫn còn là một câu hỏi lớn. Gần như trước dịp Tết Trung thu nào, cũng có một vài vụ thanh tra, kiểm tra ở các làng nghề này, lần nào cũng phát hiện thấy sai phạm. Những sai phạm chủ yếu là nguyên liệu không rõ nguồn gốc, nguyên liệu quá hạn sử dụng, thậm chí bị nấm mốc, nơi sản xuất không bảo đảm vệ sinh... Tuy nhiên,  thường thì chỉ một vài cơ sở bị phạt hành chính, đình chỉ hoạt động một thời gian, rồi sau đó mọi chuyện vẫn... tiếp diễn.

Ở một số làng nghề, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm gần như bị bỏ quên. Làng Cự Ðà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) nổi tiếng với nghề làm miến mấy chục năm nay. Hằng ngày, những xe chở miến toả đi khắp các ngả để phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, không phải ai cũng được chứng kiến cảnh làm miến ở làng nghề này. Làng Cự Ðà nằm dọc theo sông Nhuệ - một trong những con sông đang bị ô nhiễm nặng. Nhiều gia đình tại Cự Ðà hiện vẫn sử dụng nước giếng khoan để sản xuất miến. Không ít giếng khoan được đào cách con sông nồng nặc mùi xú uế chỉ vài chục mét, nên thật khó bảo đảm chất lượng của thứ nước được dùng để làm miến này. Mùi chất thải trong quá trình làm miến cộng với mùi nước sông khiến bầu không khí đặc quánh lại. Song, đó vẫn chưa phải điều đáng ngại nhất của quá trình làm miến.

Do diện tích chật chội nên nhiều gia đình chế biến miến ngay sát bờ sông. Nhà nhà làm miến nên mọi không gian được tận dụng triệt để. Dọc bờ sông đen ngòm, vô số giàn phơi miến được dựng lên. Trong suốt quá trình phơi, những sợi miến được "tẩm ướp" bởi thứ mùi của sông Nhuệ và không biết bao nhiêu loại vi sinh vật độc hại từ nước sông ô nhiễm. Những bãi rác của làng cũng được tận dụng triệt để không gian phía trên, bằng những giàn phơi miến. Người dân còn phơi miến ở cả nghĩa địa. Sau khi phơi khô, miến được chở đi đến mọi ngõ ngách của Hà Nội, đến cả các tỉnh xa.

Có thể kể ra hàng loạt làng nghề khác như làng bún Phú Ðô (Từ Liêm), làng bún Cao Hạ (Hoài Ðức), làng buôn gà Hà Vỹ (Thường Tín)... Những làng nghề buôn bán, sản xuất thực phẩm tạo ra nhiều việc làm cho người dân, nhiều hộ gia đình còn làm giàu từ những nghề này. Nhưng không vì thế, mà chúng ta không mạnh tay với những vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở các làng nghề.

Giang Nam