Âm nhạc Tchaikovsky cuộn chảy từ Volga đến sông Hồng

Cả khán phòng lặng đi trong tổ khúc ballet Hồ Thiên ngaKẹp hạt dẻ. Những trích đoạn ballet quá đỗi quen thuộc với những ai yêu nhạc cổ điển, lại càng thân thiết hơn nữa với những trí thức Hà Nội đã từng tu nghiệp ở xứ sở của bạch dương và tuyết trắng.

Mỗi vở ballet của Tchaikovsky là một tấm thảm âm nhạc diệu kỳ được đan quyện bởi những khúc nhạc tứ tấu, những điệu valse du dương lãng mạn, những vũ điệu lộng lẫy kỳ ảo của thiên nga Odeta, của công chúa A.Rora, điệu valse lung linh của các loài hoa muôn sắc...

Đôi tay chỉ huy của M.Serbakov run lên mạnh mẽ, âm nhạc xuyên thấu trái tim ông, điều khiển những cử chỉ của ông và truyền cảm hứng trực tiếp đến từng nhạc công trong dàn nhạc. Có lẽ chưa bao giờ cả người chơi nhạc lẫn người nghe cùng xúc động mạnh đến thế trước âm nhạc Tchaikovsky bởi những phát hiện mới mẻ.

Đề tài cuốn hút Tchaikovsky là cuộc đấu tranh quyết liệt của con người để giành lấy hạnh phúc, tình yêu và tự do. Trong các tác phẩm của mình, ông miêu tả một cách chân tình và sâu sắc về những niềm vui, nỗi buồn của con người, về những mâu thuẫn đầy kịch tính trong cuộc sống, cuộc đấu tranh vô tận giữa cái thiện và cái ác... Nhưng vượt lên trên hết vẫn là những tình cảm trong sáng cao thượng như những ngọn sóng trào dâng trong biển âm nhạc Tchaikovsky. Thiên nhiên Nga được ông thể hiện bằng tình yêu tha thiết của một trái tim nhạy cảm.

Dưới cây đũa chỉ huy đầy cảm xúc của M. Serbakov, giai điệu trở nên ấn tượng hơn bởi những nhấn nhá, những nét rung mạnh. Ông đã mang những sắc cạnh lập thể đương đại vào tinh thần tác phẩm của Tchaikovsky, khiến những tác phẩm này mang một đời sống mới, gần gũi hơn với cuộc sống đương đại.

Nghệ sĩ độc tấu piano sinh ra ở Saint Peterbourg, Irina Skovliakova  Bùi, con dâu của quê hương Việt Nam chơi bản Concertor số 1 cung Sib thứ Op.23 dành cho piano cũng có được một phong cách chơi ấn tượng hơn dưới sự hướng dẫn của vị nhạc trưởng tài ba. Có lúc tim người nghe như muốn nghẹn lại vì tiếng vọng của thiên nhiên: tiếng sóng sông Volga trào dâng, tiếng lá vàng rơi, tiếng tuyết lạo xạo dưới vó ngựa, tiếng thánh thót của những giọt nước rơi trên mặt băng...

Hai đêm nhạc Tchaikovsky dường như không muốn kết thúc trong tiếng vỗ tay không ngớt của thính giả. Nghệ sĩ violon Lê Quỳnh Giang xúc động nói: "Chúng tôi vô cùng may mắn được làm việc cùng ông M.Serbakov. Từ trên tầm cao, ông đã hạ mình xuống và nâng chúng tôi lên. Ông làm tình cảm chúng tôi sôi lên. Chưa bao giờ chúng tôi nhập hồn vào tác phẩm đến vậy, mặc dù kỹ thuật của chúng tôi chưa phải cao".

Igor V. Guko, quyền đại sứ LB Nga tại Việt Nam phát biểu ý kiến tại buổi hòa nhạc: "Tôi rất vui mừng và đánh giá sự kiện âm nhạc này như một đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển quan hệ văn hóa giữa LB Nga và Việt Nam. Qua những năm tháng hợp tác, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật dựa trên nền tảng văn hóa độc đáo, đặc sắc của mỗi nước, đã thúc đẩy phát triển sự hợp tác văn hóa hai bên, nâng cao đời sống tinh thần của hai dân tộc chúng ta và quan trọng nhất là mối quan hệ trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đã giúp nhân dân hai nước hiểu nhau hơn và xây dựng những mối quan hệ trên cơ sở tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau".

Ở nước Nga, nhạc Tchaikovsky đi vào lòng mỗi người từ thời thơ ấu cũng tự nhiên như thơ Puskin, hay tiểu thuyết của L.Tolstoi. Bởi trong đó chứa đựng những tình cảm dào dạt của một tâm hồn Nga vĩ đại. Sáng tác của ông là đỉnh cao của âm nhạc Nga thế kỷ 19. Người ta thường ví Tchaikovsky như tiếng sóng vỗ mạnh vào nền văn hóa Nga, soi sáng quá khứ và báo trước tương lai. Đó là trung tâm sức hút của hàng triệu trái tim.

Ấm nhạc của ông giàu chất thơ và tính trữ tình, truyền đến cho người nghe cảm xúc tràn ngập những điều tuyệt diệu còn tiềm ẩn trong tâm hồn con người, thức tỉnh con người hướng tới cái thiện.

Trong 28 năm lao động sáng tạo không mệt mỏi, Tchaikovsky đã để lại cho nhân loại một di sản âm nhạc vô giá: mười vở opera, bốn vở ballet, tám bản giao hưởng, ba bản concerto dành cho piano và 100 bản romance. Cho đến nay những kiệt tác âm nhạc này vẫn được đánh giá là những tác phẩm kinh điển mẫu mực không thể thiếu trong các chương trình biểu diễn của các nhà hát, các phòng hòa nhạc cũng như trong chương trình giảng dạy của các nhạc viện trên toàn thế giới.